06/09/2008 - 10:46

Đừng xem nhẹ thiện - mỹ!

Sự đoàn tụ của cha con Vi trong phim Mùi Ngò Gai mang đến cho người xem một cảm nhận đẹp về lòng khoan dung. Ảnh: dienanh.net

Trong các tác phẩm báo chí, nghệ thuật nói chung, bên cạnh yêu cầu phản ánh chân thật hiện thực cuộc sống còn có một yêu cầu khác là phải nhằm hướng người đọc, người nghe, người xem đến cái tốt, cái đẹp. Đó cũng là yêu cầu tối thượng trong hoạt động báo chí, nghệ thuật, nhằm hướng cho con người đến thiện - mỹ, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Thế nhưng, trong nhiều tác phẩm báo chí, nghệ thuật hiện nay, việc tái hiện nhất là những mặt trái của xã hội với liều lượng khá nhiều, lặp đi lặp lại và “tự nhiên chủ nghĩa” vô hình trung gây ra những tác dụng ngược trong nhận thức - đặc biệt là giới trẻ.

Xin nêu một vài ví dụ: Kênh THVL1- Đài Truyền hình Vĩnh Long đang chiếu bộ phim truyền hình nhiều tập “Tình yêu còn lại”; trong phim có cảnh nhân vật Lam bỏ học, tìm gặp cho bằng được ông giám đốc công ty (nơi mà công ty của ba chồng cô ta từng hợp tác làm ăn) để mong ông này chấp nhận giúp đỡ công ty ba chồng cô vượt qua khốn khó. Khi tìm đến nhà hàng, nơi ông giám đốc hẹn gặp để nói chuyện, do không biết mặt ông này nên Lam đã phải nhờ anh nhân viên tìm giúp. Thoạt đầu, anh nhân viên từ chối. Nhưng Lam đã mở túi xách lấy ra một tờ giấy bạc dúi vào tay anh nhân viên. Anh nhân viên ngay lập tức vui vẻ đi tìm ông giám đốc. Xem cảnh này, nhiều người có thể cho rằng đó là chuyện thường ngày trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay. Nhưng, nhiều người quan tâm đến đạo đức lại băn khoăn: cảnh phim đó đưa đến cho nhiều người- nhất là các bạn trẻ- một nhận thức lệch lạc: Bây giờ mọi chuyện muốn thành công đều phải có tiền? Cảnh phim ấy có thể phản ánh đúng một hiện tượng trong xã hội nhưng liệu có cần đưa vào màn ảnh? Tại sao lại không phải là một cách xử lý khác thể hiện được sự tận tâm giúp đỡ, thể hiện rõ tình người? Và xã hội sẽ đi về đâu nếu ngày càng có nhiều người quan niệm đồng tiền giữ vị trí hàng đầu trong quan hệ giữa người với người?

Trong bộ phim “Một ngày không có em” - đang chiếu trên kênh THVL1 - Đài Truyền hình Vĩnh Long - có cảnh thầy giáo dạy đại học nói chuyện với sinh viên năm cuối về chuyện làm luận văn, một công việc hết sức quan trọng của những bạn trẻ để tốt nghiệp đại học. Khi thầy đang nói trên bục giảng thì ở dưới lớp, sinh viên “hồn nhiên” bấm điện thoại di động. Có sinh viên thản nhiên đứng giữa lớp gọi thầy là “hoàng thượng” và tự xưng mình là “hạ thần”, rồi cả thầy và trò cùng vỗ tay, cười ồ vui vẻ! Cảnh này dễ làm nhiều bạn trẻ đang học cấp 2, cấp 3 nghĩ rằng đó là chuyện phổ biến ở các trường đại học hiện nay? Liệu họ tiếp tục hành xử kiểu như thế khi nay mai bước vào giảng đường đại học? Nếu vậy, còn đâu là tôn ti, trật tự, còn đâu là tinh thần “tôn sư trọng đạo”...?

Còn có thể kể gặp nhiều thông tin về an ninh trật tự hàng ngày trên các phương tiện truyền thông mà trong đó mô tả khá cặn kẽ những chi tiết chém, đâm, đập, đá, siết cổ, giựt dọc, trấn lột, làm tiền, cởi quần áo. Thế nhưng, không ít người trẻ tuổi, học sinh lại thấy làm thích thú, khoái trá. Có một chuyện mà người viết được chứng kiến: T.- đứa con của một người bạn - học lớp ba, rất giỏi môn tiếng Anh. T. đã giúp bạn gái ngồi kế bên học tiếng Anh với một “hợp đồng”: sau mỗi lần T. dạy cho cô bạn một bài tập, cô bạn ấy phải đưa cho T. một khoản thù lao là... 4.000 đồng. Khi mẹ T. phát hiện, hỏi vì sao làm vậy? T. ngây thơ trả lời: “Tại con coi phim thấy người này giúp người kia thì người kia phải trả lại tiền!”. Là những người lớn, chúng ta nghĩ gì về chuyện này. Nhiều trẻ em- “tờ giấy trắng”- đã, đang và sẽ tiếp tục bị “nhiễm bẩn” vì sự vô tâm của người lớn!

Tôi rất tâm đắc với quan điểm làm báo của Ban Biên tập tờ L/Ouest France - một tờ báo địa phương có số lượng phát hành hàng đầu nước Pháp. Tờ báo này không bao giờ đăng những hình ảnh cùm tay, chém giết, máu me... mà ngược lại, chú trọng đăng nhiều bài viết, hình ảnh mang tính nhân văn. Ban Biên tập L/Ouest France cho rằng, những hình ảnh máu me, còng trói, bạo lực trên báo chí, dù phản ánh đúng hiện thực, nhưng nếu không xử lý khéo léo sẽ vô hình trung kích thích “phần con” trong mỗi con người. Vì thế, tờ báo chọn chú trọng những điều hay, lẽ phải đăng tải để nhằm nâng cao “phần người” trong mỗi con người. Đó là một lý do vì sao L/Ouest France bán chạy. Và có lẽ đó cũng là một bài học đáng để cho nhiều người làm báo chí, nghệ thuật chúng ta suy ngẫm.

HIỀN DUNG

Chia sẻ bài viết