Nằm trên tuyến lộ nông thôn ấp Thới Phong B, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, tiệm làm đẹp Thúy Hằng bài trí giản dị nhưng thu hút khá đông khách hàng. Nhiều người không chỉ chuộng tay nghề cô chủ trẻ Trương Thị Thúy Hằng mà còn quý mến tính hay lam hay làm, chăm lo phát triển kinh tế gia đình.
Chị Hằng vui vẻ phục vụ khách hàng đến tiệm làm đẹp.
Gần tháng nay, trong ấp có nhiều đám tiệc, chị Thúy Hằng phải khéo léo phân bổ, sắp xếp thời gian để vừa phục vụ chị em đến làm đẹp, vừa không trễ nải việc vườn tược, mua bán. Đon đả mời khách ngồi chờ, chị Thúy Hằng phục vụ chu đáo từng người, vui vẻ trò chuyện, thăm hỏi. Chị Thúy Hằng kể, hồi trước, thấy chị khéo tay, lại thích học nghề hơn học chữ, cha mẹ cho học nghề làm đẹp và làm thợ phụ một thời gian nên tay nghề cũng khá. Sau khi cất nhà ra riêng, chị Hằng mở tiệm làm đẹp gần năm nay, vừa phát huy tay nghề, khả năng giao tiếp, vừa thêm thu nhập chăm lo cho gia đình. “Tôi quan tâm tra cứu mạng xã hội, kết bạn và cập nhật xu hướng làm đẹp, đáp ứng thị hiếu khách hàng để có thể “trụ” được với nghề” - chị Thúy Hằng chia sẻ.
Quê xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, chị Hằng siêng năng phụ giúp việc ruộng đồng, tranh thủ học nghề làm đẹp, rồi lấy chồng - anh Trần Ngọc Đến, qua mai mối. Bản tính vốn hòa đồng, cần lao, chị Thúy Hằng là vợ hiền, dâu thảo và lần lượt sinh 3 người con kháu khỉnh. Ban ngày, anh Đến phụ cha việc ruộng đồng, nhận thêm làm mướn, ban đêm đặt dớn bắt cá. Chị Thúy Hằng vừa vén khéo chăm sóc gia đình, chia sẻ việc ruộng đồng. Nhà có 5 công ruộng, cha anh Đến mướn thêm 7 công, làm lúa 3 vụ/năm, tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2019, anh Đến bàn với cha cải tạo 2 công đất vườn, lên bờ trồng hơn 40 cây vú sữa Lò Rèn. Hai cha con lân la các nhà vườn trong và ngoài ấp học hỏi kinh nghiệm chăm bón vú sữa, nghiên cứu kỹ thuật ra trái nghịch mùa, bán có giá hơn. Chị Thúy Hằng cho biết, sau 3 năm canh tác, nhà chị thu hoạch 2 đợt trái vú sữa, bán từ 25.000-45.000 đồng/kg tùy thời giá thị trường. Năm 2021, vợ chồng chị Hằng tiếp tục xen canh trồng thử nghiệm 10 cây sầu riêng Ri6 đang phát triển xanh tốt và vài chục cây hạnh hái trái bán hằng tuần.
Cứ đến mùa nước nổi, mưa dầm là anh Đến đặt dớn “bội thu” với đủ loại cá, tôm, cua, lươn… tươi xanh, cho thu nhập khá. Chị Thúy Hằng nói: “Ngày nào vợ chồng tôi cũng chịu khó thức khuya dậy sớm đặt dớn bắt cá, tôm các loại, thu nhập bình quân từ 150.000-500.000 đồng”. Từ 2 giờ sáng, vợ chồng chị Thúy Hằng gỡ lưới, phân loại, làm sạch sẽ. Tầm 6 giờ, chị mang ra chợ thị trấn Thới Lai bán lẻ. Gian hàng chị Thúy Hằng thu hút khách nhờ thực phẩm tươi sống, giá phải chăng, được làm sẵn, sạch sẽ, khách chỉ cần mang về chế biến. Hơn 2 tháng nay, chị Hằng thử nghiệm nuôi 600 cá trê trong ao vườn, với nguồn thức ăn chủ yếu là các loại cá nhỏ đặt dớn. Hiện mỗi con cá trê tầm nửa ký, chị chuẩn bị bán cho bạn hàng và nuôi tiếp đợt cá khác.
Dù công việc vất vả, nhưng chị Hằng cần mẫn và lan tỏa sự lạc quan cho người thân trong gia đình. Chị Thúy Hẳng bộc bạch: “Hiện vợ chồng tôi còn trẻ, khỏe nên cố gắng lao động, tích lũy chăm lo con cái học hành để sau này có việc làm, gầy dựng tương lai. Đồng thời, răn dạy các con hiểu ý nghĩa lao động, trau dồi tính tự lập, không để “cái khó bó cái khôn””. Nhờ tính toán chi tiêu, vợ chồng chị Thúy Hằng cất được nhà tươm tất, mua sắm tiện nghi sinh hoạt, thực hiện kế hoạch mở tiệm làm đẹp và khuyến khích con trai lớn học nghề phù hợp sở thích.
Chị Trương Thị Hằng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thới Phong B, nói: “Vợ chồng cô Hằng sống chan hòa với bà con, chòm xóm, thuận thảo, chí thú làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, biết tính toán kế hoạch làm ăn nên ít gặp thất bại, rủi ro. Tuy vất vả nhưng vợ chồng cô Hằng luôn phấn khởi, lạc quan, chăm lo cuộc sống gia đình ấm no, khấm khá”.
Bài, ảnh: MAI THY