29/08/2011 - 09:22

Gay cấn cuộc đua vào ghế thủ tướng Nhật

Hôm nay đảng Dân chủ (DPJ) cầm quyền ở Nhật bầu chọn chủ tịch mới, người chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng, thay thế ông Naoto Kan từ chức hồi cuối tuần trước. Có 5 ứng viên tham gia cuộc đua này, bao gồm cựu Ngoại trưởng Seiji Maehara, Bộ trưởng Công thương Banri Kaieda, Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda, Bộ trưởng Nông nghiệp Michihiko Kano và cựu Bộ trưởng Giao thông Sumio Mabuchi. Trên chính trường Nhật, hiếm khi có đông ứng viên như vậy cho chiếc ghế thủ tướng.

Ai trong số 5 nhân vật này sẽ trở thành tân thủ tướng Nhật?  Ảnh: AP 

Hai ông Maehara và Kaieda được xem là có nhiều cơ hội hơn cả. Cựu ngoại trưởng 49 tuổi nhận được sự ủng hộ của đông đảo công chúng và khá nhiều nghị sĩ DPJ. Đây là nhân vật chủ trương thắt chặt quan hệ với đồng minh Mỹ và có thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc. Hồi năm ngoái, ông đã làm Bắc Kinh nổi giận khi gọi thái độ của họ trong việc tranh chấp đảo giữa hai nước là “cuồng loạn”. Nếu đắc cử, ông Maehara sẽ trở thành thủ tướng trẻ nhất ở xứ Mặt trời mọc kể từ sau Thế chiến thứ hai. Trong khi đó, bộ trưởng công thương 62 tuổi được nhà môi giới quyền lực Ichiro Ozawa “chống lưng”. Ozawa lãnh đạo phái lớn nhất trong đảng nên có thể giúp ông Kaieda giành được sự hậu thuẫn của khoảng 120 trong số 398 nghị sĩ DPJ tham gia bỏ phiếu.

Trước khi hai ông Maehara và Kaieda tuyên bố ra tranh cử, Bộ trưởng Tài chính Noda được xem là ứng viên sáng giá nhất. Tuy nhiên, nhờ nhận được không ít sự ủng hộ trong đảng nên cơ hội chưa phải là hết đối với ông Noda. Bộ trưởng Nông nghiệp Kano tuy không có tên tuổi lắm nhưng cũng không thể xem thường. Theo các nhà phân tích, nhiều khả năng không ai giành chiến thắng ngay vòng đầu và phải tổ chức “đấu tay đôi” giữa hai ứng viên nhận được nhiều phiếu nhất.

Nhưng dù ai trở thành thủ tướng thứ sáu của Nhật trong 5 năm qua đi nữa thì cũng phải đối mặt với những thách thức lớn. Đó là xây dựng lại khu vực bị tàn phá bởi trận động đất- sóng thần hồi tháng 3 và đây được xem là công cuộc tái thiết tốn kém nhất ở Nhật kể từ năm 1945; chấm dứt cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1 và tìm cách hạn chế phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân; vực dậy nền kinh tế đang trì trệ với đồng yen tăng giá và cắt giảm khoản nợ công khổng lồ; giải quyết tình trạng chia bè rẽ phái trong đảng; đối phó với sự “ngăn đường cản lối” của đảng Dân chủ Tự do đang kiểm soát thượng viện; xử lý mối quan hệ đang ngày càng căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc- nước hồi năm ngoái đã tước đoạt danh hiệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ tay Nhật...

Nợ công hiện gấp đôi qui mô nền kinh tế trị giá 5.000 tỉ USD của Nhật và sẽ tiếp tục tăng do Tokyo phải chi nhiều tỉ USD cho việc tái thiết. Bên cạnh đó, Nhật hiện có tỷ lệ sinh thuộc hàng thấp nhất thế giới trong khi tuổi thọ ngày càng cao nên sẽ làm giảm nguồn thu từ thuế và tăng sức ép lên hệ thống an sinh xã hội. Bộ trưởng Tài chính Noda chủ trương tăng thuế trong khi cựu Ngoại trưởng Maehara cho rằng điều đó sẽ khiến tình trạng giảm phát thêm trầm trọng. Về vấn đề hạt nhân, ông Maehara trong một phát biểu hôm 27-8 đề nghị ngưng xây dựng các lò phản ứng mới và loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng điện hạt nhân trong vòng 40 năm tới. Trước khi xảy ra sự số tại nhà máy Fukushima, điện hạt nhân chiếm 30% tổng sản lượng điện của Nhật và chính phủ nước này từng có kế hoạch nâng tỷ trọng đó lên 50% vào năm 2030. Bộ trưởng Công thương Kaieda không đề cập cụ thể về tương lai điện hạt nhân nhưng cho biết bộ của ông sẽ tăng tốc quá trình khử xạ, đồng thời loại bỏ các lò phản ứng cũ không bảo đảm an toàn. Trong quan hệ với phe đối lập, hai ông Maehara và Noda chủ trương thành lập “đại liên minh”, còn ông Kaieda bác bỏ khả năng này.

Giới quan sát cho rằng với những khó khăn chồng chất như vậy trong khi không ứng viên nào đưa ra được một chương trình hành động mạnh mẽ và cụ thể, tân thủ tướng Nhật có thể sẽ chịu chung số phận với những người tiền nhiệm, đó là chỉ tại vị được trong một thời gian ngắn.

LÊ DÂN (Theo AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết