02/03/2021 - 06:19

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở ĐBSCL

Động lực nâng tầm kinh tế nông thôn
Bài 2: Giữ gìn bản sắc địa phương 

ĐBSCL vốn có nhiều làng nghề truyền thống và đặc sản nổi tiếng, giúp tạo sinh kế cho người dân miền Tây qua hàng trăm năm và nhiều làng nghề đã mai một theo thời gian. Chương trình OCOP đã thổi làn gió mới, tạo sức bật cho các sản phẩm nông sản, đặc sản làng nghề, từ đó nâng giá trị sản phẩm và cải thiện đời sống cư dân nông thôn, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.

Thắp “lửa” làng nghề

Bà Dương Thị Tuyết Nhan cùng anh Nguyễn Trung Thảo phấn khởi khi bánh tét Năm Nhan được công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn chất lượng 3 sao.

Bà Dương Thị Tuyết Nhan cùng anh Nguyễn Trung Thảo phấn khởi khi bánh tét Năm Nhan được công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn chất lượng 3 sao.

Bánh tét Trà Cuôn là một trong những món ăn đặc sản trứ danh của xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh được nhiều thực khách biết đến và ưa chuộng, bởi độ dẻo ngon của nếp, vị thơm đậm đà của thịt, trứng muối, kết hợp cùng hương vị, màu sắc đặc trưng của lá rau bồ ngót hoặc lá cẩm... Gắn bó với nghề làm bánh tét hơn 30 năm, bà Dương Thị Tuyết Nhan (tên thường gọi là Năm Nhan), ở ấp Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, chia sẻ: Muốn làm được đòn bánh tét ngon, người làm bánh phải am hiểu từng công đoạn. Đầu tiên là tìm lá chuối tươi, đem đi phơi nắng cho hơi sạm màu, lau sạch và xếp lại; tiếp theo chọn loại nếp có độ dẻo phù hợp và phải vo cho thật sạch; cùng đó, nguyên liệu làm nhân bánh tét cũng được tuyển chọn kỹ càng, từ thịt nạc, mỡ heo đến lòng đỏ trứng vịt muối và đậu xanh… phải đảm bảo tươi ngon và được tẩm ướp theo công thức riêng. Đến công đoạn gói bánh cũng được thực hiện tỉ mỉ, cẩn thận. Đặc biệt, để tạo nét riêng cho bánh tét xứ Trà Cuôn, người làm bánh sẽ không sử dụng phẩm màu, mà sử dụng nước lá rau bồ ngót hay lá cẩm được trồng tại vườn nhà để tạo sắc màu cho từng chiếc bánh. Nhờ áp dụng thuần thục các bí quyết gia truyền trong các khâu làm bánh, bánh tét của lò bánh Năm Nhan có thể sử dụng đến 7 ngày mà nếp vẫn giữ được độ dẻo, với hương vị thơm ngon mà không cần đến hóa chất bảo quản.

Với mong muốn phát triển nghề làm bánh tét truyền thống của gia đình, anh Nguyễn Trung Thảo, con rể bà Năm Nhan, không chỉ làm bánh tét theo đơn đặt hàng của khách, mà còn thuê mặt bằng tại quốc lộ 53 để bán bánh tét. Qua đó, anh đã tiếp nhận được nhiều ý kiến góp ý của khách hàng và bắt tay cùng mẹ vợ thực hiện điều chỉnh nhiều công đoạn từ khâu sơ chế cho đến ướp gia vị, gói bánh, nấu bánh… để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng. Nhờ vậy, bánh tét của bà Năm Nhan ngày càng có hương vị đậm đà hơn, với hình thức bắt mắt hơn, nên được nhiều người tiêu dùng ở các tỉnh miền Tây, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và bà con Việt kiều biết đến. Không chỉ vậy, hiện Bánh tét Năm Nhan đã thâm nhập vào hệ thống siêu thị TP Hồ Chí Minh và được công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn chất lượng 3 sao, nằm trong tốp 30 sản phẩm OCOP của tỉnh Trà Vinh. Có thành quả hôm nay cả gia đình bà Năm Nhan ai cũng vui mừng!

