02/04/2009 - 22:01

G20 nhóm hợp trong chia rẽ

Hôm qua 2-4, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 quốc gia công nghiệp và mới nổi (G20) khai mạc tại Luân Đôn, với 2 mục tiêu chính là đưa thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái thập niên 1930, và tránh lặp lại khủng hoảng tài chính toàn cầu trong tương lai.

Theo bản dự thảo Thông cáo chung, các nước cam kết lần đầu tiên điều tiết các quỹ đầu tư lớn và thành lập ban giám sát mới để “trông coi” hệ thống tài chính toàn cầu. Thông cáo chung đề ra kế hoạch hành động cụ thể, theo đó tăng nguồn quỹ hỗ trợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), có thể lên tới 500 tỉ USD; kiểm soát chặt chẽ các quỹ có nguy cơ rủi ro cao, khả năng thanh toán của các chủ ngân hàng; trừng phạt các “thiên đường trốn thuế”; giám sát việc phá giá tiền tệ và các nguồn dự trữ vốn trên thế giới. Cấu trúc tài chính toàn cầu mới được quy định, với Ban Ổn định Tài chính bao gồm tất cả các nước G20 sẽ thay cho Diễn đàn Ổn định Tài chính (FSF) để giám sát kinh tế thế giới và hệ thống tài chính toàn cầu.

 Các nhà lãnh đạo tham dự G20. Ảnh: BBC

Quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo G20 là chủ nghĩa bảo hộ, một lần nữa được các nước cam kết ngăn chặn. Tại hội nghị thượng đỉnh G20 do cựu Tổng thống Mỹ George Bush triệu tập ở Washington hồi tháng 11 năm ngoái, các nước cũng từng kêu gọi tránh lập lại chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới (WB), 17 trong số các thành viên G20 hiện đang sử dụng chính sách “hạn chế thương mại” với các nước khác. Đáng kể trong số đó có 17,4 tỉ USD trợ cấp của Mỹ cho 2 hãng xe hơi General Motors và Chrysler.

Các gói kích thích kinh tế và điều chỉnh hệ thống tài chính toàn cầu là nguyên nhân gây chia rẽ G20 thành hai phe, đe dọa đẩy hội nghị kéo dài 2 ngày này vào thế bế tắc. Mỹ, Anh và Nhật kêu gọi ưu tiên trước mắt của các nước là cùng nhau đưa ra những gói kích cầu lớn để phục hồi kinh tế, còn chỉnh đốn các thị trường tài chính là ưu tiên thứ hai. Thủ tướng Anh Gordon Brown hy vọng khoảng 2.000 tỉ USD mà các nước đang đổ vào kinh tế qua việc cắt giảm thuế, xây dựng các dự án và đầu tư xanh, sẽ hạn chế suy thoái sâu hơn, tăng sản lượng kinh tế toàn cầu thêm hơn 2% và có thể tạo ra hơn 20 triệu việc làm mới. Thủ tướng Nhật Taro Aso thì cho rằng với kinh nghiệm trong cuộc khủng hoảng tài chính thập niên 1990, kích cầu mạnh là giải pháp để phục hồi tăng trưởng. Nếu cần, Tokyo thậm chí sẽ bổ sung thêm cho gói kích thích kinh tế trị giá 720 tỉ USD của mình. Tuy nhiên, Pháp và Đức, với sự ủng hộ của hầu hết các nước EU, bác bỏ kế hoạch của Anh và Mỹ vì cho rằng các gói kích cầu chỉ trì hoãn việc thắt chặt các quy định quản lý tài chính lỏng lẻo hiện nay, vốn tạo điều kiện cho các ngân hàng, quỹ đầu tư mạo hiểm và công ty tài chính hám lợi đưa kinh tế thế giới vào khủng hoảng. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nhấn mạnh ưu tiên cải cách các thị trường tài chính, chứ không phải “bơm” tiền của người đóng thuế để kích thích kinh tế.

Bên cạnh đó, các nước mới nổi trong G20 như Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc chỉ trích chủ nghĩa tư bản vô nguyên tắc của Mỹ là nguyên nhân làm phát sinh suy thoái toàn cầu. Nga và Trung Quốc thậm chí còn đề nghị hình thành một loại tiền tệ dự trữ mới thay thế USD.

N.MINH (Theo Reuters, AFP, Guardian, TTXVN)

Chia sẻ bài viết