Ngày 15-3, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các lệnh hạn chế đối với việc xuất khẩu khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế, trong mục tiêu đảm bảo nguồn cung cấp riêng của khối cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Nghiên cứu vaccine tại hãng CureVac của Đức. Ảnh: Reuters
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Brussels, trong thông báo trực tuyến, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo việc các nước EU áp đặt kiểm soát biên giới là đang đe dọa chuỗi cung ứng và làm tăng nguy cơ thiếu hụt. Động thái này được đưa ra khi Đức trở thành quốc gia EU mới nhất đóng cửa biên giới từ ngày 16-3, đối với người dân đến từ Pháp, Áo và Thụy Sĩ, trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của dịch COVID-19.
Bà von der Leyen nhấn mạnh EU đã thông qua một cơ chế ủy quyền xuất khẩu cho các thiết bị bảo vệ y tế. Điều này có nghĩa là hàng hóa y tế chỉ có thể được xuất khẩu sang các nước ngoài EU với sự cho phép rõ ràng của chính phủ thành viên. Chủ tịch EC đánh giá đây là điều đúng đắn vì châu Âu cần trang thiết bị cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của mình.
Các hạn chế được áp dụng với một loạt các trang thiết bị như khẩu trang, kính, mặt nạ bảo vệ, tấm chắn mặt, bảo vệ mũi và quần áo bảo hộ. Chủ tịch EC nhấn mạnh sự cần thiết đối với các nước EU là phải chia sẻ trang thiết bị với nhau, và các lệnh cấm xuất khẩu quốc gia, như Pháp và Đức, là rất phản tác dụng.
Trước đó cùng ngày, Ủy viên thị trường nội khối Thierry Breton nói rằng sau các cuộc thảo luận căng thẳng với Berlin và Paris, 2 nước đã đồng ý cho phép xuất khẩu trang thiết bị, đặc biệt là sang Ý- quốc gia tâm dịch ở châu Âu.
Mỹ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine
Một loại vaccine ngừa COVID-19 bắt đầu được thử nghiệm tại Mỹ với 45 tình nguyện viên trẻ.
Những người tham gia thử nghiệm đầu tiên này nhận vaccine thử nghiệm vào ngày 16-3, một quan chức chính phủ nói với điều kiện giấu tên vì thử nghiệm chưa được công khai. Vaccine do Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) và công ty công nghệ sinh học Moderna hợp tác phát triển.
45 tình nguyện viên trẻ, khỏe mạnh được tiêm vaccine với các liều khác nhau. Họ sẽ không có bất kỳ nguy cơ nhiễm bệnh nào từ các mũi tiêm, vì chúng không chứa virus. Mục tiêu của thử nghiệm lâm sàng lần này là kiểm tra để chắc chắn vaccine không có tác dụng phụ nào đáng lo ngại, tạo tiền đề cho các thử nghiệm lớn hơn.
Thông thường sẽ mất một năm đến 18 tháng để thử nghiệm lâm sàng đầy đủ bất kỳ loại vaccine nào.
Hàng chục nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới đang chạy đua để tạo ra vaccine khi các ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng mạnh. Một số nhà nghiên cứu còn hướng đến các loại vaccine tạm thời, chẳng hạn như các mũi tiêm có thể bảo vệ sức khỏe của con người một hoặc hai tháng sau mỗi lần tiêm.
Hãng dược phẩm Đức bác tin cấp vaccine độc quyền cho Mỹ
Theo truyền thông Đức, hiện Mỹ đang tìm cách lôi kéo công ty dược phẩm CureVac của Đức để sản xuất vaccine chế ngự virus Corona. Tuy nhiên, thông báo ngày 15-3 của CureVac khẳng định công ty không có hợp đồng độc quyền với Mỹ để sản xuất loại vaccine đang có nhiều hứa hẹn chống virus Corona. Christof Hettich, Giám đốc điều hành và là một trong những sáng lập viên Công ty TNHH và Hợp danh Công nghệ sinh học Dievini Hopp (nắm 80% cổ phần của CureVac) nêu rõ “Chúng tôi muốn phát triển vaccine cho toàn thế giới, không chỉ một vài quốc gia”.
Theo CureVac, tháng 6 hoặc tháng 7 tới, công ty này sẽ có được vaccine thử nghiệm và sau đó sẽ xin cấp phép để thử nghiệm trên người. Ông Florian von der Mülbe, Giám đốc sản xuất và đồng sáng lập CureVac cho biết phương thức sử dụng vaccine liều thấp để kích hoạt phản ứng miễn dịch chống bệnh sẽ được áp dụng để phòng SARS-CoV-2. Ông cũng cho hay CureVac có thể sản xuất tối đa 10 triệu liều mỗi chu kỳ sản xuất, thường kéo dài khoảng vài tuần. Theo ông, công ty đã nghiên cứu nhiều loại vaccine và đang chọn 2 loại tốt nhất để tiến hành thử nghiệm lâm sàng.
Hàn Quốc ứng dụng rộng rãi phương thức “Drive-thru”
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, mô hình “Drive-thru” đang được ứng dụng rộng rãi tại Hàn Quốc trong đại dịch COVID-19.
“Drive-thru” vốn được triển khai tại các quán cà phê hoặc các cửa hàng bán đồ ăn nhanh, nơi khách hàng bận rộn có thể mua hàng mà không cần ra khỏi xe, chỉ cần hạ cửa kính ô tô để lấy đồ.
Phương thức này lần đầu được áp dụng ở các điểm xét nghiệm SARS-CoV-2 lưu động tại Hàn Quốc nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc, do các tài xế không cần xuống xe trong quá trình các nhân viên y tế điều tra dịch tễ, đo thân nhiệt, lấy mẫu bệnh phẩm chỉ trong vòng 10 phút. Bên cạnh đó, tại các trạm xét nghiệm lưu động này cũng không cần bố trí các trang thiết bị cần thiết như phòng áp lực âm, cũng như giảm thiểu thời gian khử trùng, thông khí. Do vậy, phần lớn các cơ sở y tế ở các địa phương trên toàn Hàn Quốc đều đang vận hành trung tâm xét nghiệm lưu động theo phương thức này.
Vừa qua, Mỹ cũng đã học tập Hàn Quốc áp dụng mô hình “Drive-thru” để xét nghiệm SARS-CoV-2.

Kim Chung-Việt Hải