21/10/2020 - 05:28

Đừng xem thường bệnh ung thư vú ở nam giới 

Mặc dù nguy cơ mắc và tử vong vì ung thư vú ở nam giới không cao như ở nữ giới, nhưng các quý ông không nên chủ quan. Theo một nghiên cứu mới đây, chỉ vì không nghĩ bản thân mắc bệnh, mà việc chẩn đoán ung thư vú ở nhiều bệnh nhân nam thường được thực hiện khi khối u đã di căn khắp cơ thể, khiến tỷ lệ tử vong tăng.

Tầm soát sớm và điều trị kịp thời ung thư vú giúp tăng tỷ lệ sống sót ở nam giới.

Tầm soát sớm và điều trị kịp thời ung thư vú giúp tăng tỷ lệ sống sót ở nam giới.

Được biết, số mô vú ở bé trai và bé gái là như nhau khi chào đời, nhưng mô vú ở nam không có sự tăng trưởng và phát triển phức tạp theo thời gian như ở nữ. Bởi đến tuổi dậy thì, nồng độ hoóc-môn sinh dục nam testosterone tăng trong khi nồng độ hoóc-môn sinh dục nữ oestrogen giảm đã làm dừng quá trình phát triển mô vú ở nam giới. Một số ống dẫn sữa vẫn tồn tại trong ngực họ nhưng chúng không phát triển, trong khi các tiểu thùy dường như tiêu biến. Mặc dù vậy, nam giới vẫn mắc các bệnh về tuyến vú, gồm cả ung thư vú.

Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã phân tích dữ liệu sức khỏe của gần 15.000 người đàn ông được chẩn đoán ung thư vú trong giai đoạn 2007 - 2016. Họ phát hiện khoảng 50% số bệnh nhân được chẩn đoán sau khi tế bào ung thư đã di căn tới các mô lân cận và ở xa vùng ngực và 8,7% được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Đáng lo ngại, chẩn đoán chậm trễ như thế làm tăng tỷ lệ tử vong. Thông thường, tỷ lệ sống thêm 5 năm ở bệnh nhân ung thư vú nam là gần 99% nếu được chẩn đoán sớm, nhưng con số này chỉ còn 26% nếu khối u đã di căn tới những nơi nằm xa vị trí khởi phát, phổ biến là phổi, xương, não hoặc gan.

Dấu hiệu nhận biết và thời điểm cần thăm khám

Theo các tác giả, ung thư vú ở nam có biểu hiện sinh học không khác gì ở nữ, với dấu hiệu phổ biến nhất là xuất hiện khối u không đau hoặc có khối mô dày lên tại vùng ngực. Những thay đổi khác có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư vú ở nam bao gồm: thay đổi kích thước hoặc hình dáng vú; da vú bị lõm, nhão hoặc tấy đỏ; ngứa hoặc phát ban quanh núm vú; tụt đầu vú và tiết dịch ở núm vú. Một số dấu hiệu có thể dễ dàng nhận thấy vì nam thường có ít mô vú hơn nữ.

Đa số ung thư vú ở nam khởi phát từ các ống dẫn sữa (gọi là ung thư biểu mô ống xâm lấn) và chưa tới 2% từ các tiểu thùy của vú (ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn). Trong một số trường hợp ít gặp, nam giới có thể được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ (một loại ung thư vú không xâm lấn), ung thư vú dạng viêm hoặc bệnh Paget của núm vú.

Giống như nữ, bệnh sử gia đình cũng là yếu tố nguy cơ của ung thư vú ở nam. Theo nhóm nghiên cứu, những người nam được di truyền các đột biến gien BRCA1 và BRCA2 có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn. Và so với người nam bình thường, người phẫu thuật chuyển giới thành nữ có nguy cơ ung thư vú cao hơn, một phần là do những thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể.

Theo các chuyên gia, do tâm lý chủ quan và mắc cỡ về những thay đổi tại vùng ngực mà nam giới thường trì hoãn việc gặp bác sĩ để thăm khám, từ đó làm chậm trễ việc tầm soát ung thư vú. Do vậy, nếu nhận thấy bất kỳ biểu hiện khác thường nào ở vùng ngực hoặc núm vú, quý ông cần nhanh chóng đi khám. Đặc biệt, những người đã có người thân mắc ung thư vú cần định kỳ thăm khám vú từ sau 35 tuổi, cũng như tầm soát các đột biến gien liên quan.

Ngoài ra, các tác giả cho biết quá trình điều trị kịp thời và tích cực cũng là hai yếu tố quan trọng giúp kéo dài thời gian sống của bệnh nhân. “Tỷ lệ sống thêm 5 năm ở những bệnh nhân nam bị ung thư vú không được điều trị hoặc xạ trị thấp hơn rất nhiều so với những bệnh nhân đã phẫu thuật đoạn nhũ” - nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

AN NHIÊN (Theo UPI, Yoursun.com)

Chia sẻ bài viết