01/06/2009 - 08:44

Gay cấn cuộc đua vào ghế Tổng thống Iran

Ông Karroubi giành được sự ủng hộ của nhiều cử tri nữ.

Ngày 12-6 tới, cử tri Iran sẽ đi bầu lãnh đạo mới trong số 4 ứng viên là Tổng thống sắp mãn nhiệm Mahmoud Ahmadinejad, cựu Thủ tướng Mir Hossein Mousavi, cựu Tư lệnh Vệ binh cách mạng Mohsen Rezai và cựu Chủ tịch Quốc hội Mehdi Karroubi. Trong số này, ông Ahmadinejad và Rezai theo đường lối bảo thủ, trong khi ông Mousavi và Karroubi là những nhà cải cách.

Không khí những ngày trước bầu cử trở nên nóng lên khi cuối tuần rồi các đối thủ liên tục công kích chính sách đối ngoại của Tổng thống Ahmadinejad. Họ cho rằng trong nhiệm kỳ của mình, ông Ahmadinejad tốn quá nhiều thời gian cho việc chỉ trích phương Tây, thay vì tập trung cải thiện nền kinh tế yếu kém của Iran. Cựu Thủ tướng Mousavi cáo buộc chính sách đối ngoại của ông Ahmadinejad khiến Iran bị cộng đồng quốc tế cô lập. Theo ông Mousavi, Tổng thống Ahmadinejad đã làm hoen ố đất nước đến nỗi hộ chiếu Iran giờ đây bị xem ngang hàng với hộ chiếu Somalie- trung tâm khủng bố, cướp biển và nghèo đói của thế giới. Trong khi đó, cựu Chủ tịch Quốc hội Karroubi cho rằng Iran cần minh bạch và hợp lý hơn trong việc theo đuổi các mục tiêu ngoài nước. “Chúng ta phải thay đổi cách xử sự với thế giới”, ông nói. Còn cựu Tư lệnh Vệ binh cách mạng Rezai thì phê phán tổng thống tốn quá nhiều hơi sức không cần thiết xung quanh cuộc xung đột giữa Israel và thế giới A-rập (ông Ahmadinejad từng gây tranh cãi khi đòi xóa sổ Israel trên bản đồ thế giới, và nghi ngờ tính xác thực của Holocaust- vụ Đức Quốc xã diệt chủng khoảng 6 triệu người Do Thái hồi Thế chiến hai). Cả ba ông Mousavi, Karroubi và Rezai đều tuyên bố sẽ từng bước cải thiện quan hệ với Mỹ nếu điều đó có lợi cho Iran.

Trung tâm nghiên cứu chiến lược của cựu Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Hasan Rowhani cũng nhập cuộc bằng việc tố cáo Tổng thống Ahmadinejad bóp méo sự thật về chương trình hạt nhân, nhằm tự đề cao mình như một anh hùng. Chẳng hạn, trung tâm này cho rằng ông Ahmadinejad đã cố tình làm giảm vai trò của những người tiền nhiệm trong việc phát triển chương trình hạt nhân, được khởi xướng từ những năm 1980 dưới thời Thủ tướng Mousavi. Theo trung tâm này, việc ông Ahmadinejad chống đối các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc càng khiến người dân Iran chịu tổn thất nhiều hơn.

Đáp lại, Tổng thống Ahmadinejad chỉ trích các đối thủ là đang phục vụ lợi ích của phương Tây. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị đối thoại tay đôi với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Liên Hiệp Quốc nếu tái đắc cử. Trong chiến dịch tranh cử, ông Ahmadinejad né tránh các vấn đề kinh tế (tỷ lệ thất nghiệp cao, lạm phát lên tới 25%...) và tập trung ca ngợi những thành tựu trong chương trình hạt nhân, vốn là niềm tự hào đối với không ít người dân Iran.

Cuộc thăm dò dư luận hồi cuối tuần rồi do Câu lạc bộ các nhà báo trẻ (YJC) thực hiện, cho thấy Tổng thống Ahmadinejad có nhiều cơ hội giành chiến thắng nhất, kế đến là ông Karroubi và Mousavi. Ông Rezai tuy không có mấy hy vọng nhưng có thể sẽ chia phiếu của khối cử tri bảo thủ với ông Ahmadinejad, tạo lợi thế cho các nhà cải cách.

LÊ DÂN (Theo Presstv, AP)

Chia sẻ bài viết