21/11/2020 - 00:30

EU đau đầu tìm lối thoát hiểm

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tối 19-11 ban đầu dự kiến dành riêng để thảo luận biện pháp ứng phó với làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 đang diễn biến phức tạp ở khu vực, song đã phải san sẻ thời gian cho kế hoạch phục hồi kinh tế và ngân sách hơn 1.800 tỉ euro (khoảng 2.100 tỉ USD).

Tuy nhiên, hội nghị kết thúc trong bế tắc khi các nhà lãnh đạo EU không thể đạt được nhất trí về kế hoạch ngân sách và phục hồi kinh tế, mặc dù nhu cầu của nhiều nước được giải ngân hàng tỉ euro hỗ trợ thúc đẩy kinh tế trong thời kỳ dịch COVID-19 vẫn hoành hành, là hết sức cấp thiết. Ba Lan và Hungary, được Slovenia hậu thuẫn, đã bác bỏ cơ chế gắn việc nhận tiền từ kế hoạch phục hồi với các nguyên tắc pháp quyền của khối. Theo cơ chế này, một quốc gia có thể bị từ chối tiếp cận các khoản tiền hỗ trợ nếu bị cho là làm suy yếu các chuẩn mực dân chủ, tự do truyền thông hay không đảm bảo tính độc lập của cơ quan tư pháp.

Kế hoạch ngân sách và gói phục hồi kinh tế của EU bao gồm khoản ngân sách cho giai đoạn 2021-2027 trị giá gần 1.100 tỉ euro và quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỉ euro, vốn được các nhà lãnh đạo EU thống nhất hồi tháng 7 vừa qua sau nhiều cuộc thương lượng căng thẳng từng khiến EU phải kéo dài hội nghị thượng đỉnh khi đó từ 2 ngày thành 4 ngày. Kế hoạch này phải được Hội đồng châu Âu cũng như Nghị viện châu Âu (EP) thông qua, trong đó EP đặt điều kiện gắn kèm dự luật ngân sách dài hạn của toàn liên minh với một cơ chế yêu cầu các quốc gia tôn trọng pháp quyền EU. Tuy nhiên, Ba Lan và Hungary kiên quyết phản đối điều kiện trên và đã bác kế hoạch ngân sách của EU. Theo quy định, các kế hoạch này sẽ không thể triển khai nếu không nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của tất cả các nước thành viên và EP, đồng nghĩa hàng trăm doanh nghiệp và hàng triệu lao động thất nghiệp ở châu Âu sẽ chưa được tiếp cận với nguồn hỗ trợ vào thời điểm khó khăn nhất.

Bất đồng giữa Ba Lan, Hungary với các thành viên khác của EU về cơ chế gắn việc tiếp cận nguồn tài trợ với tôn trọng nguyên tắc pháp quyền là một vấn đề hóc búa, một cuộc họp trực tuyến là quá khó để thu hẹp bất đồng, so với những cuộc trao đổi trực tiếp song phương như hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 7.

Tuyên bố và hành động của các nhà lãnh đạo EU sau cuộc họp cho thấy dường như EU đang cố gắng kết hợp giữa “củ cà rốt và cây gậy” để tháo gỡ bất đồng. EU cam kết đối thoại với Ba Lan và Hungary, với điều kiện để 2 nước này hiểu rằng “bóng đang ở trong sân” của họ. Trong hậu trường, EU đang tính đến một tuyên bố nhằm trấn an 2 nước, đặc biệt về vai trò tương lai của Ủy ban châu Âu (EC) trong cơ chế này, bởi Hungary và Ba Lan lo ngại rằng Brussels sẽ phát triển một cách tiếp cận chính trị quá mức đối với chức năng của mình.

Mặt khác, EU cũng sẽ gây áp lực bằng cách buộc 2 nước trên phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ của kế hoạch vốn đang được trông đợi trên khắp EU, qua đó khiến Ba Lan và Hungary cảm thấy bị cô lập. Thậm chí, không loại trừ EU sẽ chọn giải pháp cuối cùng là bỏ qua các nước ngăn cản để thực hiện kế hoạch trên, dù đây là một lựa chọn được xem có tính chất “đe dọa”, bởi việc triển khai sẽ rất khó khăn và đi kèm với hậu quả chính trị
nghiêm trọng.

Nhiệm vụ nặng nề của ngân sách 2021 là lấp khoảng trống do việc nước Anh rời EU và khôi phục kinh tế suy kiệt vì sự tàn phá của đại dịch. Hạn chót là giữa tháng 12 tới kế hoạch trên phải được thông qua, nếu không, EU sẽ không có ngân sách vào tháng 1-2021. Bất đồng về kế hoạch ngân sách và gói phục hồi kinh tế khiến các nhà lãnh đạo EU không thể “toàn tâm toàn ý” thảo luận các biện pháp phối hợp đối phó với đại dịch COVID-19. Sau vài tháng lắng dịu, châu Âu một lần nữa đang trở thành “tâm chấn” của đại dịch COVID-19.

KIM CHUNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết