17/11/2010 - 08:46

EU lo khủng hoảng nợ lan rộng

Một sạp báo ở Dublin trương hàng chữ “48 giờ cứu đồng euro”, đề cập tới cuộc họp của EU ở Brussels vào ngày 16 và 17-11. Ảnh: AP

Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đang bối rối về gói viện trợ trị giá 100 tỉ USD cho Ireland, nhằm giúp vực dậy ngành ngân hàng đang thoi thóp của nước này, ngay cả khi Ireland tiếp tục cho rằng tình hình tài chính khó khăn của họ không cần thiết phải giải cứu. Vấn đề này trở thành trọng tâm trong chương trình nghị sự của các quan chức tài chính EU trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 16 và 17-11.

Các nhà đầu tư lo rằng Ireland đang chìm ngập trong nợ nần và vất vả kiềm chế khủng hoảng ở ngành ngân hàng, có thể không đủ sức hoàn trả hàng tỉ USD mà nước này đã vay theo hình thức trái phiếu chính phủ. Những lo lắng đó làm bùng phát việc bán tháo trái phiếu Ireland trong vài tuần qua. Một số quan chức EU xem thỏa thuận giải cứu Ireland là cấp thiết để ngăn chặn cuộc khủng hoảng niềm tin lan rộng tới các nền kinh tế khác cũng đang gánh nặng nợ ở châu Âu như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Một viễn cảnh khủng hoảng lan rộng như vậy có thể gây bất ổn đồng euro và đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Do vậy, các quan chức EU cho rằng bất kỳ kế hoạch giải cứu mới nào cũng cần phải bao gồm cả Bồ Đào Nha, chớ không chỉ riêng Ireland, để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ như ở Hy Lạp 6 tháng trước. Đạt được một thỏa thuận như vậy có thể giúp giải tỏa sức ép lên Ireland và các loại trái phiếu châu Âu khác, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế nhanh hơn. Kế hoạch giải cứu đó đòi hỏi phải có đề nghị chính thức từ mỗi nước trước khi có thể đàm phán thực hiện. Thế nhưng vài tháng qua, Ireland cho rằng nước này đã có đủ tiền để duy trì hoạt động kinh tế tới giữa năm sau. Các quan chức Ireland tự tin rằng họ có thể khôi phục niềm tin của thị trường bằng nội lực với các giải pháp siết chặt chi tiêu mới sắp được đưa ra. Các giải pháp này sẽ cắt giảm thâm hụt ngân sách kỷ lục của Ireland xuống mức có thể chấp nhận được.

Thực tế, một số nguồn tin cho biết Ireland có thể nỗ lực để đạt thỏa thuận với EU về gói viện trợ nhằm vực dậy ngành ngân hàng. Một gói giải cứu có trọng tâm cụ thể như vậy có thể hạn chế các điều kiện của EU và cả IMF nếu định chế tài chính quốc tế này tham gia giải cứu Ireland. Đặc biệt, Ireland muốn giữ mức thuế doanh nghiệp ở mức thấp 12,5% như một động lực nhằm thu hút các công ty đa quốc gia. Dublin lo sợ rằng các cường quốc EU như Pháp và Đức, vốn lâu nay chỉ trích chính sách đó, có thể tận dụng cơ hội hiện nay để buộc Dublin tăng thuế doanh nghiệp như một phần điều kiện cho gói giải cứu.

Bồ Đào Nha cũng tuyên bố tương tự Ireland, không cần giúp đỡ và nhấn mạnh rằng tình hình của họ tốt hơn Ireland. Mặc dù Bồ Đào Nha đã tăng đủ tiền từ các thị trường trái phiếu, nhưng thâm hụt ngân sách của nước này hiện lên tới 9% GDP, cao hơn mức 3% quy định của khu vực đồng euro. Với mức tăng trưởng chậm, các nhà đầu tư lo ngại Bồ Đào Nha cũng sẽ tiêu hết nguồn quỹ.

Trong khi Ireland và Bồ Đào Nha không chấp nhận đề nghị viện trợ, EU cũng chưa có sự nhất trí về việc này. Một số quan chức EU cho rằng giải cứu Ireland hiện nay giống như gởi một thông điệp tới các thị trường rằng EU sẵn sàng “bơm” tiền vào bất kỳ nước thành viên nào đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, dư luận Đức, nền kinh tế lớn và mạnh nhất trong 16 nước sử dụng đồng euro từng phản đối mạnh mẽ việc giải cứu Hy Lạp, cho rằng đưa ra gói viện trợ Ireland hiện nay là nguy cơ chính trị lớn cho Thủ tướng Angela Merkel. Mặt khác, quỹ giải cứu được thiết lập đầu năm nay của EU sau khi Hy Lạp khủng hoảng trị giá khoảng 680 tỉ USD. Vậy, điều gì sẽ xảy ra, nếu trong cuộc khủng hoảng tới nhiều nước cùng lúc cần giải cứu?

Nỗi lo về “bão” tài chính ở khu vực càng gia tăng, khi cơ quan thống kê EU ngày 15-11 công bố báo cáo cho biết, thâm hụt ngân sách của Hy Lạp trầm trọng hơn dự đoán ban đầu. Thâm hụt ngân sách và nợ của Hy Lạp năm 2009 lần lượt lên tới 15,4% và 126,8% GDP, so với ước tính trước đây là 13,6% và 115,1% GDP. Điều đó có nghĩa là chính quyền Athens buộc phải áp dụng các biện pháp cắt giảm ngân sách mạnh hơn hoặc đàm phán với EU và IMF để mở rộng thỏa thuận giải cứu.

N. KIỆT
(Theo NYT, Washingtonpost, AP)

Một sạp báo ở Dublin trương hàng chữ “48 giờ cứu đồng euro”, đề cập tới cuộc họp của EU ở Brusse

Chia sẻ bài viết