09/01/2024 - 17:25

Doanh nghiệp ngành xây dựng trông đợi “luồng gió mới” 

Quý IV-2023, có đến 49,1% doanh nghiệp (DN) ngành xây dựng (trong tổng số 5.045 DN trả lời khảo sát) cho rằng “Không có hợp đồng xây dựng mới” là yếu tố ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN. Sang quý I-2024, con số này tăng lên 49,4%. Vì vậy, DN xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương tiếp tục đồng hành, gỡ khó cho hoạt động của DN.

Những mảng màu tối

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngành xây dựng của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số cân bằng chung quý IV so với quý III-2023 là âm -5,8% (có 27,4% DN nhận định sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn và 33,2% nhận định khó khăn hơn). Dự báo quý I-2024 so với quý cuối năm 2023, tình hình vẫn chưa mấy khả quan, với chỉ số cân bằng âm -18,7% (có 20,2% DN nhận định thuận lợi hơn và 38,9% cho biết khó khăn hơn).

Về hợp đồng xây dựng mới, quý cuối năm 2023 DN khó khăn khi chỉ số cân bằng âm (-2,6%), với 24,3% DN nhận định tăng và 26,7% nhận định giảm. Theo ngành kinh tế, quý IV so với quý III-2023 chỉ có DN ngành xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng có chỉ số cân bằng hợp đồng xây dựng mới lớn hơn 0 (chỉ số này là 1,7%); còn DN xây dựng nhà các loại và hoạt động xây dựng chuyên dụng đều có chỉ số âm.

Dự báo quý đầu năm 2024, chỉ số cân bằng hợp đồng xây dựng mới tiếp tục âm (-10,5%), với 19,8% DN dự báo tăng và 30,3% dự báo giảm. Dự báo quý I-2024 so với quý IV-2023 khó khăn hơn khi chỉ số cân bằng của các ngành đều nhỏ hơn 0. Cụ thể, các DN xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng là -6,1%; DN xây dựng nhà các loại -11,2% và DN hoạt động xây dựng chuyên dụng -15,2%. Điều này cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của DN ngành xây dựng vẫn còn nhiều mảng tối màu, do chịu nhiều tác động từ thị trường, giá cả nguyên vật liệu, chính sách hỗ trợ có độ trễ…

Theo các DN, chi phí sản xuất quý cuối năm 2023 đã tăng đáng kể so với với quý trước đó. Dự báo quý I-2024, có 37,3% DN cho biết tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm tăng và 41,7% dự báo không đổi; chỉ có 21% cho rằng giảm. Trong đó, con số dự báo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tăng là 39,9%; chi phí nhân công trực tiếp tăng là 34,4%.

Từ kết quả điều tra có thể thấy, khó khăn tiếp tục bủa vây DN ngành xây dựng. DN đối mặt chi phí sản xuất tăng, thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi và việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn khó khăn, nhiều công trình bàn giao mặt bằng kéo dài… đã làm cho sức khỏe của DN xuống dốc. Đó là chưa kể đến các áp lực lãi suất, các khoản nợ đọng kéo dài. Vì vậy, DN xây dựng đang cần “luồng gió mới” để phục hồi sức khỏe vững chắc hơn trong năm mới.

Nâng cao năng lực hoạt động cho DN

Tình hình sản xuất kinh doanh kém lạc quan của quý cuối năm 2023, nên sang quý đầu năm 2024, các DN ngành xây dựng dự báo hợp đồng xây dựng mới ít hơn quý IV. Chỉ có 19,8% DN nhận định tăng và 49,9% cho rằng không thay đổi; có 30,3% DN dự báo hợp đồng mới sẽ giảm.

Kết quả khảo sát quý IV-2023 cho thấy, có 20,2% DN hoạt động dưới 50% năng lực thực tế của DN; 30,3% hoạt động từ 50% đến dưới 70% năng lực thực tế; 27,9% DN hoạt động từ 70% đến dưới 90%; 18,9% DN hoạt động từ 90 đến 100%; chỉ có 2,7% hoạt động trên 100% năng lực thực tế.

Bên cạnh đó, vốn cho sản xuất kinh doanh tiếp tục là rào cản lớn của DN. Trong số 5.045 DN trả lời khảo sát, có tới 75% DN vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Trong các nguồn vay, thì vay từ ngân hàng chiếm 77%, nhưng chỉ có 28,4% DN tiếp cận được các khoản vay ưu đãi, còn tới 71,6% DN không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Điều này vô hình trung tạo áp lực rất lớn cho DN khi phải vay với lãi suất cao, tăng chi phí vốn…

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, DN ngành xây dựng năm qua đã được gỡ khó rất nhiều từ các chính sách, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, gỡ khó cho thị trường bất động sản… nhưng vẫn chưa đủ để có thể giúp DN thoát khỏi chu kỳ khó khăn. Bởi 2 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn là “Không có hợp đồng xây dựng mới” và “Giá nguyên vật liệu tăng cao”.

Có đến 49,1% DN cho rằng không có hợp đồng xây dựng mới trong quý IV-2023 là yếu tố ảnh hưởng mạnh đến DN và sang quý I-2024, tỷ lệ này lại tăng nhẹ lên mức 49,4%. Còn 47,7% cho rằng “Giá nguyên vật liệu tăng cao” là yếu tố ảnh hưởng của quý cuối năm 2023, thì sang quý đầu năm 2024 con số này giảm còn 46,7%, nhưng vẫn ở mức cao.

 

Theo các DN ngành xây dựng, để hỗ trợ DN vượt khó thì ngoài việc công bố thông tin rộng rãi về đấu thầu công khai, minh bạch, DN rất cần các cơ quan công quyền giảm bớt các thủ tục hành chính và điều kiện nhận thầu. Từ đó, giúp DN tiếp cận các dự án mới, nhất là các dự án đầu tư công đang được đẩy mạnh thời gian qua. Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn và quy trình bổ sung vốn cho dự án đầu tư công còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của DN, nên DN kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền các cấp đẩy nhanh vấn đề này. Có chính sách điều chỉnh đơn giá xây dựng so với thời điểm nhận thầu để DN không phải bù lỗ do trượt giá nguyên vật liệu, giá nhân công, giúp DN an tâm hoạt động.

Chỉ có 28,4% DN tiếp cận được các khoản vay ưu đãi, còn tới 71,6% DN không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết