28/07/2010 - 09:02

KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY THÀNH LẬP LỰC LƯỢNG VŨ TRANG TP CẦN THƠ

Đội biệt động anh hùng...

Được tôi luyện trong gian khổ, thử thách và trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, Đội Biệt động vũ trang thành phố Cần Thơ đã hình thành lối đánh “xuất quỷ nhập thần”, thông minh, cực kỳ táo bạo, dũng cảm và linh hoạt, sáng tạo trước kẻ thù. Đội đã lập nên nhiều chiến công vang dội khiến quân thù hoang mang, khiếp sợ..., góp phần hạn chế nhiều cuộc hành quân bình định, càng quét đẫm máu của chúng đối với nhân dân trên khắp các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ...

Theo các cán bộ lão thành cách mạng, tiền thân của Đội Biệt động vũ trang thành phố Cần Thơ (gọi tắt là Đội Biệt động) là đội Sát Gian Đảng, Xung Phong Đội, Vệ Thám Phòng, Tình báo Đội, Tình báo Xung phong và Biệt Động Đội trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; đến năm 1960, đơn vị mới chính thức được mang tên là Đội Biệt động vũ trang thành phố Cần Thơ. Ban đầu, hoạt động của các đội tiền thân của Đội Biệt động được thực hiện trên khắp các địa bàn của tỉnh Cần Thơ (cũ), về sau, Đội hoạt động chủ yếu là địa bàn nội ô thị xã Cần Thơ với nhiệm vụ chủ yếu là tập trung đánh vào các cơ quan đầu não của địch như: Cư xá, khu vực đóng quân, sân bay, kho tàng của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và Bộ tư lệnh Vùng IV chiến thuật Mỹ - ngụy, đồng thời cùng với lực lượng quần chúng nhân dân tổ chức xây dựng cơ sở nội tuyến, bảo vệ các cơ sở và cán bộ nòng cốt của Đảng ở địa phương để chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng.

Kiên cường đánh Pháp

Trong 9 năm chống thực dân Pháp, các đội tiền thân của Đội Biệt động đã tham gia 185 trận, diệt và làm bị thương 1.894 tên, thu 163 súng các loại, phá hủy và làm hư hại 18 xe quân sự, 2 cầu, 14 kho vũ khí, xăng dầu của địch. Trong đó, có nhiều trận đánh gây được tiếng vang lớn, như: Tháng 7-1946, Đội do đồng chí Hoàng Hà và đồng chí Tống Hoàng chỉ huy dùng lựu đạn ném vào Nhà hàng Bar Dancing La Gaité, diệt và làm bị thương trên 20 sĩ quan Pháp. Tháng 5-1947, đồng chí Hoàng Thám tiếp tục ném lựu đạn ở chợ Hàng Dừa (nay là nhà lồng chợ Cần Thơ) để diệt một nhóm lính Pháp, nhưng địch phát hiện, vây bắt đồng chí. Đồng chí Hoàng Thám liền rút chốt lựu đạn đang giữ trong người, diệt 2 tên, làm 4 tên khác bị thương và đồng chí Thám đã anh dũng hy sinh. Tiếp đến, vào tháng 6 - 1947 đồng chí Hoàng Thanh liên tiếp ném lựu đạn vào Phòng văn hóa thông tin của địch. Tháng 12-1947, đồng chí Hoàng Thanh cùng anh em trong Đội Biệt Động tổ chức tập kích (bằng lựu đạn) một nhóm lính tại Chợ Cao Đài, diệt nhiều tên sĩ quan và binh lính Pháp. Trong trận này, đồng chí Hoàng Thanh đã anh dũng hy sinh. Ngày 18-2-1951, đồng chí Huỳnh Văn Ngọc tổ chức bắn chết tên Henry Gibbs, Cảnh sát Trưởng Cần Thơ trước cửa Dinh Xã Tây (nay là Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều ). Trong trận này, đồng chí Huỳnh Văn Ngọc bị địch bắn trọng thương. Chúng đưa đồng chí về nhà thương lớn để điều trị, hòng khai thác. Trước sự tra hỏi của kẻ thù, đồng chí mắng chửi, vạch mặt quân thù rồi tự mở băng, kéo ruột mình ra, anh dũng hy sinh...

