16/09/2022 - 22:08

Đói kém tăng mạnh ở 10 điểm nóng biến đổi khí hậu 

HẠNH NGUYÊN (Theo Guardian)

Theo nghiên cứu công bố ngày 15-9, nhiều khu vực trên thế giới bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết cực đoan đang phải chịu tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.

Đứa bé suy dinh dưỡng cùng mẹ đi lánh nạn do hạn hán kỷ lục tại Somalia. Ảnh: AP

Qua phân tích 10 điểm nóng tồi tệ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, tổ chức từ thiện Oxfam phát hiện tỷ lệ cực kỳ đói kém đã tăng hơn gấp đôi trong 6 năm qua. Tại đây hiện có 48 triệu người chịu cảnh đói, tăng mạnh so với khoảng 21 triệu người năm 2016. Trong số này, 18 triệu người đang bên bờ vực chết đói. 10 điểm nóng, gồm Somalia, Haiti, Djibouti, Kenya, Niger, Afghanistan, Guatemala, Madagascar, Burkina Faso và Zimbabwe, đều là những nước được Liên Hiệp Quốc (LHQ) kêu gọi cứu trợ nhân đạo nhiều nhất do thời tiết khắc nghiệt.

Phần lớn trong 10 quốc gia trên đều bị tàn phá nặng nề bởi hạn hán, với nhiều nước nằm ở châu Phi. Ðơn cử như Somalia đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử nước này, đến mức 1 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa, trong khi Kenya chứng kiến 2,5 triệu gia súc chết và 2,4 triệu người đang đói. Sản lượng ngũ cốc ở Niger đã giảm 40% do thời tiết cực đoan, đẩy 2,6 triệu người vào cảnh đói trầm trọng. Còn ở Burkina Faso, hiện tượng hoang mạc hóa đất trồng trọt và đồng cỏ đã khiến hơn 3,4 triệu người đối mặt tình cảnh cực kỳ đói kém. Thời tiết xấu tại Guatemala thì thổi bay 80% sản lượng bắp cũng như gây ra “cuộc khủng hoảng cà phê” trong khu vực, ảnh hưởng tới những cộng đồng dễ tổn thương nhất và buộc nhiều người di cư tới Mỹ.

“Biến đổi khí hậu không còn là quả bom hẹn giờ nữa mà nó đang phát nổ trước mắt chúng ta. Biến đổi khí hậu đang khiến thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, bão lụt xuất hiện thường xuyên và gây chết chóc nhiều hơn. Các dạng thời tiết này đã tăng gấp 5 lần trong 50 năm qua”, Gabriela Bucher, Giám đốc điều hành Oxfam, cảnh báo.

Oxfam nhấn mạnh nạn đói do biến đổi khí hậu là “minh chứng rõ nét về tình trạng bất bình đẳng trên toàn cầu”, trong đó những nước chịu trách nhiệm ít nhất cho cuộc khủng hoảng khí hậu đang gánh lấy phần lớn tác động của tình trạng này. Các nước công nghiệp gây ô nhiễm, chẳng hạn như những cái tên trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), là thủ phạm của hơn ¾ lượng khí thải carbon trên thế giới, trong khi 10 điểm nóng khí hậu chỉ chiếm tổng cộng 0,13% lượng khí này.

Do vậy, bà Bucher đề nghị lãnh đạo các nước giàu phải thực hiện cam kết cắt giảm khí thải, chi tiền cho các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và tổn thất ở những quốc gia thu nhập thấp. Mặt khác, lãnh đạo Oxfam cũng kêu gọi xóa nợ cho các nước nghèo nhất.

Tổ chức phi chính phủ Global Citizen ngày 15-9 đã kêu gọi các lãnh đạo thế giới chung tay đóng góp 33 tỉ USD để giảm thiểu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay. Có 50 triệu người đang bên bờ vực chết đói tại 45 quốc gia và hơn 800 triệu người thiếu lương thực nghiêm trọng.

Chia sẻ bài viết