28/01/2008 - 10:08

Diễn đàn Kinh tế Thê giới Davos kết thúc với nhiều cảnh báo cho năm 2008

(TTXVN)- Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên tại Davos (Thụy Sĩ) bế mạc ngày 26-1 với nhiều cảnh báo về những khó khăn mà nền kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt trong năm 2008, do kinh tế thế giới đang phải chịu những tác động xuất phát từ những nguy cơ như suy thoái của nền kinh tế Mỹ, thị trường chứng khoán toàn cầu tụt dốc, giá dầu và giá lương thực tăng mạnh.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể sẽ “sụt giảm nghiêm trọng”. IMF chắc chắn sẽ hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm nay. Tổng Giám đốc IMF cho biết việc tất cả các nước trên thế giới đều lo ngại trước những dự báo về nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ sẽ khiến kinh tế toàn cầu sụt giảm. Riêng đối với các nền kinh tế đang nổi lên, mặc dù vẫn tiếp tục phát triển, song cũng không tránh khỏi ảnh hưởng từ sự trì trệ của nền kinh tế Mỹ.

Giám đốc điều hành IMF Strauss-Kahn phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ảnh: AFP

Ông Strauss-Kahn cho rằng để tránh nguy cơ kinh tế toàn cầu sụt giảm, chính phủ các nước cần thực hiện những biện pháp cấp bách như cắt giảm lãi suất và tăng mức chi, dù việc tăng mức chi có thể làm tăng thâm hụt ngân sách.

Trong bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn, Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda cũng cảnh báo về sự giảm sút tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm nay do những khó khăn từ kinh tế Mỹ và giá dầu mỏ tăng cao. Ông cho rằng không nên “quá bi quan”, song các nước cần nhanh chóng hành động và áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn nguy cơ này. Ông cho biết những vấn đề trên sẽ được bàn tới tại một cuộc họp của Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-8) do Nhật Bản tổ chức vào tháng tới để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G-8 vào tháng 7-2008.

Ngoài nguy cơ đối với nền kinh tế, Thủ tướng Nhật Bản còn cho rằng song song với các biện pháp kích thích kinh tế, các nước cần tiếp tục nỗ lực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông cho biết Nhật Bản sẽ đặt vấn đề biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự Hội nghị G-8 và sẽ hối thúc các nước để nhanh chóng cho ra đời một thỏa thuận toàn cầu mới đặt ra các mục tiêu khí thải “công bằng và hợp lý”.

Tuy có những nhận định bi quan về tình hình kinh tế toàn cầu, nhưng tại Diễn đàn Davos năm nay lại xuất hiện dấu hiệu đáng khích lệ về Vòng đàm phán tự do thương mại Doha vốn trì trệ hơn 1 năm qua. Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Doris Leuthard cho biết các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã nhất trí đặt mục tiêu kết thúc các cuộc đàm phán trong lĩnh vực hàng nông nghiệp và công nghiệp vào tháng 4 tới, nhằm hoàn tất vòng đàm phán trước cuối năm nay. Đây là những phần khó khăn nhất trong vòng đàm phán kéo dài gần 7 năm qua và là trở ngại chính để các nước WTO tiến tới ký kết một thỏa thuận buôn bán tự do toàn cầu mới.

Chia sẻ bài viết