Nghị sĩ Adam Afriyie thuộc đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron cho biết, bắt đầu từ hôm nay 7-10 sẽ mở chiến dịch vận động quốc hội bỏ phiếu thông qua việc tổ chức trưng cầu dân ý về qui chế thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Anh vào năm 2014, sớm hơn 3 năm so với dự định. Nhưng theo phát ngôn viên của Chính phủ Anh, ông Cameron sẽ quyết liệt ngăn cản động thái này.
Hồi tháng 1 năm nay, Thủ tướng Cameron tuyên bố nếu đảng Bảo thủ giành được đa số ghế trong cơ quan lập pháp sau cuộc tổng tuyển cử năm 2015 thì một cuộc trưng cầu như vậy sẽ diễn ra vào năm 2017. Còn trong thời gian trước mắt, ông sẽ đàm phán với Brussels để "lấy lại" một số quyền hạn cho Luân Đôn. Thế nhưng theo ông Afriyie, tổ chức trưng cầu dân ý sớm nằm trong "lợi ích quốc gia" của Anh, và cử tri cũng hoài nghi liệu lãnh đạo đảng Bảo thủ có đủ khả năng theo đuổi cam kết của mình hay không, nhất là trong trường hợp không giành được thế đa số và phải liên minh với các đảng khác như hiện nay. Cần nói thêm rằng ông Afriyie không phải là dân biểu Bảo thủ duy nhất muốn Anh sớm rời EU.
Dường như Luân Đôn lâu nay chưa bao giờ mặn mà với EU. Tiền thân của EU là Cộng đồng Than- Thép châu Âu ra đời năm 1951 với 6 thành viên là Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Luxembourg và Hà Lan nhưng mãi tới năm 1973 Anh mới gia nhập tổ chức này, khi đó đã đổi tên thành Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC). Chỉ 2 năm sau đó, xứ sương mù đã tổ chức trưng cầu dân ý xem có nên tiếp tục gắn bó với EEC hay không (kết quả là 67% cử tri đồng ý). Cho đến nay Anh là nền kinh tế lớn duy nhất trong EU chưa gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Và không khó để thấy rằng trong một số vấn đề đối nội lẫn đối ngoại, có sự khác biệt khá rõ về quan điểm giữa Anh và "EU lục địa".
Nhiều người Anh cho rằng gia nhập EU chỉ làm hao tiền tốn của (đóng góp ngân sách mỗi năm hơn 11 tỉ euro); và tổ chức này có quá nhiều quyền lực, đe dọa tới chủ quyền của họ. Chính vì vậy mà tỷ lệ ủng hộ đảng Nước Anh Độc lập (chủ trương rời EU) đang lên như diều gặp gió, hiện xếp thứ ba chỉ sau Công đảng và đảng Bảo thủ.
Nhưng cũng có không ít người nghĩ khác, đặc biệt là giới doanh nghiệp. Một cuộc thăm dò hồi tháng 9 cho thấy có tới gần 4/5 công ty Anh ủng hộ việc tiếp tục là thành viên EU. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy mới đây cũng cảnh báo nếu rời khỏi khối, nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới sẽ mất nhiều thương vụ béo bở, nhất là từ các thỏa thuận mậu dịch sắp tới giữa EU với Mỹ và Nhật Bản. Chưa hết, ông còn ví von rằng EU như chiếc loa giúp tiếng nói của Anh trên trường quốc tế được nghe rõ hơn.
Có lẽ do phải cân nhắc giữa cái được và mất khi rời EU đối với đất nước, và nhất là đối với đảng Bảo thủ, nên Thủ tướng Cameron, người hồi năm ngoái từng nói việc Anh rút khỏi mái nhà chung châu Âu là "không tưởng", mới phải "dùng dằng nửa ở nửa về" như vậy.
LÊ DÂN