29/03/2011 - 07:52

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII

Đổi mới mạnh mẽ quy trình lập pháp, tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội

Sáng 28-3, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về Báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011). Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn điều khiển phiên họp.

Nhằm góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các đại biểu đã tập trung thảo luận về chất lượng, những đổi mới, cải tiến trong quy trình lập pháp và hạn chế trong xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa và từng năm. Nhiều đại biểu quan tâm tới vấn đề hiệu lực, hiệu quả và hạn chế của hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn; sự phối hợp của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong hoạt động giám sát; việc xem xét, giải quyết các kiến nghị sau giám sát. Chất lượng và hạn chế trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, công tác tổ chức, nhân sự, các công trình quan trọng quốc gia... cũng là nội dung được nhiều đại biểu đề cập. Các đại biểu cũng đã phân tích những đổi mới về tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội; tổ chức, xây dựng, củng cố bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội; mối quan hệ giữa Quốc hội với Chính phủ, MTTQ Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện KSND tối cao và các cơ quan hữu quan khác...

Đánh giá cao kết quả hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XII, các đại biểu nhất trí Quốc hội đã đổi mới toàn diện và mạnh mẽ cả về tổ chức và phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước. Nhìn tổng thể, kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ khóa XII là Quốc hội đã hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực và hiệu quả, có nhiều đổi mới trong tư duy và thực tiễn hành động. Các kỳ họp của Quốc hội đã thực sự trở thành sự kiện chính trị thu hút và những phiên thảo luận sôi nổi, tâm huyết tại hội trường đã để lại ấn tượng tốt đẹp và sự tin tưởng, ủng hộ của cử tri và nhân dân cả nước. Các đại biểu bày tỏ vui mừng khi Quốc hội đang ngày càng thật sự gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, trân trọng lắng nghe, nắm bắt kịp thời, phản ánh đầy đủ ý chí, tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của nhân dân.

Nhiều đại biểu cho rằng, sự phát triển của Quốc hội là một quá trình liên tục kế thừa và không ngừng đổi mới. Chất lượng và hiệu quả thực hiện các chức năng của Quốc hội phụ thuộc phần lớn vào hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu Quốc hội chuyên trách. Đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐDT, các Ủy ban; tăng cường chất lượng đại biểu Quốc hội có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Muốn vậy, cần có cơ chế, điều kiện để nhân dân lựa chọn được những người tiêu biểu vào Quốc hội; quy định cụ thể, rõ ràng hơn nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Quốc hội; tăng cường quan hệ phối hợp công tác...

Theo đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), một vấn đề quan trọng là thúc đẩy môi trường, điều kiện, cơ chế để Quốc hội hoạt động hiệu quả, đúng như mong muốn của cử tri và nhân dân. Trong hoạt động giám sát, cần quan tâm tới quyền được giám sát của người dân đối với những quyết định của các đại biểu Quốc hội - những người đã được họ lựa chọn và tin cậy trước những vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc sống. Đại biểu cho rằng, cần tạo mối quan hệ khăng khít hơn giữa đại biểu Quốc hội với các địa phương; coi trọng tính chuyên nghiệp của đại biểu, tính kế thừa trong mỗi nhiệm kỳ.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cũng cho rằng, việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa được như mong muốn; xem xét giải quyết kiến nghị của cử tri sau giám sát chưa cao, chưa nghiêm túc, đến nơi đến chốn. Theo đại biểu, một trong những khó khăn trong việc tham gia xây dựng luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước là tiếp cận những thông tin liên quan, hiện chủ yếu qua cơ quan trình và cơ quan thẩm tra. Đại biểu đề nghị Quốc hội quan tâm giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng lãng phí; tăng cường tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm để các đại biểu có thêm thông tin, rèn kỹ năng.

Đại biểu Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) nhận xét, chất lượng nhiều dự thảo chưa tốt, chuẩn bị chưa kỹ càng; chưa thấy sự tham gia của các nhà khoa học để tạo kênh thông tin cần thiết cho các đại biểu; theo dõi giải quyết kiến nghị của cử tri còn hạn chế. Tuy vậy, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cho rằng, muốn nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, mỗi đại biểu Quốc hội cần tự vấn, mình đã làm được gì, chưa làm được gì cho công việc chung?

THANH HÒA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết