24/04/2008 - 23:13

Giá gạo tăng do tác động của chính con người và khí hậu

 Nông dân Ấn Độ làm việc trên ruộng lúa. Ảnh: Encarta

(TTXVN)- Thời gian qua, trong bối cảnh giá các mặt hàng lương thực-thực phẩm trên khắp thế giới đều leo thang chóng mặt, hoạt động sản xuất, tiêu thụ và buôn bán gạo - lương thực chủ yếu đối với người dân châu Á - cũng không tránh khỏi “cơn bão giá” này.

Cũng giống như các lương thực khác, nguyên nhân trực tiếp khiến giá gạo tăng là do giá phân bón bị đẩy lên theo giá năng lượng, do hoạt động đầu cơ mua hàng giao sau mặc dù khối lượng gạo tham gia hoạt động buôn bán giao sau là tương đối nhỏ so với các loại lương thực khác.

Theo “Diễn đàn thông tin quốc tế” (IHT), giá gạo tăng do tác động của một loạt vấn đề mang tính dài hạn, trong đó có một số là không thể đảo ngược được, ví dụ như đất để mở rộng diện tích trồng lúa hầu như không còn nữa. Trong khi diện tích đất trồng đậu tương, ngô và lúa mì còn có thể mở rộng ở Nam Mỹ, Bắc Mỹ hay ở châu Âu, thì cây lúa - đòi hỏi mặt ruộng bằng phẳng, nhiều nước và thời tiết ấm áp - lại không có khả năng mở rộng diện tích như vậy.

Trên thực tế, các vùng vốn là vựa lúa của Trung Quốc, Nam Á và Đông Nam Á lại đang bị mất đất do quá trình đô thị hóa, và trong một số trường hợp, đất trồng lúa còn bị thu hẹp do nhiễm mặn, hậu quả của tình trạng xây đập thủy điện, và do một số nguyên nhân khác. Mực nước biển dâng lên có thể làm cho vấn đề này trở nên tồi tệ hơn đối với các nước như Bangladesh và Việt Nam. Tình trạng thiếu nước ở Australia có thể chấm dứt vĩnh viễn vai trò của nước này với tư cách là một nước xuất khẩu gạo “có vai vế” trên thị trường.

Một nguyên nhân nữa là chính sách trợ giá tiêu dùng tại các nước như Ấn Độ và Malaysia làm phân tán nguồn tiền đầu tư cho nông nghiệp, trong khi lại không khuyến khích việc tiêu thụ các nguồn lương thực thay thế. Việc các chính phủ trợ giá cho sản xuất lúa gạo cũng gây bất lợi cho các cây trồng khác (thay lúa gạo) thích hợp hơn với điều kiện trong vùng.

Ngoài ra, còn phải kể đến nguyên nhân là hoạt động buôn bán gạo trên thế giới chỉ được tiến hành trên phạm vi rất hẹp. Khối lượng gạo giao dịch giữa các nước chiếm chưa đầy 10% tổng sản lượng gạo của thế giới. Các biện pháp trợ giá của Mỹ, và ở quy mô nhỏ hơn là của Liên minh châu Âu, từ lâu đã góp phần kiềm chế giá gạo trên thế giới. Trong khi đó, việc thỏa mãn nhu cầu của các nước tiêu thụ đã khiến cho nguồn gạo dự trữ trên toàn cầu giảm 50% chỉ trong vòng 4 năm.

Thêm vào đó là nhu cầu tăng nhanh tại các nước có thu nhập dồi dào từ dầu mỏ nhưng lại thiếu gạo trầm trọng như Iran, Arabie Séoudite... những nước có thể mua gạo hầu như với bất kỳ giá nào. Trong khi đó, gạo đang trở thành lương thực được tiêu thụ rộng rãi tại một số nước châu Phi từ nhiều năm nay phụ thuộc vào nhập khẩu gạo, hay những nước đã thay đổi thói quen ăn uống, chuyển từ các lương thực truyền thống sang gạo là thực phẩm dễ nấu hơn.

Những nguyên nhân khác phải kể đến là năng suất tăng chậm, hiện ở mức 1%. Điều này có nhiều lý do, từ việc đầu tư không thích hợp cho công tác tưới tiêu (ví dụ như ở Ấn Độ), đến việc chưa chú ý đầy đủ tới các giống lúa mới. Mức tăng năng suất về lúa gạo kém xa so với mức tăng năng suất lúa mì và đậu tương.

Tuy nhiên, tình hình không phải toàn là màu xám. Mức tiêu thụ gạo tính theo đầu người đang có xu hướng giảm khi các xã hội trở nên giàu có hơn và thực đơn của người dân cũng đa dạng hơn. Bên cạnh đó, giá gạo tăng cao sẽ có tác dụng kích thích sản xuất.

Chia sẻ bài viết