Anh Nguyễn Trung Thảo, cho biết: Để đáp ứng nhu cầu của các kênh phân phối hiện đại, lò bánh Năm Nhan đã đầu tư máy hút chân không để bảo quản bánh được lâu hơn; ước tính, lò bánh Năm Nhan cung cấp cho hệ thống siêu thị TP Hồ Chí Minh 200-300 đòn bánh/ngày và tăng lên 2.000 đòn/ngày vào thời điểm lễ, Tết. Hướng tới, lò bánh Năm Nhan sẽ xây dựng thêm khu vực dành riêng cho các khâu, từ sơ chế, gói bánh đến nấu bánh. Điều này, vừa đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của khách hàng, vừa giá tăng giá trị thương hiệu bánh tét Năm Nhan trên thị trường. 

Trước kia bánh tét chủ yếu được gói vào dịp đám giỗ ông bà hay Tết cổ truyền, nhưng do nhu cầu thị trường, người dân ở ấp Trà Cuôn gói bánh tét để đem đi bán ở các chợ, các nhà hàng, quán ăn… và dần dần phát triển thành làng nghề bánh tét Trà Cuôn. Hiện làng nghề này có gần 10 cơ sở làm bánh tét, mỗi cơ sở có 5-10 lao động, có thể gói từ 100-300 đòn bánh/ngày và tăng lên trên 1.000 đòn vào ngày lễ, Tết. Nhờ vậy, cuộc sống người dân trong làng nghề bánh tét Trà Cuôn đã được nâng chất, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Không để nghề truyền thống cha ông mai một, đặc sản bánh tết Trà Cuôn và còn nhiều rất nhiều sản vật ĐBSCL đã và đang được lớp con cháu lưu truyền, phát triển như vậy...

Tô thắm nét đẹp quê nhà

Chị Thạch Thị Chal Thi giới thiệu các sản phẩm chính làm mật hoa dừa của Sokfarm.

Chị Thạch Thị Chal Thi giới thiệu các sản phẩm chính làm mật hoa dừa của Sokfarm.

Thực hiện Chương trình OCOP theo chủ trương của Chính phủ, ngoài việc hỗ trợ người dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất kinh doanh, UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL còn tích cực triển khai nhiều hoạt động kết nối cung - cầu, hỗ trợ các hộ dân tại các làng nghề xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thị trường. Từ đó, không chỉ tạo hiệu ứng lan tỏa chương trình OCOP ra nhiều địa phương, mà còn tăng giá trị nông đặc sản, đưa các làng nghề phát triển đúng với định hướng giữ gìn bản sắc văn hóa, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt đã hình thành từ rất lâu và được công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 1998. Theo người dân làm nghề bánh tráng có thâm niên ở Thuận Hưng, không ai giàu lên nhờ tráng bánh tráng, nhưng không có ai bỏ nghề, bởi nhà nào cũng muốn giữ nghề của cha ông để lại. Tính đến nay, làng nghề có hơn 70 hộ sản xuất, tập trung chủ yếu ở khu vực Tân Phú, Tân Thạnh và Tân Lợi 3, phường Thuận Hưng, giải quyết việc làm cho 500 lao động tại địa phương, với thu nhập từ 150.000-250.000 đồng/người/ngày.

