05/06/2021 - 19:49

Djibouti mơ trở thành “Singapore của châu Phi” 

Là đất nước tí hon của khu vực Sừng châu Phi khô cằn và đầy bất ổn, nhưng CH Djibouti tin rằng họ có đủ cơ hội để trở thành một quốc gia giàu có như đảo quốc Singapore bé nhỏ tại châu Á.

Cảng container Doraleh của Djibouti. Ảnh: Somaliland

Cảng container Doraleh của Djibouti. Ảnh: Somaliland

Trong một chiều đứng giám sát tàu Trung Quốc chất hàng chuẩn bị chuyển đến nước láng giềng Ethiopia, Abdillahi Adawe Sigad, Giám đốc điều hành cảng container Doraleh, nói với vẻ hài lòng: “Chiếc tàu này đã đến đây vào sáng nay, nó sẽ khởi hành đến Jeddah (Saudi Arabia) vào tối nay”.

Sự hiệu quả như vậy đồng nghĩa với mục tiêu trở thành trung tâm thương mại hàng hải hàng đầu giống như Singapore của Djibouti nằm trong tầm tay. “Ước mơ của chúng tôi là trở thành Singapore của châu Phi” - ông Sigad giãi bày. Còn Bộ trưởng Tài chính Djibouti  Ilyas Moussa Dawaleh cho rằng tham vọng này không còn quá xa đối với Djibouti, bởi nước này có những đặc điểm tương tự như Singapore trong bối cảnh thế giới hướng tới thương mại và dịch vụ hàng hải.

Sở hữu vị trí đắc địa

Giống như Singapore, tài sản lớn nhất của Djibouti là vị trí chiến lược của nước này. Cả 2 quốc gia đều dựa vào ngành thương mại toàn cầu và các cảng nước sâu nhộn nhịp để đạt được thành công về kinh tế. Cả 2 đều là những nước nhỏ, có dân số tương đối thấp và ít tài nguyên thiên nhiên.

Tuy là một quốc gia nhỏ bé được bao phủ bởi những ngọn núi và sa mạc khô cằn nhưng Djibouti nằm trên eo biển Bab-el-Mandeb ở rìa Đông Bắc của châu Phi. Đây là nơi mà 30% lượng hàng thế giới được vận chuyển đi đến Kênh đào Suez và Biển Đỏ. Aboubaker Omar Hadi, lãnh đạo Ban quản lý cảng và khu tự do Djibouti cho biết trên thế giới có 5 eo biển quan trọng, gồm Bab-el-Mandeb, Kênh đào Suez, Kênh đào Panama, eo biển Gibraltar và eo biển Malacca.

Do nằm giữa Ethiopia, Eritrea, Somaliland và đường biển, Djibouti trở thành trụ cột của ngành thương mại toàn cầu nhờ sở hữu nhiều cảng vận chuyển. Nền kinh tế Djibouti được dự báo tăng trưởng 7% trong năm nay, trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở châu Phi và thế giới. Carl Lorenz, Giám đốc điều hành phụ trách khu vực Đông Phi của Tập đoàn vận tải container lớn nhất thế giới AP Moller-Maersk, tin rằng 6 cảng của Djibouti vốn có thể tiếp nhận khoảng 1 triệu container/năm là những cảng có năng suất cao nhất ở lục địa đen. 

Trong 10 năm qua, Djibouti đã thu hút hàng tỉ USD đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, các nước vùng Vịnh, Mỹ và một số nước khác vào các lĩnh vực cảng, kho dầu khí, các khu tự do thương mại và một đường sắt dài 750km. Nền kinh tế Djibouti tiếp nhận chủ yếu vốn đầu tư quan trọng từ Trung Quốc, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng lớn.  Trong giai đoạn 2012-2020, các công ty Trung Quốc đầu tư khoảng 14,4 tỉ USD vào nhiều dự án trọng yếu như dự án Cảng Doraleh đa năng trị giá 590 triệu USD tại Djibouti, dự án  đường sắt Ethiopia - Djibouti, dự án đường ống khí đốt trị giá 4 tỉ USD vận chuyển khí tự nhiên từ lưu vực sông Ogaden (phía đông Ethiopia) đến một nhà ga xuất khẩu của Djibouti trên Biển Đỏ. 

Tính chung, số liệu chính thức cho biết Djibouti hiện đang có tổng vốn đầu tư lên tới 15 tỉ USD vào các dự án cơ sở tầng nội địa nhằm kết nối các tuyến thương mại toàn cầu, bao gồm mở rộng cảng biển, nâng cấp đường bộ, đường sắt và các sân bay mới. Nước này còn đang theo đuổi một dự án mới gọi là Khu thương mại tự do quốc tế Djibouti thuộc dạng lớn nhất châu Phi và khi hoàn thành có thể thu hút tổng vốn đầu tư hơn 3,5 tỉ USD.

Tham vọng nhiều cản trở

Dawit Michael Gebre-ab, Giám đốc cấp cao hoạch định chiến lược của Ban quản lý cảng và khu tự do Djibouti cho biết nhờ là điểm trung chuyển quan trọng của thế giới, Djibouti tiếp nhận hầu hết các chuyến hàng đến từ các cảng ở bờ biển phía Đông châu Phi cho đến các cảng ở thành phố Durban (Nam Phi). Hơn nữa, nhờ vị trí chiến lược như vậy, Djibouti là nơi đặt các căn cứ quân sự của các nước lớn, hàng năm thu về tổng cộng 125 triệu USD tiền thuê mặt bằng từ Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản và Ý.

Song, khác với Djibouti, Singapore trở thành trung tâm kinh doanh quốc tế không chỉ vì vị trí chiến lược của nước này, mà bởi giới chức đảo quốc sư tử “nói không” với tham nhũng và cai quản đất nước bằng hệ thống pháp luật mạnh mẽ nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư. Quan trọng nhất là thành công về kinh tế của Singapore giúp cải thiện cuộc sống của hầu hết người dân  Singapore chứ không chỉ của giới tinh hoa chính trị và kinh doanh.

Trái lại, Djibouti luôn chìm trong tham nhũng, gồm tham nhũng tư pháp vốn là vấn đề dai dẳng tại nước này. Bất chấp sự đầu tư đáng kể của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng, giới phê bình khẳng định rằng chỉ giới lãnh đạo chính trị của Djibouti mới được hưởng lợi. Các dự án, chẳng hạn như dự án phát triển cảng Doraleh, đã không giúp cải thiện sinh kế của người dân địa phương, trong khi tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc vẫn ở mức 11,6% và hơn 40% trên tổng dân số chưa đầy 1 triệu dân Djibouti sống trong cảnh nghèo đói cùng cực.

Năm 2020, Djibouti xếp hạng 149 trên tổng số 174 quốc gia trong báo cáo phát triển con người của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP). Hai thập niên sau, nước này xếp hạng 166 trên 189 nước trên thế giới, dù thu được hàng tỉ USD từ cho thuê căn cứ quân sự và vốn đầu tư từ Trung Quốc.

TRÍ VĂN (Theo FT, African Arguments)

Chia sẻ bài viết