19/10/2018 - 07:06

EU đau đầu với Hungary và Ba Lan 

Ngoại trưởng 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa có cuộc họp tại Luxembourg để tiếp tục thảo luận về cải cách tư pháp gây tranh cãi ở Ba Lan và việc vi phạm các giá trị EU tại Hungary.


Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki (trái) và người đồng cấp Hungary Orban. Ảnh: abouthungary.hu

Đây là cuộc họp thứ 6 của các Ngoại trưởng EU bàn về phương thức tiến hành thủ tục trừng phạt 2 quốc gia thành viên vi phạm các giá trị và quy tắc của khối. Phát biểu sau cuộc họp, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans bày tỏ lo ngại khi các cuộc thảo luận vẫn không có tiến triển trong khi tình hình tiếp tục diễn biến tiêu cực. 

Hồi tháng 9, Nghị viện châu Âu (EP) trong động thái chưa có tiền lệ đã kích hoạt thủ tục trừng phạt Hungary theo Điều 7 Hiệp ước thành lập EU với lý do nước này tạo ra “mối đe dọa có hệ thống” đối với các giá trị cốt lõi của khối. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2010, Thủ tướng Viktor Orban bị cáo buộc gây sức ép với tòa án, truyền thông và các nhóm phi chính phủ theo cách thức vi phạm quy định của EU. Chính quyền Orban còn bị chỉ trích tham nhũng, xâm phạm quyền tự do ngôn luận cũng như quyền của người thiểu số và người xin tị nạn. Hiện ông Orban còn đối mặt với phản ứng dữ dội về quyết định mới của chính phủ cấm mở các khóa học về giới tính ở tất cả trường đại học trên toàn quốc. 

Năm ngoái, EC cũng đã đề nghị Hội đồng châu Âu kích hoạt Điều 7 để trừng phạt Ba Lan do quan ngại cải cách tư pháp đe dọa nguyên tắc pháp quyền ở nước này. Trước đó, đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền đã thông qua dự luật cải cách Tòa án Tối cao, gồm đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu các thẩm phán từ 70 xuống 65. Khi luật có hiệu lực vào tháng 7-2018, 27 trong tổng số 72 thẩm phán Tòa Tối cao Ba Lan đã bị buộc thôi việc trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Những thay đổi trên bị giới phê bình chỉ trích là động thái “chính trị hóa” nhằm đưa hệ thống tư pháp về dưới quyền kiểm soát của chính phủ. Đạo luật cũng dấy lên căng thẳng EU-Warsaw khi Brussels cho rằng luật mới làm suy yếu sự độc lập của ngành tư pháp, đồng thời vi phạm nghĩa vụ thành viên và ảnh hưởng hệ thống tư pháp ở những nước EU khác. Bất chấp đối thoại, căng thẳng giữa EU và Ba Lan tiếp tục leo thang cho đến tháng 7-2018, EC tuyên bố áp đặt biện pháp pháp lý đối với nước này. 

Theo Thủ tướng Orban, cái gọi là cơ chế xử phạt dựa trên Điều 7 là “hành động trả thù” của tầng lớp tinh hoa châu Âu nhằm trừng phạt Hungary và lập trường cứng rắn chống nhập cư của nước này. Ông Organ hiện đang tiến hành chiến dịch tuyên truyền trị giá 23 triệu USD chống lại EP. Trên lý thuyết, nước bị trừng phạt sẽ tạm thời không được tham gia bỏ phiếu tại các định chế của EU. Tuy nhiên, để lệnh trừng phạt có hiệu lực cần phải có sự ủng hộ của tất cả quốc gia thành viên. Trong khi đó, cả Ba Lan và Hungary đều lên tiếng bảo vệ nhau và gọi các thủ tục trừng phạt chống lại họ là cuộc tấn công chính trị. Budapest và Warsaw cũng nhất trí sẽ bỏ phiếu chống lại bất kỳ biện pháp trừng phạt nào nhắm vào họ.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk hôm 17-10 nói vui rằng việc nhà chức trách Ba Lan gỡ bỏ tấm biển đề tên ông tại đại sứ quán nước này ở EU không quan trọng, miễn là họ đừng “tháo” Ba Lan khỏi liên minh.

Tấm biển được treo nhân dịp khánh thành tòa nhà năm 2011 và được đề chữ “Tusk” theo tên Thủ tướng Ba Lan thời điểm đó. Vốn là cựu Thủ tướng Ba Lan thuộc đảng trung hữu Cương lĩnh Công dân (PO), ông Tusk lâu nay bị các nhà lãnh đạo hiện thời ở Warsaw công khai bài xích. 

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
EU - HungaryBa Lan