16/11/2015 - 10:13

Gia tăng bệnh sốt xuất huyết ở người lớn

Sốt xuất huyết (SXH) không chỉ gặp ở trẻ em mà còn ở cả người lớn. Người lớn thường chủ quan, nghĩ rằng mình chỉ bị cảm, sốt nên đến cơ sở y tế muộn, khiến cho bệnh tình nặng thêm...

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, từ đầu năm 2015 đến ngày 9-11-2015, toàn thành phố ghi nhận 82 ca SXH ở người lớn (trên 15 tuổi), tăng 21 ca so với cùng kỳ 2014. Phần lớn ca SXH điều trị tại các bệnh viện: Đa khoa Trung ương, Đa khoa thành phố và các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện... Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, em Lê Quang Thịnh (15 tuổi), ở ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, đang điều trị SXH. Cha em Thịnh cho biết: "Cháu đang đi học thì bị sốt, nhức đầu dữ dội, nên gia đình lập tức đưa đến cơ sở y tế khám. Khám xong, bác sĩ cho thuốc uống nhưng không thấy bớt. Gia đình lo lắng vì cháu nhức đầu quá, nên đưa đến cơ sở khác để xét nghiệm, bác sĩ nói cháu bị SXH. Tôi cho cháu nhập viện điều trị và chẳng biết tại sao cháu nhiễm bệnh". Sau 4 ngày nhập viện, đến ngày 10-11, Thịnh giảm các triệu chứng: sốt, nhức đầu, chóng mặt và ăn uống được. Không may mắn như Thịnh, Lê Hữu Nhơn, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đến bệnh viện muộn hơn. Ban đầu, Nhơn bị nhức đầu, chóng mặt, ớn lạnh, nghĩ bị sốt thông thường nên tự mua thuốc uống nhưng không thấy bớt. Uống thuốc vào thì giảm sốt nhưng chỉ vài giờ sau Nhơn lại sốt cao. Nhơn đi khám ở phòng khám tư nhân, bác sĩ cho thuốc uống cũng không thuyên giảm; sốt cao liên tục, đau đầu dữ dội nên Nhơn nhập viện điều trị. Nhơn cho biết: "Em sốt từ 390C đến 400C vào sáng sớm và chiều, nhức đầu dữ dội, ăn vào là nôn ói. Sau 1 ngày nhập viện điều trị, em bớt sốt, bớt nhức đầu và nôn ói. Nếu em đến bệnh viện sớm thì bệnh tình sẽ nhẹ hơn".

Bác sĩ Khoa Truyền nhiễm thăm hỏi, tư vấn cho bệnh nhân bị SXH. Ảnh: T. SƯƠNG

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Việt, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, triệu chứng ban đầu SXH thường sốt cao đột ngột, liên tục, đau đầu, đau cơ, viêm long đường hô hấp (chảy nước mũi, ho); có thể có xuất huyết tự nhiên da niêm (chấm đỏ ở da, chảy máu răng, máu mũi, xuất huyết tiêu hóa…). Chính vì những biểu hiện ban đầu không đặc hiệu nên ở 1 hoặc 2 ngày đầu, SXH dễ bị nhẫm lẫn với sốt siêu vi khác. Để chẩn đoán xác định, bên cạnh các dấu hiệu lâm sàng, cần xét nghiệm công thức máu và test tìm kháng nguyên, kháng thể đặc hiệu. Nếu tiểu cầu giảm, test dương tính thì chẩn đoán xác định SXH. Trường hợp test âm tính, không loại trừ khả năng bị SXH, bệnh nhân phải nhanh chóng nhập viện để theo dõi.

SXH ở người lớn khác trẻ em, người lớn ít vào sốc, tuy nhiên người lớn dễ bị xuất huyết và suy tạng hơn trẻ em. SXH nguy hiểm hơn khi người mắc bệnh đang mang thai hoặc có các bệnh mãn tính đi kèm như tiểu đường, cao huyết áp, tim... Với những trường hợp này, bác sĩ và điều dưỡng phải theo dõi bệnh nhân sát sao hơn. SXH có thể dẫn đến sốc, giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời, dễ dẫn đến tử vong. SXH thể não là thể bệnh nặng nhất trong bệnh cảnh SXH và có tỷ lệ tử vong cao nhất. Ca SXH nặng có thể do nhiều nguyên nhân như: độc lực vi-rút, cơ địa, mắc các bệnh mãn tính, béo phì, phụ nữ mang thai hoặc có thể do bệnh nhân đến bệnh viện muộn... Theo bác sĩ Nguyễn Văn Việt, các bệnh viện tuyến dưới có thể điều trị được SXH người lớn; chỉ khi bệnh nhân có các bệnh mãn tính đi kèm, bệnh nhân vào sốc hoặc tái sốc... thì mới cần chuyển lên tuyến trên. Ở SXH người lớn, do thường có biểu hiện sốt cao, nhức đầu, chóng mặt nên bệnh nhân ít khi đến bệnh viện muộn. Ở người lớn, SXH thường kéo dài từ 7-10 ngày. Thường bệnh có biểu hiện nặng từ ngày thứ 3 – 5 (có thể đến ngày thứ 7). Sau đó, bệnh nhân bớt sốt, chuyển sang giai đoạn hồi phục.

Theo các bác sĩ, khi bệnh nhân sốt chỉ uống paracetamol và lau ấm để hạ sốt, không được sử dụng các loại thuốc như Aspirin, Ibuprofen, Corticoid, Analgin...để hạ sốt. Khi bị sốt, không nên tự ý mua thuốc tây uống và truyền dịch mà nên đến cơ sở y tế khám để được chẩn đoán sớm. Bệnh nhân bị SXH nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước (nước lọc, nước có pha Oresol, nước trái cây), không nên cho bệnh nhân ăn thức ăn và uống các thức uống có màu nâu, đỏ, đen... để khi bệnh nhân nôn ói, bác sĩ có thể nhận biết là thức ăn thông thường hay bị xuất huyết tiêu hóa.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bị SXH cũng cần nhập viện điều trị. Với các trường hợp có biểu hiện sốt, đau cơ, mệt mỏi, nhà gần bệnh viện, có người thân chăm sóc, có thể theo dõi điều trị tại nhà. Khi có dấu hiệu như : đột ngột giảm sốt, đau bụng, chi mát, chảy máu cam và chân răng, kinh nguyệt bất thường (nữ), nôn ói nhiều, tiểu ít... cần nhập viện để được điều trị ngay. Riêng với các trường hợp SXH ở phụ nữ mang thai, bệnh nhân béo phì, có bệnh mãn tính đi kèm, phải nhập viện để theo dõi điều trị.

H.HOA

Chia sẻ bài viết