27/11/2022 - 12:46

Giải bài toán “khát” vốn cuối năm cho doanh nghiệp 

GIA BẢO

Cuối năm, doanh nghiệp (DN) vào cuộc đua cao điểm sản xuất kinh doanh. Nhưng thị trường diễn biến khó lường, cùng với lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đã tăng… Ðiều này đang tạo áp lực rất lớn đến cộng đồng DN. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần giải bài toán “khát” vốn cho DN để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và ổn định lãi suất nhằm giảm gánh nặng chi phí vốn cho DN.

DN cần vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm. Trong ảnh: Hoạt động của Công ty CP May Việt Long Giang, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Ảnh: M.HUYỀN

Khó khăn chồng chất

Theo phản ánh của các DN, khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, thì các Ngân hàng thương mại (NHTM) cũng điều chỉnh tăng lãi suất cho vay. Trong tình thế thiếu vốn, DN bắt buộc phải vay để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh mùa cuối năm. Lãi suất cho vay tăng, chi phí vốn của DN cũng tăng theo, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận và DN cũng gặp khó trong việc tăng vốn lưu động bổ sung cho tái sản xuất kinh doanh các tháng đầu năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), cho biết: Hầu hết DN các ngành nghề đang gặp khó khăn về vốn sản xuất kinh doanh cuối năm. Lãi suất cho vay của các NHTM tăng ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của DN. Vì vậy, DN rất mong các ngân hàng cơ cấu vốn hợp lý cho các ngành nghề sản xuất kinh doanh và xem xét nới room tín dụng để tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn.

Trên thực tế, thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh là nỗi lo thường trực của DN, chứ không chỉ vào cuối năm. Bởi đa phần DN quy mô nhỏ và vừa, nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh chủ yếu đến từ vốn vay ngân hàng. Nên việc thắt chặt tiền tệ sẽ tác động mạnh đến các DN.

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 11-2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế Việt Nam đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao. Theo thống kê của WB, sau khi đạt kỷ lục tăng 16,9% trong tháng 9-2022 (so cùng kỳ) thì tăng trưởng tín dụng giảm xuống còn 16,5% trong tháng 10-2022 (so với cùng kỳ năm trước). Tốc độ tăng giảm là do tác động của việc NHNN thắt chặt điều kiện huy động tài chính trong nước thông qua việc điều chỉnh các mức lãi suất điều hành trong tháng 9 và tháng 10-2022, tổng 2 lần điều chỉnh đã tăng thêm 2%; kéo theo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đều tăng so với thời điểm trước đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, đồng tiền Việt Nam dù mất giá ít hơn các đồng tiền khác so với đồng đô-la Mỹ, nhưng tính đến ngày 3-11-2022, đồng tiền của Việt Nam mất 9,1% giá trị so với đồng đô-la Mỹ (kể từ đầu năm 2022). Ðiều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới.

Cần đồng bộ các giải pháp gỡ khó

Theo WB, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều lực cản mạnh. Sức cầu bên ngoài chững lại trong điều kiện huy động tài chính toàn cầu thắt chặt gây ảnh hưởng đến tỷ giá. Lạm phát giá tăng và điều kiện huy động tài chính trong nước cũng bị thắt chặt có thể ảnh hưởng đến cầu trong nước trong vài tháng tới… Vì vậy, phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ trở nên rất quan trọng trong thời điểm hiện tại để đảm bảo giá cả ổn định, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, DN đang chịu nhiều tác động kép, NHNN có thể xem xét nới room tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh ưu tiên, nhằm tạo dòng vốn bổ sung vào nền kinh tế, khơi thông mạch hoạt động cho các DN. Bởi trong tháng 10-2022 đã ghi nhận tăng trưởng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đã chững lại, do sức cầu bên ngoài yếu; tốc độ tăng trưởng của doanh số bán lẻ trong nước cũng chậm hơn. Cùng với đó, biến động giá nguyên vật liệu đầu vào do tác động từ giá xăng, dầu tăng đã làm rất nhiều DN rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Vì vậy, việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ là rất cần thiết; đặc biệt là các chính sách trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều kiện lãi suất cho vay đang tăng, việc đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất thông qua các NHTM sẽ giúp rất nhiều cho DN đang “khát” vốn.

Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, thực hiện chỉ đạo của NHNN, chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tích cực thực hiện các giải pháp huy động vốn và mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Các TCTD đều quan tâm triển khai các chương trình theo chủ trương của Chính phủ, NHNN và thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Chi nhánh cũng yêu cầu từ nay đến cuối năm, các TCTD tiếp tục đáp ứng nhu cầu vốn và hỗ trợ phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, DN trên địa bàn thành phố. Ước đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay tăng trưởng 16,07% so với cuối năm 2021. Các nguồn vốn tín dụng của ngân hàng đang góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.

Mới đây, NHNN đã ban hành văn bản số 8253/NHNN-CSTT (ngày 22-11-2022) yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Theo NHNN, đến nay, tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,5% so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% toàn hệ thống trong năm 2022. Do đó, các TCTD vẫn còn dư địa để tiếp tục tăng trưởng tín dụng, đáp ứng yêu cầu vốn của DN, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. NHNN yêu cầu các TCTD còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, đảm bảo an toàn, tích cực ưu tiên vốn cho nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao… Ðồng thời đảm bảo thanh khoản, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Chia sẻ bài viết