05/10/2019 - 17:53

Doanh nghiệp lạc quan về thị trường cuối năm

Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III-2019 và dự báo quý IV-2019, cho thấy DN rất lạc quan về thị trường trong các tháng cuối năm. Có 6.500 DN được phát phiếu điều tra, tỷ lệ phản hồi từ DN đạt trên 90%. Quý IV-2019, có tới 87,9% DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt lên và ổn định (trong đó, 52,1% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên và 35,8% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định); chỉ có 12,1% dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lạc quan nhất, với tỷ lệ 90,1% (có 54,4% dự báo tốt lên và 35,7% giữ ổn định). Tỷ lệ này tương ứng ở khu vực nhà nước là 82,8% (có 48% dự báo tốt lên và 34,8% DN giữ ổn định) và ngoài nhà nước 87,5%.

Cuối năm là mùa kinh doanh sôi động nhất, nhiều DN đặt kỳ vọng vào cầu thị trường trong nước và xuất khẩu sẽ khởi sắc. Theo đó, so với quý III, tỷ lệ các DN dự đoán số lượng đơn hàng mới có khả năng tăng trong quý IV-2019 là 47,9%, có 40,6% cho rằng sẽ giữ ổn định, chỉ có 11,5% DN dự báo đơn hàng giảm. Các ngành có tỷ lệ dự báo đơn hàng tăng gồm: điện tử, sản xuất thuốc và hóa dược, dược liệu, sản phẩm từ cao su, plastic, trang phục, máy vi tính, sản phẩm giường tủ, bàn ghế… Còn về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý IV-2019, có 40,9% số DN dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu, 11,6% số DN dự kiến giảm và 47,5% số DN dự kiến ổn định.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng thấp so với mục tiêu đề ra và đã có những mối lo ngại làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành công nghiệp cả năm. Từ thực tế đó, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, nhằm hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, tăng tốc sản xuất. Bắt đầu từ quý III năm nay, thị trường sáng sủa hơn, DN vừa củng cố nội lực, vừa chú trọng đầu tư nâng chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, vừa mở rộng thị trường trong và ngoài nước. So với quý II-2019, chỉ số tồn kho thành phẩm của DN giảm trong quý III (tỷ lệ có 32% DN cho biết tồn kho giảm và 49,9% nhận định giữ nguyên). Trong quý IV, có 85,2% DN cho biết giữ nguyên và giảm chỉ số tồn kho thành phẩm. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy thị trường đang chuyển động tốt hơn.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất công nghiệp. Mục tiêu mà Bộ Công thương đề ra trong năm 2019 là tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ 12-13%. Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng 11,37%; đây là điểm sáng của toàn ngành công nghiệp. Đồng thời là động lực để tăng tốc đạt mục tiêu đề ra trong năm. Trong hiện tại còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN, như: chi phí sản xuất, tài chính, lãi suất vay vốn ngân hàng còn cao, cạnh tranh trong nước và cạnh tranh với hàng nhập khẩu; thiếu nguyên vật liệu; khó tuyển dụng lao động tay nghề cao… Song, nhiều DN vẫn dự báo đà tăng trưởng sẽ tiếp tục duy trì, DN sẽ đạt kế hoạch đề ra trong năm.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết