10/06/2011 - 15:02

Đó là cây gì? Hãy hỏi "dế"

Giờ đây nếu tình cờ nhìn thấy một loại cây lạ nhưng không mang theo sách vở bên mình, người dân Mỹ vẫn có thể thỏa mãn sự hiểu biết nhờ một ứng dụng mới có trên điện thoại thông minh. Bằng cách đó, họ còn đóng góp vào sự phát triển của khoa học và góp phần bảo vệ môi trường xanh.

Leafsnap là phần mềm đầu tiên cho phép người dùng điện thoại iPhone và máy tính iPad nhận biết thực vật chỉ đơn giản chụp ảnh lá cây. Ngay sau đó, ứng dụng sẽ dò tìm trong thư viện hình lá cây mà Viện Smithsonian ở Thủ đô Washington tổng hợp và liên tục cập nhật. Chỉ trong vài giây, “dế” sẽ cung cấp tên khả dĩ của loài cây đó, những ảnh chụp độ phân giải cao cũng như thông tin về hoa, trái, hạt và vỏ của cây. Sau khi xác định loài cây vừa gặp khớp với thông tin do điện thoại cung cấp, người dùng sẽ chia sẻ phát hiện của mình với kho dữ liệu có sẵn trong ứng dụng để giúp thống kê số cá thể của loài cây đó. Được biết, phiên bản ứng dụng dành cho máy tính iPad còn có thêm chức năng “Nearby Species” (Các loài cây gần bên) hiển thị tất cả loài cây mà những người dùng khác đã nhận biết trước đó gần khu vực người dùng đang sống, làm việc hoặc tham quan.

 

Sau 1 tháng ra mắt, ứng dụng miễn phí trên thu hút hơn 150.000 lượt tải về, và số người dùng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng khi Leafsnap được tích hợp thêm trong các dòng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android. Hiện nay, kho dữ liệu của Leafsnap chứa đựng thông tin về tất cả loài cây tại Công viên Trung tâm ở New York và Công viên Rock Creek ở Washington. Đến hết mùa hè này, Leafsnap sẽ bổ sung thêm dữ liệu về tất cả loài cây ở Đông Bắc nước Mỹ và sau đó sẽ đến tất cả các loài thực vật ở khu vực Bắc Mỹ.

Chuyên gia thực vật John Kress ở Viện Smithsonian, người hợp tác với các kỹ sư ở Đại học Columbia và Đại học Maryland phát triển ứng dụng Leafsnap, cho biết ý tưởng về ứng dụng này được thai nghén năm 2003 như một công cụ công nghệ cao hỗ trợ các nhà khoa học khám phá những loài thực vật mới ở các môi trường chưa từng biết đến. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của điện thoại thông minh, Leafsnap được cải tiến trở thành phương pháp mới để người dân đóng góp vào nghiên cứu khoa học. “Trong tương lai, Leafsnap sẽ hàm chứa tất cả loài thực vật ở Mỹ, với ước tính khoảng 800 loài”, Kress cho biết.

Ứng dụng trên cũng mang đến cơ hội cho dân Mỹ truy cập trực tiếp vào bộ sưu tập chứa đựng gần 5 triệu mẫu thực vật đang được Bảo tàng thực vật quốc gia Mỹ ở Viện Smithsonian lưu giữ. Bộ sưu tập được triển khai thực hiện từ năm 1848 và được xếp vào nhóm 10 bộ sưu tập thực vật lớn nhất trên thế giới. Theo chuyên gia Kress, với Leafsnap, người dùng sẽ dễ dàng biết được sự đa dạng thực vật ở khu vực mình đang sống trong khi giáo viên có thể sử dụng dữ liệu do Leafsnap cung cấp để làm sinh động và phong phú hơn bài giảng của mình. Không những thế, các nhà khoa học có thể sử dụng dữ liệu nguồn mở của Leafsnap để định vị và quan sát sự phát triển cũng như sụt giảm của các loài thực vật.

Giáo sư Peter Belhumeur ở Đại học Columbia cho biết ông và các đồng nghiệp đã nhận được nhiều đề nghị về việc mở rộng kho dữ liệu của Leafsnap để hàm chứa thông tin về các loài thực vật ở Pháp, Maroc, Thái Lan... Và đó cũng là mục tiêu mà ê-kíp của ông đang hướng tới: một ứng dụng nhận biết tất cả loài cây trên thế giới. Chưa hết, Belhumeur và con trai của ông cũng đang suy nghĩ phát triển thêm nhiều ứng dụng khoa học khác có thể dùng để nhận biết các loài cá và côn trùng.

SONG NGỌC (Theo AP)

Chia sẻ bài viết