Anh dũng diệt Mỹ - ngụy

Các cán bộ, chiến sĩ Đội Biệt động TP Cần Thơ họp mặt tại khu căn cứ Vườn Mận, năm 2002. Ảnh: H.V 

Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 -1960), Đội biệt động được Thành ủy chỉ đạo xây dựng và phát triển lực lượng, cùng với nhân dân đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị. Mặc dù bị địch kềm kẹp đánh phá ác liệt, Đội biệt động vẫn kiên cường bám dân, bám đất xây dựng các căn cứ vững chắc trong lòng dân, dựa vào dân mà chiến đấu, cùng nhân dân đấu tranh chống địch đòi dân sinh, dân chủ, chống khủng bố thảm sát, chống chế độ độc tài phát xít của Ngô Đình Diệm, đòi Mỹ cút khỏi miền Nam... Năm 1961, phong trào “Tìm Mỹ để diệt” ở nội ô TP Cần Thơ không ngừng dâng cao, Đội Biệt động đã kề vai sát cánh cùng với lực lượng cách mạng ở địa phương liên tục chủ động tấn công địch. Từ trận đánh “mở màn” của người thiếu niên Trần Hoàng Na dùng lựu đạn diệt 4 tên cố vấn Mỹ tại căn lầu Vĩnh Phước Thành, đơn vị đã tổ chức hàng loạt trận đánh tiêu diệt kẻ thù, như: Tiêu diệt đồn Cái Da, Cây Me và tổ chức cướp súng địch ở Vàm Cái Sơn, diệt hàng chục tên địch, bắn rơi 1 máy bay vận tải ở ngọn rạch Đầu Sấu thuộc xã An Bình, giải tán 2 Tề ấp xã Long Tuyền (năm 1961). Trận chặn đánh, phá hủy 6 xe GMC của địch đang trên đường vận chuyển vật liệu xây dựng đến sân bay Trà Nóc, diệt và làm bị thương 10 tên (1962). Trận đánh mìn hẹn giờ gần Cầu Đôi - Cái Khế, đánh vào Ty Chiêu hồi Phong Dinh. Trận đánh vào Phi trường 31 và kết hợp với dân quân xã An Bình đánh và đốt cháy 300.000 lít xăng dầu ở kho xăng ESSO - Cái Răng (năm 1964)... Giai đoạn 1966-1968, là thời kỳ Đội biệt động vũ trang Cần Thơ phát triển mạnh nhất. Đơn vị đã tham gia 205 trận, diệt và làm bị thương 2.082 tên, thu 190 súng, phá hủy và làm hư hại 228 xe quân sự, 382 máy bay, 8 cầu, 29 kho vũ khí và xăng dầu; cùng với quần chúng nhân dân tham gia 149 cuộc biểu tình đấu tranh trong nội ô thành phố. Bà Thiều Ngọc Diệp (Hai Thu), chiến sĩ Đội biệt động trong giai đoạn này, nhớ lại: “Mặc dù tình hình tác chiến trong lòng địch cực kỳ khó khăn, nguy hiểm, nhưng Đội Biệt động vũ trang TP Cần Thơ luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao, đánh nhiều trận đánh lớn tiêu hao sinh lực địch”. Trong các trận đánh của Đội Biệt động mà bà Hai Thu đã trực tiếp tham gia, bà nhớ nhất là trận Tổng Tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Bà kể: “Trong trận đánh đó, tôi cùng một số cán bộ hợp pháp được phân vận chuyển vũ khí, bố trí lực lượng và trực tiếp hướng dẫn Đội Biệt động đánh vào Sở Chỉ huy vùng 4 chiến thuật. Đây cũng là cánh quân đầu tiên nổ súng để mở màn cho đợt tấn công của ta vào sào huyệt của địch trong nội ô thành phố. Sau gần 2 giờ bị tê liệt, địch phản kích dữ dội, lực lượng ta rút về đến Nhà nghỉ Nam Phương (đoạn gần cầu Hưng Lợi hiện nay) thì đơn vị bị bao vây. Dù không cân sức, nhưng các chiến sĩ vẫn dũng cảm bám trụ chiến đấu. Nhiều đồng chí khi đã bắn tới viên đạn sau cùng còn dùng tay không đánh nhau với địch”. Mặc dù không đạt được kết quả như mong đợi, nhưng những thành quả của Đội Biệt động đã góp phần vào thành tựu chung của cả lực lượng vũ trang TP Cần Thơ, quân và dân miền Nam, làm thất bại chiến tranh cục bộ của Mỹ...

