GIA BẢO
Tháng 6-2023, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam dù đã cải thiện so với tháng liền kề trước, nhưng vẫn dưới ngưỡng 50, cho thấy ngành sản xuất tiếp tục khó khăn. Thêm vào đó, tăng trưởng tín dụng 6 tháng ở mức thấp, năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu. Vậy nên cần các giải pháp đồng bộ về tài chính, thị trường… để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN), góp phần tăng trưởng kinh tế vĩ mô.

Đơn hàng giảm, DN ngành may mặc đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: T.HÀ
Nhu cầu thị trường vẫn thấp điểm
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay tăng 3,72% và chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra, do tác động từ tổng cầu thế giới ở mức thấp, các thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường lớn của Việt Nam đều gặp khó khăn, nên lượng đơn hàng mới giảm. Cùng với đó, chính sách thắt chặt tài chính của các nền kinh tế để kiềm chế lạm phát cũng ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư, kim ngạch thương mại và sức chống chịu của DN trên thị trường.
Trong 6 tháng đầu năm có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) quý II-2023, các yếu tố tác động mạnh đến DN gồm: nhu cầu thị trường trong nước thấp (55,5%), khả hăng cạnh tranh của hàng hóa trong nước (47,2%), nhu cầu thị trường quốc tế thấp (34%), khó khăn về tài chính (32,2%), lãi suất vay vốn cao (31,6%),… Còn theo báo cáo của S&P Global, chỉ số PMI tháng 6-2023 của Việt Nam ở mức 46,2 điểm (tháng 5 ở mức 45,3 điểm) nhưng vẫn dưới ngưỡng an toàn 50 điểm và là tháng thứ 4 liên tiếp dưới 50 điểm. Ðiều đó cho thấy các nhà sản xuất ở Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn, sản lượng và số lượng đơn hàng mới tiếp tục giảm.
Sự phục hồi chậm, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào… những khó khăn này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ vốn của DN. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm thấp hơn kỳ vọng, dù NHNN và các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận vốn cho phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế. Tính đến ngày 30-6-2023, tổng dư nợ nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỉ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Từ kết quả này, NHNN cũng vừa có quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm 2023 ở mức 14% (mục tiêu đề ra từ đầu năm 2023 là tăng 14-15%). Ðồng thời chỉ đạo các TCTD tiếp tục ưu tiên vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh tín dụng chính sách, thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ, giảm lãi suất… nhằm tăng năng lực hấp thụ vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng năm 2023.
Cần động lực mới
Một số ý kiến của chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm nay là do tổng cầu yếu. Ðể giải quyết bài toán tăng trưởng tín dụng cần các chính sách kích thích tổng cầu đi kèm. Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, thanh khoản hệ thống ngân hàng Việt Nam đang dồi dào, nhưng điều quan trọng là tín dụng cần tập trung cho các lĩnh vực và hoạt động có hiệu quả, năng suất cao. Ðồng thời với kích thích tổng cầu, Việt Nam vẫn còn dư địa để mở rộng chính sách tài khóa để đạt mục tiêu này.
Ðể tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã 4 lần điều chỉnh các mức lãi suất (lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND với một ngành, lĩnh vực), với mức giảm 0,5-2%/năm. Thống kê của NHNN, lãi suất cho vay bình quân đã giảm 1% so với cuối năm 2022 (bình quân 8,9%/năm). Song song đó, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm đảm bảo ổn định tỷ giá. NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD triển khai các giải pháp tín dụng, đa dạng hóa sản phẩm, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) để hỗ trợ người dân, DN. Tính đến cuối tháng 5-2023, các TCTD đã cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 11.200 khách hàng với dư nợ hơn 24.800 tỉ đồng. Ðồng thời, các TCTD đưa ra nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi cho khách hàng; tăng kết nối ngân hàng - DN để góp phần tăng năng lực hấp thụ vốn, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống.
Theo lãnh đạo NHNN, gói 120.000 tỉ đồng hỗ trợ lĩnh vực bất động sản cũng đang được các ngân hàng tích cực triển khai đến khách hàng. Ngoài ra, gói 15.000 tỉ đồng cho lĩnh vực lâm, thủy sản vừa được NHNN công bố, thời gian triển khai đến ngày 30-6-2024; lãi suất cho vay bằng VND thấp hơn tối thiểu 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Các chính sách tín dụng hỗ trợ này được kỳ vọng giải quyết bài toán hấp thụ vốn cho DN. Song, theo lãnh đạo NHNN để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngoài sự đồng lòng, cộng sinh của ngân hàng với khách hàng thì chính sách kích cầu tiêu dùng cần triển khai đồng bộ và cần sự phối hợp của các bên liên quan mới tạo nên các động lực mới cho tăng trưởng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dư địa tăng trưởng tín dụng còn nhiều nhưng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% toàn hệ thống năm 2023 có thể không đạt do thị trường bất động sản vẫn gặp khó, xuất khẩu còn nhiều rào cản, tiêu dùng trong nước chưa cải thiện mạnh mẽ. TS Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng, năng lực hấp thụ vốn của DN hạn chế do chịu tác động kép từ đại dịch COVID-19. Vì vậy cần phân nhóm đối tượng bị tác động để có room tín dụng phù hợp cho từng nhóm DN; không nên hỗ trợ dàn đều, mà cần tập trung vào các nhóm ngành hoạt động hiệu quả.
Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, cũng cho biết, hiện đa phần các DN đều có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng, luôn duy trì thường xuyên và ổn định. Tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn thành phố đến cuối tháng 7-2023 ước đạt 146.200 tỉ đồng, tăng 3,08% so với cuối năm 2022. Thực hiện chỉ đạo của NHNN, chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng; tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng... nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế địa phương, góp phần tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống.