26/05/2019 - 10:32

Đò ngang 

Truyện ngắn: LƯƠNG MINH HINH

Năm Bình ngoại lục tuần vẫn là tay chèo khuyến học!

Năm mươi năm trước tôi đi đò dọc qua bến Cái Mong, thấy tay trai trẻ mình trần quần tà lỏn chèo lái con đò ngang như cái lá khô trôi nổi. Trên đò có dăm đứa nhỏ vẫy tay vẫy nón chỉ đò tôi dạt né nhường lối. Mấy năm sau tôi chạy ghe về Cái Mong viết báo, có duyên gặp tay đò mình trần ngày nào, nay đã mặc áo may ô đàng hoàng. Tôi vui mừng: Chào tay chèo khuyến học! Văn Bình lắc lắc đầu: Tôi chạy đò ngang.

Đáp xong lời như chém chèo, Năm Bình cho ghe vọt đi, để mặc tôi bồng bềnh trên ghe còn lại. Tôi tự nhủ việc ai nấy lo, nên đổi ống kính máy ảnh chụp xa chụp rộng lấy ảnh cho bài viết, thu các dáng mái chèo khuyến học bến Cái Mong. Bao nhiêu là hình ảnh Văn Bình với các trò trên các chuyến đò qua đò lại, còn nhiều ảnh cá nhân từng trò mặc bộ đồng phục cũ mèm. Tôi bám bến đẫy ngày chụp đủ các cảnh, làm nên phóng sự ảnh “Tay chèo khuyến học”. 

Cái phóng sự đầu tay ấy hình ảnh chỉ tại bến Cái Mong. Sau đó tôi mở rộng loạt bài học trò khuyến học ở trường lớp với thầy giáo cô giáo, sau giờ học làm lụng giúp gia đình, bà con lối xóm... Mỗi lần viết bài tiếp theo tôi chọn những bức hình đẹp in màu phóng lớn và mang số báo có bài vừa in về tặng tay chèo. Văn Bình cầm ảnh, cầm báo là đặt ngay vào chỗ thường để cặp sách cho lũ nhỏ, có che chắn nước tạt khi đò chạy. Bao lần tôi đã hỏi Văn Bình về các trò qua đò, với ý đồ viết một bài sâu sắc về anh, nhưng chỉ được một lần nghe trả lời: Tôi chạy đò thì lo đò vững chắc, xếp chỗ và chỉ cách cho trò ngồi an toàn. Đứa nào cần thì qua từng chuyến, từng ngày, hổng nhớ là bao nhiêu đứa.

***

Văn Bình kiệm lời, khiến tôi khổ sở tìm tư liệu bao ngày, cho đến ngày tình cờ biết Thu Vân - vợ Văn Bình.

Tuổi học trò của Thu Vân không qua đò ngang bến Cái Mong, bởi nhà Thu Vân ở cuối ấp có đường nước tới bến trường. Thu Vân có hẳn cái xuồng học hành thường cho bạn bè quá giang. Tới hồi nàng gái lịch, chàng trai thanh thì Văn Bình muốn tiến xa hơn là làm người dưng với Thu Vân. Văn Bình trổ tay lái lụa dụ Thu Vân du sông nước bồng bềnh. Rồi cầu hôn, năn nỉ thề bồi chỉ yêu chỉ lấy chỉ sống vì nàng. Thu Vân đo lời đo lòng cái miệng tán gái bẻo lẻo, nhưng cũng cùng Văn Bình giong ruổi ghe xuồng du lịch lễ hội, đi chợ gần tới phố thị xa. Rồi Thu Vân yêu Văn Bình từ chuyện anh ra chèo khuyến học trẻ nghèo khó, nên thách cưới lễ vật là “Ba mươi năm làm tay chèo khuyến học!”. Văn Bình kêu trời: “Anh đò ngang cho học trò từ mười bốn mười lăm tuổi tới giờ ba mươi tuổi rồi mới được phân nửa thời gian thách cưới kia. Vậy tới chừng nào mới cưới được đây?”. Nhìn Thu Vân cười tủm tỉm, tình yêu làm Văn Bình sáng ý, nhào tới ôm chặt lấy Thu Vân: “Đủ ba mươi năm trong vòng tay nhau rồi nè”. Mũi đò chao chao chui chúi vào tàn cây nằm nước lòa xòa. Văn Bình khấn: Xá Ông Tơ Bà Nguyệt phù hộ con rước gấp nàng về bến Cái Mong.

***

Làm vợ tay chèo khuyến học là ôm khu gia viên bị Văn Bình bỏ hoang hóa. Thu Vân hay tay vườn tược, nửa năm sau đã có đủ loại rau vườn, một năm cây lại bông trái xum xuê trĩu cành. Sáng sáng rau trái vợ lo, cá tôm chồng kiếm, theo Thu Vân ra chợ bán, để chồng lại yên tâm đò ngang cho trẻ đến trường. Cuộc sống vợ chồng yên ấm, duy chỉ có chuyện sau gáy Thu Vân có nốt ruồi bằng đầu ngón tay út là làm Văn Bình canh cánh trong lòng. Vậy nên mấy tháng mùa hè học trò nghỉ đến trường, Văn Bình đưa vợ và dàn câu lưới lên đò đi đánh bắt di động khắp rạch kinh, bán khắp chợ búa phố thị gần xa quanh vùng; vừa đi vừa dò hỏi nốt ruồi vậy có nguy hiểm gì không? Rồi được hướng dẫn lên bệnh viện tỉnh kiểm tra ra kết quả là lành tính, cũng được một cụ cao niên chỉ điểm rằng có khi là dấu hiệu di truyền để nhận biết họ hàng. Hết mấy tháng hè, lại trở về đò ngang bến Cái Mong và lo gia viên tươi tốt.

