08/12/2021 - 13:16

Đức lần đầu có nội các bình đẳng giới 

Lần đầu tiên sau 16 năm, nước Ðức sẽ có một chính phủ trung tả do nam giới lãnh đạo trong khi nội các lại có nhiều phụ nữ hơn bao giờ hết.

Ông Olaf Scholz (bìa trái) công bố các thành viên nội các.

Hôm 6-12, rào cản cuối cùng cho việc thành lập chính phủ liên minh 3 đảng tại Ðức đã được gỡ bỏ khi đảng Xanh thông báo kết quả bỏ phiếu cho thấy đa số thành viên đảng này ủng hộ thành lập chính phủ liên minh với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Dân chủ Tự do (FDP). Theo kế hoạch, Nghị viện Liên bang Ðức hôm nay 8-12 sẽ chính thức bỏ phiếu và phê chuẩn ông Olaf Scholz, lãnh đạo SPD, vào cương vị Thủ tướng mới cũng như thông qua lựa chọn nhân sự của các đảng cho các chức danh Bộ trưởng.

Trong số 16 vị trí nội các, tờ New York Times cho biết nữ giới chiếm phân nửa các đề cử. Ðáng chú ý là ghế Ngoại trưởng và Bộ trưởng Nội vụ Ðức sẽ lần đầu tiên do phụ nữ nắm giữ. Quốc gia Tây Âu cũng lần thứ 3 liên tiếp bổ nhiệm nữ Bộ trưởng Quốc phòng. Dự kiến nhậm chức trong tuần này, các “nữ tướng” trong chính quyền tiếp theo khẳng định họ đã sẵn sàng “ghi dấu ấn” trên cương vị mới.

Nhìn chung, tất cả đều thể hiện quan điểm thẳng thắn và thái độ cương quyết trong đường lối chính sách. Ðơn cử như tân Ngoại trưởng Annalena Baerbock, đồng Chủ tịch đảng Xanh từng tham gia cuộc đua kế vị Thủ tướng Angela Merkel trong đợt tổng tuyển cử vừa qua, dự định thi hành chính sách đối ngoại cứng rắn hơn trước các đối thủ chiến lược như Trung Quốc và Nga. Trong khi đó, được bổ nhiệm vào ghế Bộ trưởng Nội vụ, bà Nancy Faeser bày tỏ quyết tâm chống lại chủ nghĩa cực hữu cực đoan đang đe dọa nền dân chủ tự do nước nhà. Trên lĩnh vực quân sự, tân Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht cam kết cung cấp cho quân đội những nguồn lực cần thiết, đồng thời đảm bảo các sứ mệnh nước ngoài giai đoạn “hậu Afghanistan” sẽ đi kèm “chiến lược rút lui”.

Tiến bộ về giới

Tuy Ðức có nữ Thủ tướng đầy quyền lực Merkel, nhưng quốc gia này vẫn trì trệ nhất châu Âu trong vấn đề đảm bảo bình đẳng cho nữ giới. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khoảng cách lương giữa nữ và nam ở Ðức lớn hơn các nước châu Âu còn lại. Trung bình, lương của nữ thấp hơn 21,6% so với lương của đàn ông, con số này cao hơn rất nhiều mức trung bình 16% của OECD. Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ Ðức giữ vai trò lãnh đạo doanh nghiệp chỉ chiếm 4%, trong khi mức trung bình của các nước OECD đã là 10%. Sau năm 2008, người ta mới thấy phụ nữ Ðức có mặt nhiều hơn trong ban quản trị các công ty lớn.

Ngay cả lĩnh vực chính trị, nơi bà Merkel được coi như hình mẫu đối với nhiều người, thì số lượng nữ bộ trưởng và nhà lập pháp cũng chỉ chiếm khoảng 1/3. Trong một phát biểu, ông Olaf Scholz cho biết phụ nữ chiếm một nửa dân số và họ cũng nên nắm một nửa quyền lực. “Tôi rất tự hào khi chúng ta đã thành công hiện thực hóa điều này” - ông khẳng định.

Nhưng ở một khía cạnh khác, nhiều ý kiến cho rằng ảnh hưởng nhất định của Thủ tướng Merkel trong 16 năm cầm quyền đã buộc người kế nhiệm Scholz và chính phủ mới thúc đẩy cam kết bình đẳng giới.

Theo giới quan sát, hiếm có nhà lãnh đạo Đức nào lên nắm quyền trong bối cảnh quốc gia đối mặt với nhiều khủng hoảng như ông Scholz. Ngoài đại dịch COVID-19, chính trị gia 63 tuổi sẽ phải đối phó với căng thẳng ở biên giới Ba Lan - Belarus liên quan người di cư, nguy cơ từ việc Nga điều quân tiến gần Ukraine; xử lý mối quan hệ với một Trung Quốc mang tính đối đầu cao và đồng minh Mỹ mà Berlin ngày càng ít phụ thuộc.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết