Miễu thờ là loại hình thờ tự rất phổ biến ở Cần Thơ. Đây không chỉ là nơi để người dân gửi gắm tình cảm tâm linh, mong muốn có một cuộc sống ấm no đủ đầy, gia đạo bình an; mà miễu thờ còn là loại hình văn hóa có truyền thống từ lâu đời, phản ánh nhận thức về cuộc sống.
Giá trị lịch sử
Miễu thờ ở Cần Thơ không chỉ phản ánh nhận thức về môi trường tự nhiên, xã hội của một vùng đất mà còn có những giá trị lịch sử về công cuộc khẩn hoang. “Những truyền thuyết dân gian luôn hàm chứa cái lõi là sự thật lịch sử. Vì vậy, đằng sau những tâm tình tha thiết cùng với thơ và mộng mà nhiều thế hệ đi trước đã gửi gắm, truyền thuyết về các vị thần được phụng thờ trong lễ hội dân gian sẽ là một kênh cung cấp thêm thông tin về lịch sử vùng đất”(1). Các truyền thuyết về Bà Cố Hỉ, Bà Cậu, Ông Chúa Hổ… đã chứng minh cho nhận định này. Qua các truyền thuyết trên, người ta có thể nhận thấy quá trình khai mở của vùng đất Cần Thơ.
Miễu Bà Hỏa (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, Tp Cần Thơ).
Vào thế kỷ XVIII, Cần Thơ mới bắt đầu đón các đoàn lưu dân đến khai khẩn. Cho nên, trong giai đoạn này, Cần Thơ vẫn còn là vùng đất hoang hóa. Sau đó, các lưu dân dần mở rộng địa bàn dân cư, thành lập làng xã, bộ máy hành chính. Lễ cúng miễu Bà ở Xóm Chài hàng năm cho ta thấy được lịch sử của vùng đất và nghề khai thác thủy sản từ những ngày ban sơ. Xóm Chài là một trong những khu vực thuộc Cần Thơ được hình thành khá sớm, cư dân ở khu vực này phần lớn sống bằng nghề liên quan đến sông nước: giăng câu, thả lưới, thợ lặn… cho nên tín ngưỡng thờ Bà Cậu được xác lập từ khá sớm. Đến nay, lễ cúng này đã tồn tại trên trăm năm và gần như đây là địa phương duy nhất có tín ngưỡng thờ Bà Cậu đậm nét ở Cần Thơ. Mặc dù người dân khu vực Xóm Chài hiện nay đã chuyển đổi nghề nghiệp rất nhiều, nhưng lễ hội cúng miễu Bà hằng năm diễn ra ở đây vẫn thành kính, đông đủ.
Giá trị văn hóa
Ngoài giá trị lịch sử, miễu thờ ở Cần Thơ còn cho thấy những giá trị văn hóa, đó là dòng chảy của tín ngưỡng thờ Mẫu từ quê cha đất tổ được các thế hệ lưu dân mang vào Cần Thơ.
“Theo bước đường Nam tiến của dân tộc Việt, Chúa Liễu đã từ Phủ Giày (Nam Định), Đền Sòng (Thanh Hóa) đi về phương Nam, tạm dừng ở điện Hòn Chén (Huế) và gặp bà Pô Nư Gar tại Nha Trang, gặp Bà Đen (Linh Sơn Thánh Mẫu) ở Tây Ninh và Bà Chúa Xứ ở Núi Sam - Châu Đốc. Tất cả các bà đều là một mẹ duy nhất trong tâm thức của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt”(2). Do môi trường tự nhiên và xã hội ở Nam bộ nói chung, Cần Thơ nói riêng nên tập tục thờ Mẫu ở đây cũng có những thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh mới và tạo được bản sắc riêng.
Các Mẫu tiêu biểu ở miền Bắc như Mẫu Thượng Ngàn, Địa Mẫu cho tới Mẫu Liễu Hạnh và Tam Phủ, Tứ Phủ… có từ tín ngưỡng thờ Mẫu nguyên thủy của người Việt, sau đó do sự tác động mạnh mẽ của các yếu tố lịch sử và tôn giáo, đặc biệt là Lão giáo để trở thành những Mẫu mang tính chất cứu thế như một bà tiên, thánh thiêng liêng trong tâm thức truyền thống của đông đảo cộng đồng người Việt. Các Mẫu điển hình ở Nam bộ chủ yếu được tiếp thu hoặc chịu ảnh hưởng từ các dân tộc hoặc tôn giáo, như: Chăm (Thiên Yana, Bà Chúa Tiên, Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Xứ…), Hoa (Bà Thiên Hậu…), Phật giáo (Bà Quan Âm…), Lão giáo (Bà Cửu Thiên Huyền Nữ…) hoặc phức hợp hơn với nhiều yếu tố dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau trong một Mẫu (Bà Đen, Bà Cô…).
Lễ cúng miễu Bà ở Xóm Chài (khu vực 3, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ).