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, lực lượng Biệt động Cần Thơ bị tổn thất nặng nề. Mặc dù vậy, các chiến sĩ biệt động thành vẫn kiên cường bám trụ, giữ vững địa bàn, bám đất, bám dân, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, ý chí cách mạng, dựa vào nhân dân để vừa củng cố, vừa xây dựng lực lượng, vừa tổ chức đánh trả, giáng vào kẻ địch nhiều đòn sấm sét hơn, dũng mãnh hơn để trả thù cho các đồng đội đã ngã xuống hy sinh. Chú Dương Văn Diễn, Đại đội trưởng Đại đội 823 (phiên hiệu của Đội Biệt động vũ trang TP Cần Thơ khi đó), kể: “Sinh hoạt của chiến sĩ đơn vị biệt động khi ấy là “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, phương án chiến đấu là đánh nhanh, thắng nhanh, không để kẻ địch nhận biết được đơn vị nào tổ chức đánh. Với cách thức này, đơn vị đã tham gia 248 trận đánh lớn nhỏ, diệt và làm bị thương 12.683 tên, thu 205 súng, phá hủy và làm hư hại 277 xe quân sự, 517 máy bay, 34 kho xăng dầu; cùng với nhân dân biểu tình 253 cuộc đấu tranh. Tiêu biểu là trận phòng ngự 6 ngày đêm giữ vững căn cứ lõm Vườn Mận năm 1970. Trận đánh vào Câu lạc bộ sĩ quan Mỹ ở đường Quang Trung làm chết và bị thương 86 tên Mỹ-ngụy vào năm 1971. Chỉ trong một đêm 27/1/1973, Đội Biệt động cùng bộ đội địa phương đã tổ chức đánh chiếm 6 đồn bót địch ở khu vực ven đô. Ta diệt và làm bị thương trên 296 tên địch, thu hàng trăm súng, đánh chiếm đến đâu lực lượng ta cắm băng cờ, khẩu hiệu đến đó, phát động quần chúng đấu tranh và nói lên ý nghĩa ngày ký kết hiệp định Paris. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị Biệt động vũ trang TP Cần Thơ đã dẫn đường, cùng với LLVT nhân dân giải phóng Cần Thơ, góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.

Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu

Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Võ Tấn Dũng, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ, cho biết: Để có những chiến thắng, chiến công vang dội ấy, Đội Biệt động Cần Thơ đã được nhân dân các xã vùng ven và nội ô hết lòng đùm bọc, cưu mang, cất giấu vũ khí, làm hầm bí mật nuôi chứa cán bộ, chiến sĩ biệt động ngay trong lòng địch. Nhiều gia đình mang hết của cải trong nhà cung cấp cho chiến sĩ ta đảm bảo đánh giặc, vào ra căn cứ an toàn”. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Đội Biệt động không thể nào quên công ơn của gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Tạ Thị Phi (má Hai Tiểu), một gia đình hết lòng nuôi chứa cách mạng trong chiến tranh. Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, khu vườn mận của gia đình má được chọn xây dựng Căn cứ chỉ huy, là nơi chuyển tải, chữa trị thương binh. Sau cuộc Tổng Tấn công, phát hiện địch tổ chức càn quét vào căn cứ, má đã hô to báo động, chấp nhận hy sinh để bảo vệ các đồng chí lãnh đạo căn cứ an toàn. Chồng và con của má cũng anh dũng hy sinh trong chiến đấu. Ở phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng có má Võ Thị Hai (Hai Sủng), nhà ở cặp mé sông Cần Thơ, giữa 2 bót địch, phía dưới sông tàu thường xuyên tuần tra. Bất cứ lúc nào địch cũng có thể phát hiện, giết cả gia đình, nhưng má và các con vẫn đào hầm nuôi chứa chỉ huy Thành đội và Đội Biệt động... Nhiều gia đình còn hiến hết tài sản để lực lượng cách mạng sử dụng làm phương tiện chiến đấu, hiến dâng cho quê hương, đất nước những người con ưu tú nhất của gia đình...

Sau giải phóng, đơn vị được sáp nhập vào đơn vị địa phương quân của quận I, Thành đội Cần Thơ, nay là LLVT nhân dân quận Ninh Kiều - Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ. Trong suốt hai cuộc kháng chiến đã qua, Đội Biệt động vũ trang TP Cần Thơ đã tham gia đánh 625 trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương 8.481 tên địch, có 192 tên Mỹ; thu 546 súng các loại, hủy và làm thiệt hại trên 157 xe quân sự, 97 máy bay, đánh sập 13 cầu, bắn cháy và phá hủy 76 lượt kho vũ khí-xăng dầu và hàng ngàn phương tiện chiến tranh của địch; phá hủy hàng chục ngàn tấn bom đạn. Ngoài ra, Đội Biệt động vũ trang thành phố còn hỗ trợ cho phong trào quần chúng nhân dân xây dựng trên 650 cơ sở và 712 hầm bí mật, 520 hầm chứa vũ khí trong nội và ngoài ô vùng ven thị xã Cần Thơ... Nhiều cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã anh dũng hy sinh, trong đó, có các đồng chí: Trần Hoàng Na, Nguyễn Việt Dũng, Nguyễn Việt Hồng, Trần Vĩnh Kiết, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Ngọc Trai được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Với những thành tích trong chiến đấu, năm 2009, đơn vị vinh dự được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân...

Chiến trang đã lùi xa, Đội Biệt động vũ trang Cần Thơ đã hoàn thành sứ mạng thiêng liêng, nhưng những chiến công hiển hách, những hy sinh và đóng góp to lớn của đơn vị Biệt động TP Cần Thơ trong công cuộc đấu tranh bảo vệ quê hương, giải phóng đất nước vẫn mãi mãi khắc ghi trong lòng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thành phố.

HOÀNG THANH

Chia sẻ bài viết