|
Sau những tranh cãi căng thẳng giữa Pháp và Đức, thỏa thuận thành lập cơ quan giám sát ngân hàng cuối cùng cũng được thông qua. Ảnh: AFP |
* Giới chuyên gia đánh giá hậu quả của việc Hy Lạp rút khỏi Eurozone
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 18-10 đã đạt thỏa thuận cuối cùng về lịch trình thành lập Liên minh Ngân hàng với tên gọi Cơ chế giám sát chung (SSM) nhằm phối hợp với Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) giúp các nước thành viên thoát khỏi khó khăn kinh tế, ngăn chặn nguy cơ sụp đổ của hệ thống ngân hàng vốn có thể đe dọa liên minh tiền tệ này.
Phát biểu trong cuộc họp báo sáng ngày 19-10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ) đặt ra mục tiêu sẽ phê chuẩn khung pháp lý vào ngày 1-1-2013 để cơ chế giám sát mới sớm đi vào hoạt động. Khung pháp lý nói trên sẽ cho phép Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cung cấp trực tiếp các khoản vay khẩn cấp cho các ngân hàng đang gặp khó mà không cần thông qua quyết định của chính phủ nước họ theo như cơ chế hiện hành. Đổi lại, ECB có quyền giám sát bất kỳ ngân hàng nào trong số khoảng 6.000 ngân hàng tại 17 quốc gia thuộc Eurozone.
Trước đó, kế hoạch này tưởng chừng đi vào ngõ cụt khi Pháp và Đức tỏ rõ những bất đồng về thời điểm để công cụ đối phó khủng hoảng quan trọng này đi vào hoạt động. Theo đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande đề xuất thành lập một liên minh ngân hàng, bao gồm cơ quan giám sát ngân hàng, với thời hạn chót là cuối năm nay, trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel thì đề nghị hạn chót là tháng 9-2013.
Theo các nhà phân tích, việc thành lập SSM là một bước quan trọng nhằm phá vỡ vòng luẩn quẩn giữa vấn đề nợ công và khủng hoảng ngân hàng. Tuy nhiên, cơ chế khởi động bộ máy này vẫn đang gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là những lo ngại liên quan đến việc liệu cơ chế giám sát chung này có thể vận hành song song với ESM để bơm tiền trực tiếp cho các ngân hàng "ốm yếu" hay không.
Vì những lợi ích riêng của mình, một số nước không thuộc Eurozone như Anh cũng ủng hộ các biện pháp nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone, song lo ngại rằng việc thành lập Cơ chế giám sát chung có thể sẽ làm sao nhãng những qui định riêng của quốc gia, đặc biệt đối với những ngân hàng đang hoạt động tại Eurozone. Một số nước khác như Ba Lan lo ngại rằng nước này không có tiếng nói trong ECB vì chưa phải là thành viên Eurozone, trong khi CH Czech cho biết rất nhiều ngân hàng của nước này đều do các chủ nợ trong Eurozone kiểm soát.
Báo cáo nghiên cứu kinh tế do Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn kinh tế Prognos AG, có trụ sở tại Basel (Thụy Sĩ) thực hiện và công bố hôm 19-10, một lần nữa cảnh báo về kịch bản "ác mộng" nếu Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha rời khỏi Eurozone, khiến kinh tế thế giới mất tới 17.000 tỉ euro.
Báo cáo trên khẳng định kịch bản này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có "một cuộc suy thoái kéo dài trên khắp thế giới" trải rộng từ Mỹ tới Trung Quốc và kéo theo những biến động lớn đối với cơ cấu xã hội và sự ổn định chính trị tại các nước từ bỏ Eurozone. Báo cáo cảnh báo hiệu ứng dây chuyền là hậu quả không thể tránh khỏi nếu Hy Lạp rút khỏi Eurozone, kéo theo sự vỡ nợ đối với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và cuối cùng là Ý.
Theo báo cáo, tuy Hiệp ước của EU không có cơ chế trục xuất các nước khỏi Eurozone, nhưng nếu các nhà đầu tư ngừng đổ tiền cứu trợ Hy Lạp, điều đó cũng đồng nghĩa với việc Athens sẽ không có tiền chi tiêu công và buộc lòng phải phát hành đồng tiền riêng và dựa duy nhất vào nguồn thu từ thuế trong nước. Nếu kịch bản này xảy ra, không chỉ người dân Hy Lạp lâm vào cảnh khó khăn chồng chất, mà nó còn có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới, tác động đến các nước thành viên Eurozone, các đối tác châu Âu khác, hai cường quốc kinh tế số một và số hai thế giới là Mỹ, Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia mới nổi khác.
THANH TRÚC (Tổng hợp)