05/06/2019 - 09:48

Du học sinh - mục tiêu mới trong thương chiến Mỹ-Trung 

Trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước hiện nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu nhắm đến những nhân vật ưu tú và sáng giá nhất của Trung Quốc ở xứ cờ hoa, soi kỹ các nhà nghiên cứu có quan hệ với Bắc Kinh cũng như hạn chế thị thực đối với sinh viên.

 Vợ chồng giáo sư Li. Ảnh: Sciencemag

Trong những tuần gần đây, nhiều du học sinh và học giả Trung Quốc chia sẻ với hãng tin Bloomberg rằng họ nhận thấy môi trường làm việc và học tập tại Mỹ ngày càng kém thân thiện. “Tôi lo sợ, thậm chí buồn bã bởi cuộc xung đột (thương mại) không cần thiết này. Những hạn chế đối với học giả và sinh viên Trung Quốc là không hợp lý, đi ngược lại giá trị cốt lõi vốn giúp Mỹ trở thành một quốc gia tuyệt vời”- Liu Yuanli, người sáng lập chương trình Sáng kiến Trung Quốc thuộc Đại học Y tế Công cộng Harvard, bộc bạch. Bộ Giáo dục Trung Quốc ngày 3-6 đã phải cảnh báo sinh viên nước này nên thận trọng khi có kế hoạch học tập tại Mỹ trong bối cảnh số lượng visa du học bị từ chối ngày càng tăng. Bộ này cũng chỉ trích cái gọi là cáo buộc vô căn cứ về “những hoạt động gián điệp phi truyền thống” mà Washington đưa ra với Bắc Kinh.

Những diễn biến trên tô đậm cách mà xung đột thương mại đang làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, từ phụ thuộc lẫn nhau đến hoài nghi chồng chất. Chủ nhân Nhà Trắng đã mở rộng các biện pháp hạn chế hàng hóa Trung Quốc trong khi Bắc Kinh lập ra danh sách những thực thể nước ngoài “không đáng tin cậy” kể từ sau cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên đổ vỡ hồi tháng rồi.

Suốt nhiều thập niên qua, giáo dục là một khía cạnh quan trọng trong hợp tác Mỹ- Trung. Trong đó, sinh viên Trung Quốc ồ ạt sang Mỹ vừa làm đầy túi tiền các trường đại học tại đây vừa giúp Bắc Kinh tiếp cận một số trung tâm nghiên cứu tốt nhất thế giới. Theo báo cáo của Viện Giáo dục Quốc tế, năm ngoái Mỹ đón hơn 360.000 sinh viên Trung Quốc, cao nhất trong số các nước có sinh viên theo học tại Mỹ. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng đã khựng lại do chiến tranh thương mại, năm 2018 số lượng sinh viên chỉ tăng 3,6%, bằng gần phân nửa của năm trước đó. Còn trong quý I-2019, tỷ lệ sinh viên có học bổng do Chính phủ Trung Quốc cấp bị từ chối thị thực vào Mỹ đã nhảy lên tới 13,5% (182 trường hợp), so với chỉ 3,2% của cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu sinh Trung Quốc tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), quá trình xin gia hạn thị thực hàng năm trước đây chỉ mất khoảng 3 tuần nhưng hiện nay kéo dài tới vài tháng. Các nghiên cứu sinh này cũng đang có xu hướng trở về nước sau khi tốt nghiệp vì lo ngại tình trạng kiểm soát chặt chẽ đối với học giả Trung Quốc sẽ tiếp diễn trong nhiều năm nữa. Việc sụt giảm số lượng sinh viên Trung Quốc có thể gây tổn thất lớn cho Mỹ. Năm 2017, sinh viên Trung Quốc từng đóng góp 14 tỉ USD cho kinh tế Mỹ.

Trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017, chính quyền ông Trump tuyên bố sẽ xem xét lại thủ tục cấp visa và cân nhắc đặt ra những hạn chế nhất định đối với các sinh viên khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) từ một số quốc nhằm đảm bảo tài sản trí tuệ không rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh. Tháng 6 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định sẽ giới hạn thị thực đối với các sinh viên Trung Quốc theo học ngành khoa học và kỹ thuật.

Một số trường đại học Mỹ cũng đã có những động thái hưởng ứng chính sách này. Đơn cử như Đại học Emory hồi giữa tháng rồi đã sa thải hai giáo sư người Mỹ gốc Hoa là Li Xiao-Jiang và Li Shihua.

THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết