Mọi người đều biết giấc ngủ ngon có thể giúp cơ thể phục hồi năng lượng sau một ngày dài hoạt động. Mới đây, các nhà khoa học Mỹ phát hiện ra rằng giấc ngủ còn giúp thiết lập lại một chức năng quan trọng khác của bộ não, đó là trí nhớ.

Giấc ngủ ngon giúp bộ não thiết lập lại và củng cố chức năng ghi nhớ hiệu quả hơn.
Theo các chuyên gia, một giấc ngủ thường gồm các chu kỳ ngủ khác nhau, như ngủ không chuyển động mắt nhanh (NREM) và ngủ chuyển động mắt nhanh (REM). Mỗi chu kỳ ngủ đóng vai trò riêng biệt, nhưng bổ sung cho nhau. Quá trình học tập hoặc trải nghiệm những điều mới mẻ kích hoạt các tế bào thần kinh ở hồi hải mã, vùng não quan trọng đối với trí nhớ. Còn sau đó, khi chúng ta ngủ, những tế bào thần kinh ở hồi hải mã lặp lại cùng một kiểu hoạt động trong ngày. Ðó là cách thức mà não củng cố những ký ức diễn ra trước đó, rồi lưu trữ chúng trong một vùng rộng lớn gọi là vỏ não. Nhưng câu hỏi được đặt ra là làm sao bộ não của chúng ta có thể tiếp tục học những điều mới mẻ trong suốt cuộc đời, mà không bị cạn kiệt tất cả các tế bào thần kinh?
Ở nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Science, các chuyên gia tại Ðại học Cornell phát hiện ra rằng vào những thời điểm nhất định trong giấc ngủ sâu, một số phần nhất định của hồi hải mã sẽ im lặng, cho phép các tế bào thần kinh tại đó được thiết lập lại. “Cơ chế này có thể cho phép não tái sử dụng cùng một nguồn lực, cùng các tế bào thần kinh, để học tập mới vào ngày hôm sau”, tác giả chính Azahara Oliva cho biết.
Cụ thể, vùng hồi hải mã đóng vai trò quan trọng trong việc mã hóa các loại ký ức khác nhau và được chia thành 3 vùng gồm CA1, CA2 và CA3. Trong khi 2 vùng CA1 và CA3 đã được biết tham gia vào quá trình mã hóa ký ức liên quan đến thời gian và không gian, thì vai trò của CA2 vẫn chưa được hiểu rõ. Nghiên cứu mới phát hiện ra rằng CA2 đóng vai trò quan trọng trong việc làm im lặng và thiết lập lại hồi hải mã trong khi chúng ta ngủ.
Ðể đi đến kết luận trên, các chuyên gia trước đó cấy điện cực vào vùng hồi hải mã của chuột, cho phép ghi lại hoạt động của tế bào thần kinh trong quá trình chúng học tập và ngủ. Bằng cách này, họ đã có thể quan sát thấy rằng trong khi ngủ, các tế bào thần kinh ở vùng CA1 và CA3 tái tạo các mô hình tế bào thần kinh giống như đã phát triển trong quá trình học tập vào ban ngày. Nhưng có một khoảng thời gian trong giấc ngủ, khi mọi hoạt động của các tế bào thần kinh trở nên im lặng và trí nhớ được thiết lập lại, nhờ vào vùng CA2. Quá trình thiết lập lại này rất quan trọng để duy trì hiệu quả xử lý thông tin mới của não.
Trong số các tế bào thần kinh của bộ não, có 2 loại quan trọng đó là tế bào hình chóp (hoạt động trong các mục đích chức năng như học tập) và tế bào thần kinh trung gian. Các nhà nghiên cứu phát hiện bộ não có các mạch song song được điều khiển bởi 2 loại tế bào thần kinh này, gồm một loại điều khiển trí nhớ và loại còn lại cho phép thiết lập lại ký ức.
Các nhà nghiên cứu tin rằng những phát hiện mới có ý nghĩa sâu sắc đối với các hoạt động giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhận thức. Việc nhận ra rằng một giấc ngủ chất lượng có thể làm mới các nguồn lực thần kinh cho phép các nhà giáo dục và người học thiết lập được lịch trình học tập hiệu quả hơn. Thay vì cố nhồi nhét kiến thức đến tận đêm khuya, việc ưu tiên ngủ đủ giấc sau khi học có thể tăng cường khả năng ghi nhớ và hiểu biết.
AN NHIÊN (Theo SciTechDaily, Earth.com)