01/03/2008 - 10:44

Kỷ niệm 102 năm ngày sinh đồng chí Phạm Văn Đồng (1/3/1906- 1/3/2008)

Đồng chí Phạm Văn Đồng - Nhà cách mạng uyên bác và một nhân cách lớn

VÕ VĂN KIỆT  *

“Như một người anh lớn, anh chia sẻ với tôi những băn khoăn về tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Anh rất suy tư làm thế nào để đẩy người nghèo lên, không kéo người giàu xuống mà làm giảm được khoảng cách giàu nghèo...”.

Đó là những dòng mà nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt viết về nhà cách mạng tiền bối, cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, khi Người đi xa.

Hôm nay, đúng vào dịp kỷ niệm 102 năm ngày sinh đồng chí Phạm Văn Đồng (1/3/1906- 1/3/2008), trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh thực hiện “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Báo Cần Thơ trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Võ Văn Kiệt về đồng chí Phạm Văn Đồng, người học trò kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản mẫu mực, chân chính. Bài viết trích trong quyển: “Phạm Văn Đồng Trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế”- Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội- 2002.

Tôi tham gia cách mạng từ hồi Nam Kỳ khởi nghĩa nhưng tới Cách mạng Tháng Tám mới được biết Cụ Hồ chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc của Đảng. Cũng tới khi đó tôi mới biết tên tuổi của các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt... Theo dõi tình hình Hội nghị Phôngtennơblô, cùng với tình cảm hết mực thành kính đối với Bác Hồ, tôi còn rất ngưỡng mộ đồng chí Phạm Văn Đồng. Hồi đó, chỉ được nghe tin mà không thấy hình nên tôi tưởng tượng đồng chí Phạm Văn Đồng hẳn là một người có cái gì đó rất đặc biệt trong phong cách. Cuối năm 1950, ra chiến khu Việt Bắc dự Đại hội II, được gặp đồng chí Phạm Văn Đồng, tôi thấy đồng chí không hoàn toàn giống như mình vẫn hình dung. Tuy nhiên, tôi càng ấn tượng sâu sắc về phong thái và sức truyền cảm, lôi cuốn, thuyết phục trong những bài phát biểu, buổi nói chuyện của đồng chí. Tình cảm tin yêu, thán phục đồng chí Phạm Văn Đồng theo tôi - khi đó lối 40 tuổi - từ Thủ đô kháng chiến gió ngàn về lại chiến khu bưng biền Nam Bộ.

Thời kỳ ta đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Giơnevơ, tôi thường có sự so sánh với niềm tự hào đồng chí Phạm Văn Đồng của ta cũng “có cỡ” như các đồng chí Môlôtốp của Liên Xô, Chu Ân Lai của Trung Quốc. Khi đó, tôi chỉ là một người lính không đeo sao, công việc gần như chẳng liên quan gì tới đối ngoại, nhưng những hình ảnh về một nhà chính trị, nhà ngoại giao tầm quốc tế Phạm Văn Đồng đã in sâu trong tâm thức tôi. Sau ngày giải phóng miền Nam, tham gia quản lý điều hành, phải tiếp xúc bên trong, bên ngoài, những hình ảnh đó rất tự nhiên được khơi dậy trong tôi và mãi nhắc nhở tôi.

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, tôi tham gia tiếp quản Sài Gòn và được giao làm Chủ tịch thành phố sau khi Ủy ban Quân quản kết thúc nhiệm vụ. Sài Gòn sau giải phóng hết sức bề bộn và phức tạp. Việc quản lý một đô thị lớn như Sài Gòn lúc bấy giờ là hoàn toàn mới mẻ và rất nhiều bỡ ngỡ đối với những người từ “R” ra như chúng tôi. Đồng chí Phạm Văn Đồng, khi đó là Thủ tướng Chính phủ, mỗi lần gặp đều nhắc nhở cho tôi từng việc cần làm. Tôi không thể quên sự quan tâm ân cần của đồng chí. Được làm việc nhiều hơn với đồng chí Phạm Văn Đồng, tôi quen dần với kiểu xưng hô gọi Anh bằng Anh Tô, mặc dù tôi vẫn biết cái tên thân thương đó từ hồi còn ở chiến khu Việt Bắc. Thời kỳ thành phố phải chạy ăn từng bữa, Anh Tô hay đùa gọi tôi là “Chủ tịch gạo”, “Chủ tịch heo”...

