25/02/2008 - 11:46

Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ

Điều trị thành công bệnh đổ mồ hôi tay

Bệnh lý tăng tiết mồ hôi tay không gây tử vong nhưng gây khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến công việc của người bệnh. Thời gian qua, nhiều phương pháp điều trị đã được triển khai nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đang triển khai phương pháp phẫu thuật điều trị hiệu quả bệnh lý này.

Bác sĩ Phạm Văn Phương, khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết: “Bệnh lý tăng tiết mồ hôi tay là bệnh bị cường giao cảm do hạch thần kinh giao cảm ngực chi phối việc tiết mồ hôi tay, gây ra hiện tượng tiết nhiều mồ hôi ở lòng bàn tay. Bệnh lý không gây tử vong hay biến chứng mà gây khó khăn trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến công việc hoặc gây tâm lý mặc cảm cho bệnh nhân trẻ tuổi khi giao tiếp.

 

 Y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đang phẫu thuật cho một bệnh nhân tăng tiết mồ hôi tay.

Trước đây, có nhiều phương pháp điều trị bệnh lý tăng tiết mồ hôi tay như: điều trị bằng thuốc, mổ hở, tiêm nước nóng vào hạch thần kinh D2 và D3. Tuy nhiên, các phương pháp này không hiệu quả hoặc không khả thi nên ít được áp dụng. Phương pháp dùng thuốc sẽ tác dụng toàn thân, giảm tiết mồ hôi gây khô da, khô mắt... Ít có bác sĩ chỉ định phẫu thuật mở ngực (là phẫu thuật lớn) cắt hạch thần kinh giao cảm ngực để điều trị đổ mồ hôi tay. Phương pháp tiêm nước nóng vào hạch thần kinh giao cảm ngực để hủy bỏ hạch bằng nhiệt có thể làm mức độ tổn thương lan rộng, gây ra nhiều tai biến. Bác sĩ Phương cho biết thêm: “Hiện có một phương pháp mới nhất là điện ION để điều trị bệnh lý này, nhưng thời gian điều trị khá dài. Qua tìm hiểu từ đồng nghiệp và một số bệnh nhân đã được điều trị bằng phương pháp này, tôi nhận thấy hiệu quả chưa cao. Vì vậy, hiện tại bệnh viện chỉ áp dụng phương pháp phẫu thuật cắt hạch thần kinh giao cảm ngực qua nội soi”.

Phương pháp phẫu thuật cắt hạch thần kinh giao cảm ngực qua nội soi được bác sĩ Phạm Văn Phương cùng một số đồng nghiệp triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (cũ) từ năm 2004. Phương pháp này được tiến hành với sự hỗ trợ của máy nội soi. Bác sĩ tiến hành đặt 2 lỗ Trocar ở mỗi bên ngực để đưa dụng cụ vào cắt hạch. Theo các bác sĩ, việc phẫu thuật không phức tạp nhưng yếu tố quan trọng là kỹ thuật làm xẹp phổi từng bên để xác định chính xác vị trí và tiến hành cắt hạch. Sau phẫu thuật 1-2 ngày, bệnh nhân sẽ bình phục hoàn toàn và xuất viện.

Anh N.H.D.T (ở quận Cái Răng) mắc bệnh tăng tiết mồ hôi tay, vừa được phẫu thuật, cho biết: “Trước đây, mỗi lần cầm viết là mồ hôi ra ướt cả tập vở, rất khó chịu. Tôi nghe nói có người được điều trị bệnh này bằng cách uống thuốc nhưng không hết, lại có tác dụng phụ nên tôi đành chịu đựng gần 10 năm nay. Giải quyết việc đổ mồ hôi tay mà phải phẫu thuật, tôi cũng băn khoăn nên tôi đã tìm hiểu rõ về phương pháp này trước khi quyết định đến bệnh viện. Sau khi được phẫu thuật, sức khỏe tôi nhanh chóng hồi phục, tay không còn rịn mồ hôi nữa”.

Bác sĩ Phương cho biết: “Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, tại phòng khám bệnh viện, có khá nhiều người mắc bệnh lý đổ mồ hôi tay. Phần lớn trong số họ đều có cùng tâm trạng như anh Tâm là ngại phẫu thuật. Những bệnh nhân tìm đến bác sĩ để được can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật nội soi phần lớn là sinh viên, học sinh hoặc người bị bệnh lý làm ảnh hưởng lớn đến nghề nghiệp”.

Được biết, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ triển khai phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý tăng tiết mồ hôi tay phục vụ bệnh nhân từ tháng 6-2007. Đến nay, bệnh viện đã điều trị 8 trường hợp mắc bệnh lý tăng tiết mồ hôi tay thành công hoàn toàn.

Bài, ảnh: S. KIM

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
phẫu thuât