Đáng lưu ý là các Mẫu vừa nêu có thể chiếm vị trí và tác động khá sâu rộng trong đời sống tinh thần cộng đồng ở Nam bộ, không chỉ riêng với người Việt mà còn nhiều dân tộc khác, với tư cách có thể vừa là nữ thần độ mạng (hộ mệnh) cho nữ giới trong từng gia đình (Cửu Thiên Huyền Nữ, Quan Âm, Chúa Tiên, Chúa Ngọc,…) hoặc cũng có thể là Bà Chúa của cả một cộng đồng, một vùng rộng lớn (Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Bà Cô…). Nhưng điều cần nhấn mạnh hơn là vị trí và tác động của các Mẫu ấy trong tâm thức mọi người, đặc biệt là đối với người Việt dường như rất gần gũi, chủ yếu có thể độ đời bằng cách ngự tại chỗ để ban phát điều lành, giúp tránh điều dữ... Tương tự, ngay cả những hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian điển hình trong các lễ hội gắn với tục thờ Mẫu - Nữ thần của người Việt ở Nam bộ cũng thể hiện nét đặc thù nhất định của nó. Ví dụ như Múa bóng Nam bộ rõ ràng mang đậm tính chất diễn xướng nghi lễ theo phong cách nặng tính chất trò chơi (như một dịch vụ) hơn là một nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng đơn thuần…(3)
Bên cạnh tập tục thờ Mẫu, miễu thờ ở Cần Thơ còn cho thấy dấu vết của tín ngưỡng thờ nhiên thần. Đây là tín ngưỡng cổ sơ của người Việt trong việc tôn thờ các con vật và sự vật như tục thờ đá, thờ cọp,…
Một đặc điểm nữa của giá trị văn hóa được thể hiện qua miễu thờ ở Cần Thơ là tính cộng đồng. Lễ hội cần sự chung tay góp sức của cả xóm, cả làng. Ngay từ ngày đầu lập miễu, cộng đồng dân cư đã bàn bạc, người ra công, người ra của… Vì vậy, lễ cúng miễu “Tạo nên tính cộng đồng do sự gắn kết các thành viên trong một mối cộng cảm sâu sắc, mang lại giá trị cộng đồng cho lễ hội, nhưng mặt khác, lễ hội phản ánh một thực tế sinh hoạt, lao động tập thể, điều này khiến lễ hội mang lại giá trị văn hóa khi nó chuyển tải một dạng thức tổ chức cuộc sống”(4).
Giá trị xã hội
Lễ cúng miễu ở Cần Thơ mang đậm lễ nghi nông nghiệp, phản ánh nhận thức của con người từ buổi sơ khai. Những thành công hay thất bại của vụ mùa, những lúc khỏe mạnh, những khi ốm đau… người ta đều cho rằng do thần linh chi phối. Con người chỉ là một cá nhân nhỏ bé trong vũ trụ bao la, mà mỗi phương của vũ trụ, mỗi sự vật, hiện tượng đều có thần linh trú ngụ. Hơn nữa, cuộc sống vốn nhiều bất trắc, số phận và vận mệnh của con người đôi khi phụ thuộc vào rất nhiều tác nhân khác, như những thiên tai, dịch bệnh… Do đó, người ta cúng tế thần linh để cầu mong có sự bình an trong tâm hồn. Hay nói cách khác là để cân bằng tâm lý.
Vì vậy, miễu thờ ở Cần Thơ còn mang giá trị xã hội, đó là tạo sự cân bằng tâm lý cho con người. Tin vào thần thánh, con người cho rằng xung quanh mình lúc nào cũng có các vị thần linh xem xét, nên không dám làm điều ác vì sợ thần linh quở phạt, sợ bị quả báo, sợ để lại tai ách cho con cháu... Sống có đạo đức, đúng theo chuẩn mực của xã hội, điều chỉnh các hành vi của mình cho đúng lễ nghi, nghĩ điều phải, làm điều hay, thì sẽ được phước về sau. Cũng bởi niềm tin này mà con người dần dần lánh xa điều ác để tiến dần đến điều thiện. Vì lẽ đó, có người nói, tín ngưỡng, tôn giáo là một dạng của pháp luật thời sơ khai. Lúc bấy giờ, xã hội chưa có hệ thống pháp luật chặt chẽ, chính tín ngưỡng, tôn giáo là công cụ kiềm chế và điều chỉnh hành vi của con người, giúp xã hội ổn định. Do đó, giá trị xã hội trong miễu thờ ở Cần Thơ còn có một ý nghĩa khác, đó là việc khuyến thiện trừ tà.
-------------------------------------
(1) Nguyễn Thị Việt Hương (2015), Tục thờ nước của người Việt (qua lễ hội ở Hà Nội và phụ cận), Nxb Lao Động, Hà Nội, tr.237.
(2) Huỳnh Quốc Thắng (2003), Lễ hội dân gian của người Việt ở Nam Bộ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.170.
(3) Huỳnh Quốc Thắng, Sđd, tr.169-172.
(4) Nguyễn Thị Việt Hương, Sđd, tr.249.