23/07/2013 - 21:42

Doanh nghiệp đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh

Hiện nhiều doanh nghiệp tại TP Cần Thơ đã quan tâm đổi mới công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh
của sản phẩm.

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ (CBA) phối hợp với Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức hội thảo “Đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh”. Tại hội thảo này, nhiều đại biểu cho rằng: Doanh nghiệp (DN) cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ khi muốn thực hiện đổi mới công nghệ. Bởi, nếu đổi mới công nghệ không phù hợp  sẽ là “thảm họa” cho DN.

*Yêu cầu đổi mới công nghệ

Theo CBA, hiện có 98% các DN ở nước ta là DN vừa và nhỏ. Phần lớn DN sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ. Đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh là yêu cầu cấp thiết, đã và đang đặt ra cho DN TP Cần Thơ, ĐBSCL cũng như cả nước trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký CBA, cho rằng: Nước ta đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP: Trans-Pacific Parrtnership - hiệp định thương mại tự do giữa 12 nước bờ biển Thái Bình Dương) với mục tiêu tự do hóa ở cấp độ cao, bao gồm nhiều vấn đề về thương mại và phi thương mại. TPP sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của DN khi Việt Nam thực hiện ký kết. Do vậy, các DN cần có biện pháp chủ động đối phó ngay từ bây giờ. Nếu các DN trong nước không quan tâm đổi mới công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất, quản trị DN thì sản phẩm làm ra  rất khó cạnh tranh ngay cả trên sân nhà.

Do DN vừa và nhỏ, xuất phát điểm thấp, trong đó có nhiều DN đi lên từ hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn còn sử dụng thiết bị, máy móc, công nghệ lạc hậu. Thực tế này khiến chi phí sản xuất hàng hóa cao, hàm lượng “công nghệ và chất xám” trong sản phẩm hạn chế, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường kém. Ngoài vấn đề này, theo ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, việc sử dụng công nghệ lạc hậu là nguyên nhân gây nhiều tác động xấu đến môi trường. Đáng chú ý trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và chế biến các mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu. Ông Dương Nghĩa Hiệp cho rằng: “Thời gian tới, các DN cần quan tâm đến việc đổi mới công nghệ. Trong đó, chú ý áp dụng “công nghệ xanh” đem lại lợi ích cho DN, góp phần bảo vệ môi trường”.

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, ngành công nghiệp thành phố trong thời gian qua phát triển khá ổn định, tốc độ tăng hàng năm trên 16%, cao hơn mức tăng trung bình của cả nước.  Song, giá trị hàng hóa do ngành công nghiệp tạo ra hầu hết vẫn còn là sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp, hàm lượng khoa học công nghệ kết tinh trong sản phẩm còn rất hạn chế.

*DN cần quan tâm đúng mức

Hiện nay có nhiều DN quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, do phần lớn là DN vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên việc đầu tư đổi mới công nghệ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ DN vẫn chưa quan tâm, nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh  tranh. Vẫn còn nhiều DN thiếu thông tin hoặc gặp khó khăn về vốn, nguồn nhân lực… trong việc đổi mới công nghệ. Tại hội thảo “Đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh”, nhiều ý kiến cho rằng: các cấp chính quyền và ngành chức năng cần cung cấp thông tin và tạo thuận lợi hơn nữa cho DN tiếp cận vốn và các chương trình hỗ trợ về vốn… để DN nâng cao hiệu quả công tác đổi mới công nghệ. Song song đó, DN cần nhận thức đầy đủ đổi mới công nghệ không chỉ đơn thuần là thay mới máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất mà phải bao gồm toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh; trong đó  đổi mới phương thức quản lý, điều hành của DN là then chốt.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Nam, Trưởng khoa Sau Đại học, Trường Đại học Cần Thơ,  đổi mới công nghệ để giúp DN giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất và tăng lợi nhuận. DN không nên trông chờ Nhà nước có chương trình hỗ trợ mới tham gia. Khi thấy cần thiết và hiệu quả thì DN nên thực hiện ngay. Trong đó, ưu tiên sử dụng vốn tự có, không nên sử dụng vốn vay đầu tư ồ ạt trong đổi mới công nghệ vì rủi ro cho DN rất lớn.  “Để đổi mới công nghệ một cách có hiệu quả, DN cần cân nhắc và tìm hiểu kỹ các thông tin. Không nên đổi mới chạy theo phong trào! Trong đó, DN cần xem mình đang làm loại hàng hóa gì, hiện nay thị trường tiêu thụ ở đâu, đầu ra có mạnh không, công việc làm có kịp không?… rồi hãy tính chuyện đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị máy móc”- ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu chia sẻ. Bởi, đầu tư máy móc thiết bị mới, giúp tăng chất lượng, số lượng sản phẩm mà không tiêu thụ hết thì hàng tồn kho của DN sẽ nhiều. Tình trạng này không được giải quyết mới là “thảm họa” cho DN. Ngoài ra, trong trường hợp máy móc mua về phải “trùm mềm” trong thời gian dài do chưa đảm bảo các điều kiện để đưa vào vận hành sản xuất, thì thiệt hại cho DN là rất lớn. Vì vậy, để tránh rủi ro, DN cần đầu tư đổi mới công nghệ theo kiểu “vết dầu loang”, tức đầu tư từng bước theo nhu cầu  sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nếu thiếu thì tiến hành bổ sung…

     Bài, ảnh: Khánh Trung

 

Chia sẻ bài viết