Giới chuyên gia nhận định dù đã thoát được tình hình tồi tệ nhất khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm ngoái, khu vực Đông Nam Á hiện giờ đang chứng kiến số ca nhiễm và tử vong tăng cao chưa từng thấy, trong khi tỷ lệ tiêm phòng thấp và các biến thể lây lan nhanh của SARS-CoV-2 đang cản trở các nỗ lực kiểm soát dịch.

Đưa thức ăn vào khu vực phong tỏa ở Malaysia. Ảnh: Getty Images
Trong khi các nước như Anh, Đức và Pháp đang chuẩn bị dỡ bỏ các biện pháp hạn chế còn lại sau nhiều đợt dịch bùng phát, các nước ở Đông Nam Á phải siết chặt các biện pháp phòng dịch, hy vọng các lệnh phong tỏa có trọng tâm sẽ giúp phá vỡ chu kỳ gia tăng ca nhiễm từ tháng 5. Indonesia, nước đông dân nhất và bị tác động nhiều nhất, đã ghi nhận 38.391 ca nhiễm mới ngày 8-7, cao gấp 6 lần so với một tháng trước đó. Số ca tử vong theo ngày cũng tăng gấp đôi trong vòng một tuần kể từ đầu tháng 7. Các bệnh viện ở đảo đông dân nhất Java sắp quá tải, nguồn cung khí ôxy đang ngày càng cạn kiệt, 4 trong 5 địa điểm chôn cất người tử vong ở thủ đô Jakarta đã kín chỗ.
Malaysia và Thái Lan ngày 8-7 ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ trước tới nay. Nhà chức trách Thái Lan đã đề xuất hạn chế đi lại trong nước; một khu vực mới ở sân bay Bangkok đã được chuyển thành một bệnh viện dã chiến với khoảng 5.000 giường bệnh. Nước láng giềng Myanmar đã lần đầu tiên ghi nhận hơn 4.000 ca nhiễm mới ngày 8-7, trong khi Campuchia chứng kiến số ca nhiễm và tử vong cao nhất trong vòng 9 ngày qua.
Giới chuyên gia y tế cho biết tỷ lệ đi xét nghiệm thấp ở các nước đông dân như Indonesia và Philippines có thể là nguyên nhân không xác định được mức độ của các ổ dịch.
Chuyên gia dịch tễ học Dicky Budiman của Đại học Griffith (Úc) nhấn mạnh khu vực này đang phải ứng phó với biến thể Delta nguy hiểm, do đó cần tăng cường tiêm phòng để bảo vệ cộng đồng tốt hơn. Tỷ lệ tiêm phòng ở Đông Nam Á hiện vẫn thấp, với 5,4% trong số 270 triệu dân ở Indonesia được tiêm phòng đầy đủ. Tỷ lệ này ở Philippines là khoảng 2,7% và Thái Lan khoảng 4,7%. Malaysia đã tiêm phòng cho 9,3% trong số 32 triệu dân và đã phải áp đặt phong tỏa tăng cường tại thủ đô và vành đai công nghiệp. Indonesia và Thái lan đang cân nhắc tiêm liều bổ sung bằng các loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA, như vaccine của Moderna và Pfizer/BioNTech cho nhân viên y tế nhằm tăng cường miễn dịch cho nhóm này. Singapore hiện là “điểm sáng” hiếm hoi. Chính quyền nước này hy vọng nới lỏng biện pháp phòng dịch được áp dụng khi ghi nhận biến thể Delta lây lan và sẽ tiêm phòng cho một nửa dân số vào cuối tháng này.
Pfizer/BioNTech xin cấp phép cho tiêm mũi vaccine thứ ba
Ngày 8-7, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và hãng BioNTech (Đức) thông báo sẽ xin cấp phép cho tiêm mũi thứ ba loại vaccine phòng COVID-19 do 2 công ty này phối hợp sản xuất. Động thái này diễn ra sau khi dữ liệu ban đầu từ cuộc thử nghiệm cho thấy việc tiêm mũi thứ ba nâng cao mức kháng thể lên 5-10 lần chống lại chủng gốc ban đầu và biến thể Beta, so với khi chỉ tiêm hai mũi đầu tiên.
Pfizer/BioNTech đồng thời kỳ vọng mũi tiêm thứ ba cũng sẽ đạt hiệu quả tốt chống lại biến thể Delta. Bên cạnh đó, Pfizer/BioNTech đang phát triển một loại vaccine đặc hiệu chống biến thể Delta. Lô đầu tiên của vaccine chống biến thể Delta được sản xuất tại cơ sở của BioNTech ở Đức. Pfizer và BioNTech dự kiến các nghiên cứu lâm sàng sẽ bắt đầu vào tháng 8 tùy thuộc vào thời gian chấp thuận của cơ quan quản lý.
Theo Pfizer/BioNTech, dựa trên sự sụt giảm về hiệu quả của vaccine ghi nhận tại Israel sau 6 tháng, hai hãng dược này tin rằng có thể cần tiêm mũi thứ 3 trong vòng 6 đến 12 tháng sau khi tiêm chủng đầy đủ.
|
BÍCH LIÊN (TTXVN)