Chim chóc trên tán bông trái ngậm mỏ, rỉa lông cho nhau; cái tum vườn được tu sửa khang trang hơn bao giờ hết để Văn Bình mừng bụng vợ mang bầu. Vui nào bằng ôm con trong tay, Văn Bình luôn miệng: “Vợ Thu Vân đẹp xinh ơi, con gái Thu Kim xinh đẹp giống vợ quá ta!”, rồi Văn Bình bế con đòng đưa nhịp ầu ơ: “Đố ai lặn xuống vực sâu / Mà đo miệng cá uốn câu cho vừa”. Đôi tay ra chèo khuyến học khoanh trước ngực làm con đò ôm ấp con gái. Đôi chân đò ngang nhịp nhịp lời ơ ầu. Thu Vân bồng bềnh như khóm bèo lục bình bến Cái Mong. Thu Kim như bông lục bình trên đò tay cha...

***

Tôi được nghe kể Thu Kim học hành giỏi từ tiểu học đã được tuyển chọn vào trường chuyên lớp chọn, được nhà nước nuôi dưỡng ăn học hết đại học và đã thành tiến sĩ. Bà con Cái Mong hay nói do nhà Văn Bình ra chèo khuyến học, nên được đời trả nghĩa.

Văn Bình đã sống trọn tình vẹn nghĩa với học trò qua lại bến Cái Mong. Lứa trò đi đò Văn Bình đầu tiên, đã có các con theo tay chèo khuyến học, nay lại sắp có lứa cháu qua lại trên đò của Văn Bình ở bến Cái Mong. Người cầm chèo lo phước đức không mệt mỏi. Kẻ hưởng phước đức ơn nghĩa và thấm ngấm sự đời, không thể để hết lớp này lớp khác cứ dựa mãi vào vòng tay miệt mài bươn chải như vậy. Đám trẻ trình bày với người lớn rằng chèo khuyến học đã đến lúc phải được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng tuổi già. Cả xóm cả ấp phải lo, phải làm cầu bến Cái Mong. Công việc được toàn dân ấp hưởng ứng, đã quyên góp được mớ tiến kha khá, đã có người nhận làm từ thiện việc thiết kế cây cầu.

Công việc làm cầu mới bắt đầu, chưa ra thiết kế cầu, càng chưa có kế hoạch thi công, mà chuyện cầu bến Cái Mong cứ rộn rực ấp làng, bàn tán nhiều nhất là có cây cầu rồi, tay chèo khuyến học đã qua ngàn lần sóng nước nay có thể khỏe khoắn trường thọ. Xóm làng càng xôn xao khi Thu Kim đang công tác ở thành phố, mang tiền bạc do một mạnh thường quân, gọi là bà Hai, tài trợ xây cất cầu Cái Mong về giao cho ấp. Thu Kim kể bà Hai ở trung tâm dưỡng lão, người gốc ấp bến Cái Mong, trước lúc đi xa gửi hết tiền bạc vòng cổ khuyên tai về bến quê. Có đôi tấm hình bà đây.

Lúc Thu Kim đưa tấm hình bà Hai thời trẻ ra, ai cũng nói Thu Kim có cầm lộn ảnh không, sao mà giống vợ Thu Vân của tay chèo Văn Bình vậy?  Thu Kim từ tốn kể, tuổi của bức hình này còn hơn cả tuổi đời của cô. Thu Kim gặp bà Hai trong một lần làm thiện nguyện ở trung tâm dưỡng lão, vừa gặp đã thấy thân vì bà giống mẹ cô và cùng quê hương xứ sở. Cô có dịp chăm sóc bà Hai có gốc tích bờ bến Cái Mong được tuần trăng thì bà lâm chung.       

Dân ấp mù mịt, còn tay chèo Văn Bình thì ba mươi sáu chước ông chọn chước nín khe.

Ngày nhỏ Văn Bình quấn quýt cùng nhà ghe có má, neo đậu gần bến nhà nhỏ Hai. Má bệnh tật rất mong đôi trẻ gắn bó nên neo ghe bờ bến Cái Mong cho hai trẻ quấn quýt. Đôi trẻ ngoắc ngón tay trước người bệnh hứa gắn bó học hành tử tế. Thằng trai thương nhỏ gái, nên lo làm đẹp cho nó, ra tay tẩy xóa cái nốt ruồi sau gáy nhỏ. Rồi cũng vừa lúc má đổ bệnh phải chạy ghe đi cấp cứu bệnh viện tỉnh, tới lúc hai má con trở về, nhỏ Hai đã không còn ở bến Cái Mong. Văn Bình chọn nghề đò ngang bến Cái Mong có nguồn gốc sâu xa vậy…

Mọi người nhìn hình bà Hai khi trẻ giống Thu Vân chứ theo Văn Bình phải nhìn vầy: Thu Vân ở cuối ấp giống bà Hai, có bà con gì không thì không ai biết. Nhưng những vóc dáng giống nhau như tạc, xinh đẹp hớp hồn Văn Bình để Văn Bình càng chạy đò ngang càng thấy đời bách niên giai lão. 

Thu Kim nói nhỏ với má. Sau gáy bà Hai này có cái thẹo tẩy nốt ruồi. Thu Vân nhớ lại những ngày Văn Bình tinh mơ đưa mình đi tìm thầy thuốc hỏi về nốt ruồi. Thu Vân kéo chồng vào tum vườn, kêu ngồi khoanh chân bằng tròn rồi nói nhỏ: Có cây cầu rồi, tay chèo khuyến học vẫn là mạnh mẽ nhất Cái Mong, là chỗ dựa của Thu Vân và Thu Kim. Văn Bình bới ngược tóc vợ lên áp cặp môi già nua, hôn cái chụt. 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Đò ngang