Từ năm 1982, ra Hà Nội nhận công tác phụ trách kế hoạch, tôi càng có dịp tiếp xúc nhiều hơn với Anh Tô và càng rõ hơn sự hiểu biết vừa rộng vừa cao thâm của Anh trong nhiều lĩnh vực. Vấn đề dù to hay nhỏ khi đề cập tới là Anh nói rất lớp lang, thứ tự, không thừa, không thiếu. Những vấn đề rộng lớn được Anh khái quát lại để người nghe dễ nắm bắt và nhấn đúng cái tâm điểm cần chú ý. Những vấn đề cụ thể, gần như khô cứng, được Anh thổi cái hồn vào để người nghe thấu được ý nghĩa sâu xa của nó. Những sự việc, chi tiết rời rạc được Anh khâu nối lại thành một trình tự rất lôgíc và tự nhiên. Vấn đề rất phức tạp, còn nhiều thắc mắc, nhưng nghe Anh phân tích là thấy trở nên rõ ràng, tường tận căn gốc và qua đó có thể khẳng định được chính kiến của mình. Tôi hiểu rằng sở dĩ như vậy vì trong Anh là cả một kho kiến thức đồ sộ. Anh Tô có rất nhiều điều để tôi cảm phục nhưng có lẽ điều làm tôi cảm phục nhất, cảm phục tới mức kính ngưỡng chính là sự uyên bác của Anh. Ngay khi viết lên những dòng này, tôi nhớ về Anh như một học sĩ - một học sĩ đã hóa thân vào một trong những đồng chí lãnh đạo quan trọng nhất của Đảng ta, của cách mạng và của cả đất nước Việt Nam.

Nói như vậy không có nghĩa Anh Tô chỉ là một nhà lãnh đạo uyên bác, một nhà văn hóa. Đối với tôi cũng như với bao đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế, Anh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Sự cao đẹp nơi Anh không chỉ là tác phong giản dị mà lịch thiệp, lối sống đạm bạc mà văn hóa của một yếu nhân của một đất nước gần trăm triệu người, nhất là một yếu nhân có hiểu biết và nổi danh ở tầm thế giới như Anh. Ở Anh Tô còn cả sự nghiêm túc, rất mực tận tụy trong công việc cách mạng và sự quan tâm ân cần tới đồng sự mà chỉ những đồng chí có dịp được cộng tác cùng Anh mới thấy tường tận. Điều thú vị là sự tận tuỵ, hết lòng ở Anh được biến thành một sự bình dị, bình dị tới đỗi hiển nhiên: Anh Tô là như vậy.

Sự nghiêm túc trong công việc, tính nguyên tắc tổ chức của Anh Tô cũng được thể hiện một cách rất văn hóa, nhẹ nhàng mà nếu chỉ thoáng qua thì khó thấy được hết. Chưa một lần chứng kiến Anh lớn tiếng với ai, nhưng tôi cảm nhận được đằng sau những lời lẽ ôn tồn, nhỏ nhẹ của Anh, nhiều khi là cả sự nhận xét, phê phán rất nghiêm khắc. Khi còn ở thành phố Hồ Chí Minh, khi làm “phó” cho Anh và cả khi nhận trách nhiệm làm Thủ tướng Chính phủ, trước những quyết định quan trọng, tôi thường tới xin ý kiến của Anh Tô. Tuy không thường tỏ ra vồ vập trước những đề xuất mang tính đột phá mạnh bạo, nhưng Anh Tô luôn ủng hộ, khuyến khích những ý tưởng đổi mới. Sự ủng hộ của Anh ngay đối với những vấn đề nóng bỏng cũng rất mực ôn hòa và làm người nghe thấy dường như được Anh thuyết phục cần có sự kiên nhẫn cần thiết để chuẩn bị mọi mặt và nếu còn quá sớm thì biết chờ đợi thời điểm thích hợp.

Đồng chí Phạm Văn Đồng thăm bộ đội Hải quân. Ảnh: TƯ LIỆU

Bên trong con người hết mức bình dị Phạm Văn Đồng ấy là cả một nghị lực phi thường. Nghị lực không chỉ ở chỗ Anh đã dẻo dai, kiên định góp sức chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam qua bao thác ghềnh trên cương vị người đứng đầu Chính phủ và sau này là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Gần Anh, mỗi người đều thấy được Anh truyền vào mình sự lạc quan, phấn chấn và niềm tin, nhưng ít ai để ý hoặc biết rằng gia cảnh của Anh rất éo le. Từ khi còn ở chiến khu Việt Bắc, ngay sau khi sanh cháu đầu lòng, chị Tô đã mắc bệnh và sau những vất vả căng thẳng của công việc, Anh Tô không có được sự săn sóc, chăm chút của người bạn đời.

Nói tới nghị lực, nhất là nghị lực của những vĩ nhân, người ta thường nói tới những gì to tát, nhưng nếu ai đã từng trải với cái điều tưởng chừng rất mực đời thường ấy mới cảm nhận hết được nghị lực của Anh. Riêng tôi, tôi còn được thấy nghị lực của Anh Tô qua sự tự xác lập cho mình một kỷ cương trong sinh hoạt và tự xiết mình vào kỷ cương đó như một nếp sống tự nhiên. Cho dù công việc bề bộn, căng thẳng đến mấy, Anh vẫn duy trì nền nếp “giờ nào việc ấy”. Tôi nhớ có buổi chiều họp Bộ Chính trị, tới giờ Anh xin phép để giữ đúng lịch làm việc. Những lần được Anh gọi tới hoặc tôi xin gặp, các đồng chí giúp việc Anh thường “nhắc nhỏ” tôi là chỉ làm việc tới giờ đó thôi, để Anh Tô làm việc khác. Có lẽ “kỷ luật” đó góp phần làm Anh vẫn rất khỏe và đặc biệt minh mẫn ngay khi đã ngoài 90 tuổi. Sự minh mẫn ở tuổi của Anh thật đáng kinh ngạc. Dù đã cả chục năm không còn đọc được mà Anh vẫn am tường công việc, hệ thống được mọi vấn đề và còn viết báo, viết sách. Cụ thể có người cho rang việc duy trì một nếp sống điều độ như vậy cũng bình thường, nhưng nếu ai đã thử làm thì sẽ thấy sự thực không đơn giản như vậy. Tôi cũng cố gắng học Anh Tô trong duy trì một nếp sinh hoạt, kể cả chơi thể thao, nhưng cái “kỷ luật” của tôi so với của Anh Tô thật chưa thấm tháp gì.

Trong số những học trò ưu tú của Bác Hồ, tôi có may mắn được làm việc với anh Nguyễn Chí Thanh, anh Ba - Lê Duẩn, anh Sáu - Lê Đức Thọ từ hồi kháng chiến và sau này thêm với anh Trường Chinh, Anh Tô - Phạm Văn Đồng, anh Võ Nguyên Giáp. Mỗi anh đều có cá tính riêng. Năm trước, ở bài viết trong cuốn sách kỷ niệm về anh Sáu Thọ, tôi có nhắc tới biệt danh “Sáu Búa” thể hiện tính quyết đoán cao và sự thẳng thắn trong đấu tranh nội bộ của anh Sáu. Với Anh Tô, tôi thấy dường như Anh là sự bù trừ cho anh Sáu và một số anh khác. Tôi tự hỏi phải chăng mỗi học trò tâm đắc nhất của Bác Hồ đều có những tính cách riêng đặc biệt và tất cả bổ trợ cho nhau, tạo thành một khối hài hòa, một tập thể tầm cao đầy bản lĩnh của Đảng ta.

Trước khi Anh Tô ra đi mấy tháng, tôi có tới thăm Anh tại nhà, được trao đổi ý kiến với Anh khá kỹ về nhiều công việc quan trọng. Nhớ lại buổi làm việc ấy và mấy lần trước đó, tôi hiểu Anh còn nhiều điều tâm huyết và cả những trăn trở. Anh Tô nói với tôi nhiều về tương lai, vị thế của nước ta trong một thế giới mới khi thiên niên kỷ thứ ba tới gần. Gắn liền với điều đó là yêu cầu rất cao đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo mà trước hết là lãnh đạo cao cấp. Như một người anh lớn, Anh chia sẻ với tôi những băn khoăn về tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Anh rất suy tư làm thế nào để đẩy người nghèo lên, không kéo người giàu xuống mà làm giảm được khoảng cách giàu nghèo. Anh đặc biệt say sưa khi nói về sự nghiệp trồng người. Tôi không ngờ đó là lần cuối được trao đổi công việc với Anh và Anh đã ra đi cùng những tâm sự ấy.

Anh Tô đã vĩnh biệt ra đi. Chúng ta hãy cùng nhớ về Anh, về những kỷ niệm và cả những day dứt trong Anh với tất cả sự thành kính, mến mộ và lời hứa tiếp bước Anh - người học trò xuất sắc của Bác Hồ kính yêu.

-----------------

* Nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ bài viết