Bánh tráng Thuận Hưng chủ yếu được làm từ nguồn lúa gạo của xứ Thốt Nốt, với hương vị thơm ngon đặc trưng, nên trở thành món ăn đặc sản được ưa chuộng trong những ngày Tết lẫn ngày thường. Theo bà Hà Thị Sáu, thấy nghề làm bánh tráng khá đơn giản nhưng thật không dễ chút nào! Muốn có được chiếc bánh thơm ngon, không dai, không bở, lại để được lâu, người làm bánh phải chọn được loại gạo ngon để làm bột. Ngoài ra, phơi bánh cũng cần có nghệ thuật, người phơi phải canh nắng và gỡ bánh cho đúng lúc để bánh vẫn giữ được hình dáng nguyên vẹn, không cong vênh… Sau đó xếp lại thành chục, rồi dằn cho phẳng mặt, trước khi giao hàng cho khách. Nghề làm bánh tráng “ăn” nhau là thời điểm Tết, các hộ phải bắt đầu làm việc từ 12 giờ sáng, tất bật với từng công đoạn tráng bánh, gỡ bánh, phơi bánh… làm đến 15-16 giờ chiều mới nghỉ. Tuy mệt nhưng ai cũng phấn khởi vì làm đến đâu bánh tiêu thụ hết đến đấy. Ước tính vào vụ Tết, mỗi ngày làng bánh tráng Thuận Hưng cho ra lò hàng chục tấn bánh tráng phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân khắp các tỉnh ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và xuất sang Campuchia.

Ðể hỗ trợ cho làng nghề bánh tráng Thuận Hưng phát triển bền vững, các cấp chính quyền thành phố luôn quan tâm tạo thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ bà con xây dựng, quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến người tiêu dùng gần xa. Hiện làng nghề bánh tráng Thuận Hưng có 2 sản phẩm được công nhận OCOP hạng 3 sao, đó là bánh tráng ngọt của bà Hà Thị Sáu và bánh tráng dừa của bà Ðặng Thị Bích Tuyền ở khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng. Ðây chính là tiền đề đưa sản phẩm đặc sản làng nghề tiếp tục vươn xa, tiếp cận và thâm nhập các kênh phân phối hiện đại.

Tận dụng các nguồn lực tại chỗ để chế biến sản phẩm truyền thống có giá trị gia tăng cao và chinh phục thị trường là hướng đi được chị Thạch Thị Chal Thi, Chủ doanh nghiệp Trà Vinh Farm (Sokfarm) ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh triển khai thành công, góp phần tăng giá trị cây dừa, mở rộng quy mô vùng nguyên liệu từ 20ha lên 40ha, giúp người dân địa phương nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề trồng dừa lấy mật cha ông để lại. Không chỉ dừng lại đó, mật hoa dừa của Sokfarm đã được công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn chất lượng 3 sao và là doanh nghiệp đầu tiên ở vùng ĐBSCL chế biến mật hoa dừa hoàn toàn tự nhiên, góp phần giữ bản sắc địa phương.

Kể về cơ duyên ra đời của các dòng sản phẩm chế biến từ mật hoa dừa, Chal Thi nói: Nhận thấy tỉnh nhà có diện tích trồng dừa lớn, nhưng giá trị kinh tế mang lại cho người dân chưa cao. Trăn trở trước cảnh gia đình mình cũng như bà con trồng dừa luôn chịu cảnh “được mùa mất giá”, Chal Thi bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu, nhằm khai thác giá trị tăng thêm từ cây dừa. Gần 1 năm bắt tay vào nghiên cứu, Chal Thi đã cho ra đời các dòng sản mật hoa dừa được chiết xuất từ những bông dừa thơm, có nhiều khoáng chất và vitamin, giúp hỗ trợ chống lão hóa, cải thiện sức khỏe tim mạch, tốt cho sức khỏe người dùng. Hiện các sản phẩm mật hoa dừa Sokfarm được phân phối trên 20 tỉnh, thành trong nước và có mặt trên sàn thương mại điện tử Amazon, Alibaba…, giúp gia tăng thu nhập và tạo việc làm ổn định cho người lao động Khmer ở địa phương.

Có thể nói Chương trình OCOP phát triển và ngày càng được cộng đồng hưởng ứng, tạo động lực thúc đẩy các sản phẩm nông sản, đặc sản làng nghề phát triển mạnh mẽ, nâng tầm giá trị và tạo dựng thương hiệu trên thị trường; đồng thời, tạo sinh kế cho người dân miền Tây, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Bài cuối: Chắp cánh cho sản phẩm OCOP

Chia sẻ bài viết