18/10/2010 - 08:30

Đổ vỡ một học thuyết

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad được người dân Liban chào đón. Ảnh: AFP

Khi Israel dập bom giết chết hàng trăm người Liban hồi mùa Hè năm 2006, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Condoleezza Rice nói với người dân Liban rằng họ đơn giản chỉ đang trải qua “cơn đau đẻ của một Trung Đông mới”. Thế nhưng, Trung Đông mới theo cách nói ấy của bà Rice đang được xem xét lại sau chuyến thăm Liban hai ngày của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad hồi cuối tuần qua. Và các nhà phân tích thấy rằng nó không giống như những toan tính của Chính quyền cựu Tổng thống George Bush khi áp dụng học thuyết quân sự nhằm chia cắt khu vực này thành hai vùng “ôn hòa” và “cực đoan” với vách ngăn là “cuộc chiến không khoan nhượng”.

Nhà phân tích Tony Karo trong bài viết đăng trên tờ Time của Mỹ ngày 15-10, cho rằng chuyến thăm Liban của Tổng thống Ahmadinejad đã chỉ ra 3 sự thật chua cay đối với giới cầm quyền Mỹ: Thứ nhất, Iran gần như không bị cô lập như Washington mong muốn; thứ hai, nỗ lực của Chính quyền Bush nhằm chế ngự Iran và các đồng minh của Iran đã thất bại; và thứ ba là cán cân lực lượng đang nghiêng về Iran khi thậm chí những nước A-rập liên minh với Mỹ cũng thừa nhận vai trò khu vực ngày càng được mở rộng của Tehran.

Theo Karo, Chính quyền Bush từng tin tưởng rằng việc Mỹ đưa quân chiếm đóng Iraq và các cuộc tấn công của Israel ở Liban năm 2006 và Dải Gaza cuối năm 2008 sẽ là những đòn đánh gián tiếp có ý nghĩa quyết định nhắm vào Iran và những đồng minh của Iran, chuyển cục diện khu vực theo hướng có lợi cho chiến lược của Mỹ. Nhưng ở tất cả 3 nơi này, ảnh hưởng của Iran thực tế vẫn còn rất mạnh. Người ta cho rằng sở dĩ Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki có thể yên vị hai nhiệm kỳ liên tiếp là nhờ sự can thiệp của Iran để ông có được sự ủng hộ cần thiết từ các đồng minh chính trị phái Shiite. Giới cầm quyền của Mỹ cũng đoan chắc rằng sự tấn công của Israel năm 2006 sẽ xóa sổ Hezbollah, nhưng phong trào Hồi giáo này chẳng những ngày càng mạnh lên về mặt quân sự, mà còn bám trụ một cách vững chắc trên chính trường Liban. Và không một chiến dịch quân sự nào của Israel, bắt đầu từ những ngày cuối năm 2008 đến nay, hay bất kỳ sự phong tỏa kinh tế nào ở Gaza có thể đánh bật Hamas, trong khi đồng minh của Washington là Tổng thống Mahmoud Abbas ngày càng yếu thế trên vùng đất của người Palestine.

Vì vậy, khi giới cầm quyền Mỹ rêu rao rằng “Iran xâm phạm chủ quyền Liban thông qua sự ủng hộ Hezbollah”, Nhà Trắng đã thiếu cơ sở để thuyết phục chính phủ Liban, vốn do những đảng phái được phương Tây hậu thuẫn nắm quyền, ngăn cản chuyến thăm của ông Ahmadinejad. Thay vào đó, hàng chục ngàn người Liban, phần lớn là những người ủng hộ Hezbollah, đã đổ ra đường đón chào Tổng thống Iran. Nhưng Tổng thống Ahmadinejad đến Liban không phải chỉ để hội kiến với Hezbollah. Ông gặp cả Tổng thống theo đạo Cơ đốc của Liban là Michel Suleiman và Thủ tướng theo đạo Hồi phái Sunni là Saad Hariri. Cuộc hội đàm của Tổng thống Ahmadinejad với Thủ tướng Hariri có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi Hariri lãnh đạo liên minh chủ trương chống ảnh hưởng của Iran và Syrie ở Liban thông qua Hezbollah. Không ít người cho rằng ủy ban điều tra quốc tế vụ mưu sát cha của ông Hariri - cựu Thủ tướng Rafik Hariri năm 2005 được lập nên nhằm mục đích đổ tội cho Hezbollah. Hezbollah đã lên án cuộc điều tra là âm mưu của Israel, và cảnh báo rằng bất kỳ hành động nào chống lại họ đều có thể làm sụp đổ chính phủ của Thủ tướng Hariri, gây bất ổn chính trị và có thể bùng phát bạo lực.

Hồi mùa Hè năm nay, trong một động thái được coi là chưa từng có trước đó, các nhà lãnh đạo của Syrie và Arabie Séoudite đã cùng bay đến Beirut để can gián các phe phái ở Liban đừng vì những bằng chứng thiếu thuyết phục trong cuộc điều tra cái chết của ông Hariri mà phá vỡ sự ổn định còn mong manh của đất nước. Tổng thống Iran Ahmadinejad cũng đặt trọng tâm vào sự hòa hợp ở Liban và sự cần thiết phải tránh bị chia rẽ. Ông đã vận động các nhà lãnh đạo của Arabie Séoudite, Syrie và Jordanie ủng hộ quan điểm này của ông thông qua các cuộc điện đàm trước chuyến đi, thể hiện rõ quyết tâm tránh cuộc đối đầu giữa những người A-rập với nhau tại Liban.

Cho nên, theo nhà phân tích Karo, dù có muốn chống vai trò của Iran trong thế giới A-rập, các chế độ thân Mỹ ở Trung Đông cũng phải thừa nhận ảnh hưởng của Tehran tại khu vực này. Ý tưởng của Bush, rằng “kẻ thắng được tất cả” sau những cuộc phô diễn sức mạnh quân sự, vì thế được chứng minh là ảo tưởng.

THẢO VY
(Theo Time, AP và CSMonitor)

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad được người dân Liban chào đón. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết