23/02/2012 - 16:18

Đọc “Lắng nghe yêu thương”

Dù ở tuổi nào cũng phải biết cảm thông và tha thứ

Cha mẹ của mình là ai?- Câu hỏi của cô bé Marta toát lên nỗi đau của một đứa trẻ thiếu vắng tình yêu thương gia đình. Câu chuyện của đứa bé trong “Lắng nghe yêu thương”mở ra thế giới nội tâm của một đứa trẻ- nạn nhân lỗi lầm của cha mẹ.
Sách của Susanna Tamaro, Vũ Phương và Thanh Bình dịch, NXB Trẻ phát hành tháng 1 năm 2012.

“Lắng nghe yêu thương” mở đầu với nỗi buồn của cô bé Marta trước cái chết của cây óc chó đã gắn với thời thơ ấu của Marta. Marta là một cô bé người Ý gốc Do Thái luôn mang tâm trạng lạc lõng, cô đơn và hoài nghi về thân thế của mình.

Marta sống trong sự bảo bọc của người bà nhưng cô bé không cảm thấy hạnh phúc và yêu quý bà. Marta căm ghét, đối nghịch với bà vì cô bé cho rằng bà đã cố tình che giấu bí mật về cha mẹ của cô. Người bà đau buồn hóa điên, qua đời. Marta trở nên trơ trọi. Vô tình Marta mở chiếc vali cũ của bà, thấy được quyển nhật ký, một tập thư và những tấm ảnh kỷ niệm... Mọi bí mật về cuộc đời của Marta được hé mở.

“Lắng nghe yêu thương” làm rung động trái tim người đọc. Đan xen với những ký ức nhập nhòe thời thơ ấu của Marta, là niềm khao khát muốn tìm gặp người đã sinh ra cô. Chính vì Marta cứ mãi nghĩ đến việc tìm cha mẹ, nên đã vô tâm trước người bà luôn hết lòng chăm lo cho cô từ thuở nhỏ. Khi Marta biết được lý do bà che giấu thân phận của cô là vì bà muốn cô bé sống trọn vẹn, vui tươi, không bị tổn thương khi biết được mẹ Marta chết vì sống sa ngã, cha là người vô trách nhiệm...

Đến đây, câu chuyện tưởng chừng như khép lại khi Marta hiểu được nỗi khổ tâm và sự hy sinh của bà. Nhưng “Lắng nghe yêu thương” lại đưa chúng ta bước tiếp hành trình của Marta đi tìm cha ở đất nước Israel xa xôi.

Cuộc gặp gỡ giữa hai cha con Marta đặt ra giá trị của tình phụ tử, về trách nhiệm giữa những người ruột thịt với nhau. Gặp lại cha, Marta xúc động vì thấy cha già nua, cằn cỗi. Muốn gọi tiếng “cha”, nhưng vì mặc cảm bị cha bỏ rơi bị nên cô bé tỏ ra lạnh nhạt và gọi cha bằng “bác” xưng “cháu”. Marta phân vân trước quyết định: có nên tha thứ cho lỗi lầm cho cha?

Câu chuyện khép lại khi Marta trở lại quê nhà sau cái chết của cha. Marta đã trưởng thành hơn trong suy nghĩ, cô không còn mang tâm trạng tổn thương. Sự trải nghiệm mất mát đã làm Marta thấu hiểu hơn về giá trị của tình cảm gia đình, Marta nhận ra rằng: “... dù tốt hay xấu, mọi người đã dạy cho cháu nhiều điều; và bằng cách nào đó, những sai lầm của mọi người đã mang lại cho cháu một kho báu” (trang 213).

“Lắng nghe yêu thương” là một câu chuyện hay, tràn ngập tình cảm yêu thương. Gấp sách lại, người đọc cảm nhận rằng: Bản chất thật sự của trái tim chỉ được nhận ra khi đối diện với những điều không như ý muốn. Dù rằng cuộc sống có khi không trọn vẹn, nhưng hãy mạnh dạn tha thứ lỗi lầm cho người khác thì lòng sẽ nhẹ nhàng hơn...

Thảo Yên

Chia sẻ bài viết