21/07/2024 - 19:01

EU hoàn chỉnh đội hình “chống” Nga 

Việc Nghị viện châu Âu (EP) hôm 18-7 phê chuẩn bà Ursula von der Leyen làm chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) thêm một nhiệm kỳ nữa đã hoàn tất quá trình sắp xếp các vị trí chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc bầu cử EP hồi tháng 6.

Tổng thống Zelensky và Thủ tướng Kallas tại lễ ký thỏa thuận an ninh giữa Ukraine và Estonia hôm 27-6. Ảnh: Reuters

Trước đó, các vị trí lãnh đạo khác đã được xác định. Cụ thể, cựu Thủ tướng Bồ Ðào Nha Antonio Costa được chọn làm chủ tịch Hội đồng châu Âu, trong khi Thủ tướng Estonia Kaja Kallas làm Ðại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại. Ghế chủ tịch EP tiếp tục dành cho bà Roberta Metsota, một chính trị gia người Malta.

Ðiều dễ nhận thấy là phụ nữ áp đảo trong dàn lãnh đạo EU khóa mới và họ mạnh mẽ đứng về phía Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Quan điểm của Chủ tịch EC von der Leyen được thể hiện rõ khi bà đã đến Ukraine 6 lần kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào quốc gia Ðông Âu này hồi tháng 2-2022. Ngày 17-7 vừa qua, EC do bà dẫn dắt đã nhất trí giải ngân khoản hỗ trợ thường xuyên đầu tiên trị giá 4,2 tỉ euro theo chương trình hỗ trợ tài chính của EU dành cho Ukraine (tổng cộng, Ukraine sẽ nhận được tới 50 tỉ euro trong giai đoạn 2024-2027). Vị cựu bộ trưởng quốc phòng Ðức còn quyết liệt bảo vệ quyết định của Brussels về việc lấy lợi nhuận thu được từ các tài sản của Nga trao cho Ukraine, khẳng định điều đó “phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Tân Ðại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU cũng là người nhiệt thành ủng hộ Ukraine. Bà Kaja Kallas từng liên tục kêu gọi các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Mát-xcơ-va và viện trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine. Dưới sự lãnh đạo của bà, Estonia đã trở thành quốc gia EU đầu tiên thông qua cơ chế tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga và sử dụng chúng để bồi thường cho Kiev. Ðến nay, Estonia đã chi 1,4% GDP viện trợ quân sự cho Ukraine. Bà Kallas cũng khuyến khích Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) - điều mà Nga cực lực phản đối.

Về phần mình, Chủ tịch EP Roberta Metsola hồi tháng 5 đã bất ngờ có chuyến thăm Ukraine. Tại đây, bà họp báo chung với Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelensky giữa tiếng còi báo động không kích. Ðây không phải lần duy nhất bà Metsola đến Kiev kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine. Trong chuyến thăm Ukraine năm ngoái, bà nhấn mạnh “tương lai của Ukraine là ở trong EU”, đồng thời kêu gọi hỗ trợ nhân đạo cho Kiev và điều tra tội ác chiến tranh trong cuộc xung đột đang diễn ra.

Chủ tịch tương lai của Hội đồng châu Âu Antonio Costa cũng từng đến Ukraine trong giai đoạn xảy ra chiến sự, cam kết “sát cánh cùng Kiev miễn là còn cần thiết” và buộc Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột hiện nay.

Ðề cập dàn lãnh đạo mới của EU, người phát ngôn Ðiện Kremlin Dmitry Peskov dự báo: “Triển vọng quan hệ giữa Mát-xcơ-va và Brussels là xấu”. Ông Peskov hẳn không phải là bi quan, bởi trên thực tế, quan chức ngoại giao cao cấp nhất của EU là bà Kaja Kallas đang bị Mát-xcơ-va truy nã vì “có những hành động thù địch chống Nga”.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết