Làm cha mẹ, ai chẳng mong con cái ngoan ngoãn, chăm lo học hành, thành tài. Tuy nhiên, không phải lúc nào các con cũng đáp ứng được kỳ vọng, sẽ có những khi con ương bướng, mắc phải sai lầm, thất bại… Khi gặp chuyện không như ý, cha mẹ đừng vội vàng chỉ trích, la mắng mà hãy cảm thông, là bờ vai tin cậy để con tựa vào, giúp con bình tâm suy nghĩ, sửa đổi bản thân, biết chọn hướng đi đúng cho mình…
Phụ huynh cần có sự quan tâm, lắng nghe, yêu thương và chia sẻ để gia đình luôn là điểm tựa tin cậy trong lòng con cái (ảnh mang tính minh họa).
Cả tuần nay, chị N ở Long An chuẩn bị mở cửa tiệm cho con trai út bán đồ gia dụng. Không đủ tiền, chị N bàn với chồng vay thêm, nhờ người quen cho lấy hàng hóa gối đầu. Con trai chị N là sinh viên một trường đại học tại Cần Thơ. Cách đây hơn nửa năm, khi bạn gái chia tay, con trai chị chán nản, học hành không vô, thi rớt, nợ nhiều môn, dẫn đến bỏ học. Thấy con hằng tháng vẫn về nhà, sinh hoạt bình thường nên gia đình không để ý. Ðến khi bạn của con tới nhà, nói rõ sự tình và cho hay con chị N còn thiếu nợ bạn bè, có ý định tự tử thì mọi người mới tá hỏa. Chị N sắp xếp đến Cần Thơ, trả nợ, đưa con về nhà.
Dẫu rất buồn và giận nhưng thấy con đang đau khổ, mất phương hướng, chị N an ủi, động viên. Chị cùng chồng phân tích để con nhìn nhận rõ hơn vấn đề đang gặp phải, những chuyện quan trọng cần làm, để con nói ra tâm tư của mình… Theo nguyện vọng của con, chị N chấp nhận cho con tạm gác việc học, mở cửa hàng buôn bán, vừa có thu nhập vừa gần gũi gia đình. Chị N tâm sự: “Chuyện đã xảy ra, nếu mình làm “căng” sẽ tạo thêm áp lực, hậu quả còn nặng nề hơn. Thấy cha mẹ không trách mắng mà còn quan tâm, chăm sóc, con tôi xin lỗi, hứa sẽ thay đổi. Ðiều quan trọng là con đã không còn ý định tự hủy hoại bản thân, biết chấp nhận sự thật để tìm cách vượt qua”.
Kể lại chuyện cũ, anh H ở quận Cái Răng, luôn nhắc đến cha mẹ với lòng biết ơn. Nếu không có điểm tựa gia đình và cha mẹ bao dung, yêu thương, không biết cuộc đời anh sẽ ra sao. Năm lớp 10, nghe lời bạn xấu rủ rê, anh H nghiện game, bỏ học, nhiều lần trộm tiền nhà… Bị bà nội la rầy, anh H lén trốn đi. Mẹ anh H bỏ việc tìm con, khổ không kể xiết. Anh H kể: “Ði mấy tuần, hết tiền, va vấp sự đời, tôi mới thấy hối hận, muốn về nhà nhưng không dám. Khi tôi định theo người ta đi làm thuê thì gặp mẹ tại bến xe. Mẹ kêu về, hứa sẽ bỏ qua mọi lỗi lầm”. Anh H về không bao lâu thì mẹ nhập viện vì lao lực. Những ngày cận kề chăm sóc, anh càng thấm thía sự hy sinh vô bờ của mẹ, tự nhủ không làm mẹ thất vọng. Cha anh H thường ngày nóng tính, vậy mà lần này rất điềm tĩnh, ân cần chỉ dạy đúng sai. Anh H quyết tâm cai nghiện game, đi học nghề sửa ô tô, ban đêm học bổ túc văn hóa, nỗ lực thi lấy bằng THPT. Sau đó, anh được chủ thương, tạo điều kiện học lái xe tải để chở hàng, có thêm thu nhập.
Khi kinh tế ổn định, anh H lập gia đình, ở chung với cha mẹ. Cú vấp ngã đầu đời khiến anh thêm trân trọng cuộc sống và những gì đang có. Vòng tay chở che của cha mẹ như tiếp thêm sức mạnh giúp anh phấn đấu từng ngày, tạo dựng kinh tế vững chắc. Những năm qua, anh H hết lòng hiếu thảo, phụng dưỡng song thân. Giờ anh H sắp đón đứa con thứ 2 chào đời, gia đình thuận hòa, hạnh phúc.
Chồng chị C ở quận Ninh Kiều làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Một lần, chồng chị phát hiện P (14 tuổi), con gái riêng của vợ, lên mạng tìm cách “xử” cha dượng, nên nói cho vợ biết. Xem lịch sử truy cập của con mà chị C thót tim vì toàn xem clip, phim kinh dị về giết người, đầu độc, mua nhiều sách về tâm lý học tội phạm… Thông qua những người bạn thân của con, chị C tìm hiểu sự tình. P thường than chán nản và có ý định bỏ nhà đi tìm cha ruột.
Trước đây, cuộc hôn nhân đầu của chị C không hạnh phúc. Khi mẹ tái hôn, P nghĩ cha dượng là nguyên nhân gây nên mọi chuyện nên thù ghét. Về sống chung nhà, dù cha dượng đối xử tốt nhưng P không chấp nhận, không giao tiếp, thể hiện sự chống đối bằng nhiều hình thức. Mẹ sinh thêm em bé thì khoảng cách giữa P và mọi người trong gia đình càng xa. Chị C chủ quan nghĩ con tuổi mới lớn tính tình “ẩm ương”, đâu ngờ xảy ra cớ sự.
Chị C bàn bạc với chồng tìm cách tháo gỡ. Chị dành thời gian quan tâm, trò chuyện với con nhiều hơn, nói cho con hiểu vì sao cha mẹ chia tay, lúc khó khăn cha dượng giúp đỡ mẹ như thế nào, những việc cha dượng đã làm cho gia đình, cho con… Chị cũng thường xuyên tạo điều kiện để cả nhà sinh hoạt chung như đi chơi, ra ngoài ăn uống, thăm họ hàng, chồng chị cũng nỗ lực vun vén cho con gái thấy thành ý. Mưa dầm thấm sâu, dần dà P đã hiểu ra vấn đề, cảm nhận được tình thương của mọi người dành cho mình, hòa đồng hơn, biết phụ mẹ giữ em, không còn suy nghĩ tiêu cực, hạn chế lên những trang web có nội dung độc hại…
Gia đình có vai trò rất lớn trong việc giáo dục, hình thành tính cách con cái. Khi con đúng thì cha mẹ nên ngợi khen, nhưng khi con sai thì cần bình tĩnh uốn nắn để rút kinh nghiệm, điều chỉnh hành vi. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, con cái rất cần cha mẹ, người thân thấu hiểu, đồng hành, hỗ trợ, để thêm tự tin, vững bước trên đường đời.
Bài, ảnh: KIỀU CHINH