24/10/2019 - 22:14

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Đổi mới công tác xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức 

Tiếp tục Chương trình làm việc, sáng 24-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Chính sách đối với người có tài năng; hình thức kỷ luật giáng chức và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; cán bộ, công chức cấp xã và việc liên thông; thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới... là những nội dung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận trong phiên làm việc sáng 24-10.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Trí phát biểu ý kiến. Ảnh: VĂN ĐIỆP – TTXVN

Góp ý về các hình thức kỷ luật, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, nhiều đại biểu cho rằng, việc quy định xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm có những điểm bất hợp lý, về mặt pháp lý, rất khó giải thích thế nào là tư cách chức vụ và trong các văn bản bổ nhiệm các chức vụ hiện nay không có văn bản nào dùng khái niệm là tư cách chức vụ.

Ngoài ra, quy định như trên tạo sự tranh cãi không cần thiết về hệ quả pháp lý đối với những văn bản, quyết định người này ký khi còn đương chức thì khi xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm có còn hiệu lực pháp lý hay không. Từ quan điểm đó, đại biểu đề nghị không nên quy định xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm mà nên quy định hình thức kỷ luật giảm, truất lương hưu vĩnh viễn kèm theo tước bỏ hoặc cắt giảm chế độ chính sách đang được hưởng gồm lương hưu, danh hiệu, danh xưng, huân, huy chương. Có đại biểu nêu ý kiến chỉ có thể dễ dàng tước bỏ của họ các phụ cấp đặc thù hoặc quyền lợi đi khám bảo vệ sức khỏe, còn lương không thể cắt được vì họ hưởng bảo hiểm xã hội.

Đánh giá luật chưa định nghĩa cụ thể về chính sách trọng dụng nhân tài, các đại biểu cho rằng, nhân tài phải là tổng hòa giữa người có tài, có tâm, chí công vô tư, đầy đủ nhiệt huyết đóng góp cho đất nước. Dự luật cần sửa theo hướng người tài là người có năng lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vượt trội; được xã hội, tổ chức, cơ quan nhìn nhận; có đóng góp lớn hiệu quả cho đất nước, cho nhân dân.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân bày tỏ, để đưa ra một khái niệm về vấn đề tài năng trong tổng thể chung của tất cả ngành nghề, lĩnh vực là rất khó, do đó, trong phạm vi giới hạn của dự luật này chỉ đặt vấn đề xác định thế nào là người có tài năng trong hoạt động công vụ, tức đối tượng là cán bộ, công chức và giao Chính phủ quy định khung chính sách thu hút đối với người có tài năng vào hệ thống các cơ quan, tổ chức chính trị.

Dự thảo Nghị định hướng dẫn dự luật đã dự kiến, người đứng đầu có trách nhiệm trong việc rà soát người có tài năng trong phạm vi hoạt động công vụ. Khung chính sách đối với người có tài năng tập trung vào các lĩnh vực là đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, tiền lương… Chính phủ sẽ ban hành chính sách chung, trên cơ sở đó,  các địa phương và cơ quan xây dựng chính sách cụ thể.

Theo chương trình làm việc, tại Kỳ họp thứ 8, dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

CHU THANH VÂN (TTXVN)

 

Chia sẻ bài viết