02/02/2009 - 10:41

Diễn đàn Kinh tế Davos cảnh báo bóng ma chủ nghĩa bảo hộ

Nét đăm chiêu của Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy tại Diễn đàn Kinh tế Davos.
Ảnh: Reuters

(TTXVN)- Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Davos, nhiều nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp các nước đã cảnh báo bóng ma chủ nghĩa bảo hộ đang ám ảnh nền kinh tế thế giới trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang có xu hướng trầm trọng hơn trong năm 2009.

Các nhà lãnh đạo chính phủ và công ty nhấn mạnh nguy cơ trong giai đoạn tiếp theo của cuộc khủng hoảng kinh tế, các nước sẽ đưa ra những chính sách ưu ái các công ty trong nước trong khi ngừng nhập khẩu các sản phẩm của nước ngoài. Lo ngại này càng có cơ sở sau khi Quốc hội Mỹ đưa ra đề xuất “Người Mỹ mua hàng Mỹ”, theo đó cấm mua thép của nước ngoài để dùng trong mọi dự án xây dựng hạ tầng cơ sở bằng tiền công.

Tại Davos, tất cả các nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh cam kết mở cửa. Thủ tướng Trung Quốc cảnh báo “Chính sách bảo hộ thương mại chỉ càng khiến cuộc khủng hoảng hiện nay kéo dài và tồi tệ thêm”. Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Kamal Nath nhấn mạnh “khi các nước rơi vào khủng hoảng, thì phản ứng đầu tiên là phải bảo hộ mậu dịch. Tuy nhiên, đây là phản ứng hoàn toàn sai lầm”. Những người tán thành tự do thương mại lập luận rằng một nền kinh tế thế giới mở cửa khuyến khích cạnh tranh và làm hạ giá cả, đồng thời khuyến khích các công ty quốc gia phát triển bằng cách xuất hàng ra thị trường nước ngoài. Thế nhưng thể chế có thể đóng vai trò ngăn cản chủ nghĩa bảo hộ là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã không thuyết phục được các thành viên nhất trí được một thỏa thuận thương mại tự do mới sau 7 năm đàm phán.

Gary Cohn, đồng Giám đốc điều hành ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, cho rằng giờ đây các chính phủ đang bị ám ảnh bởi những ký ức của cuộc Đại suy thoái những năm 1930, khi đó cuộc chiến tranh thương mại, mà nổi bật là những mức thuế quan cao ngất để cản trở nhập khẩu, đã làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế thời đó. Tổng thống Mexico Felipe Calderon nói: “Trong cuộc khủng hoảng những năm 1930, chủ nghĩa bảo hộ đã bít mọi con đường thoát khỏi khủng hoảng”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Christine Lagarde gọi các biện pháp bảo hộ là “liều thuốc đắng cần thiết”, song khẳng định chỉ nên coi đây là giải pháp tạm thời. Các chuyên gia đang cảnh báo hành động của một quốc gia có thể dễ dàng khuấy động sự trả đũa của quốc gia khác, và hiện đã nảy sinh những căng thẳng xung quanh đề xuất về thép nằm trong dự luật kích thích kinh tế cả gói của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Thủ tướng Angela Merkel của Đức, nước có ngành sản xuất ô tô hùng hậu, cho biết bà rất “lo ngại” trước khoản tiền hàng tỉ USD mà Washington chi để giúp hai đại gia ô tô GM và Chrysler thoát khỏi cảnh phá sản. Bà tuyên bố việc sử dụng tiền công “không được phép lạm dụng quá lâu vì chắc chắn chúng sẽ bóp méo hoạt động thương mại và thực chất đây là hình thức bảo hộ mậu dịch”.

Chia sẻ bài viết