12/06/2024 - 17:56

Diễn biến bất ngờ trên chính trường Pháp 

Lãnh đạo đảng Những người Cộng hòa (LR) của Pháp vừa tuyên bố ủng hộ liên minh với phe cực hữu của bà Marine Le Pen trong cuộc bầu cử quốc hội sắp tới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chính trị hiện đại của Pháp khi lãnh đạo một đảng truyền thống lại ủng hộ bắt tay với đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN).

Phá vỡ điều cấm kỵ lâu năm

Thông báo bất ngờ trên được lãnh đạo LR Eric Ciotti đưa ra trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình TF1 ngày 11-6. Ông Ciotti khẳng định LR cần liên minh với RN và các ứng cử viên của đảng cực hữu này, đồng thời cho biết đã tổ chức các cuộc thảo luận với ứng cử viên Tổng thống Le Pen và Chủ tịch RN Jordan Bardella.

Lãnh đạo Eric Ciotti nói rằng LR của ông đã “quá yếu” và cần liên minh với đảng cực hữu RN. Ảnh: DW

Về phần mình, bà Le Pen đánh giá cao “sự lựa chọn dũng cảm” và “tinh thần trách nhiệm” của ông Ciotti, gọi đây là bước đột phá lịch sử bởi phe cánh hữu vốn có truyền thống từ chối hợp tác với phe cực hữu tại Pháp. Bà Le Pen cũng bày tỏ hy vọng nhiều thành viên của LR sẽ có động thái tương tự.

LR có sức ảnh hưởng lịch sử trên chính trường Pháp, tạo dựng mối liên hệ với ba đời tổng thống gồm ông Charles de Gaulle, Jacques Chirac và Nicolas Sarkozy. Trong nhiều thập niên qua, các đảng chính thống của Pháp luôn đoàn kết, bất kể lập trường chính trị, nhằm ngăn cản phe cực hữu nắm quyền.

Nếu một thỏa thuận như vậy được chính thức hóa, thì đây sẽ là lần đầu tiên những người bảo thủ trung hữu của Pháp làm việc song song với phe cực hữu. Điều đó sẽ khiến Tổng thống Emmanuel Macron gặp khó khăn hơn trong việc thành lập bất kỳ hình thức liên minh nào sau cuộc bầu cử nhằm ngăn cản đảng của bà Le Pen nắm quyền.

Do vậy, dễ hiểu khi lời kêu gọi của ông Ciotti lập tức vấp phải sự phản đối từ chính trong nội bộ đảng và cả sự bất bình từ Chính phủ Pháp. Bruno Retailleau, lãnh đạo nhóm nghị sĩ LR tại Thượng viện, chỉ trích ông Ciotti phát ngôn không qua tham vấn với toàn đảng. Chủ tịch Thượng viện Gerard Larcher, thành viên cấp cao của LR, nhấn mạnh cá nhân ông “sẽ không bao giờ nuốt trôi” thỏa hiệp với lực lượng cực hữu. Olivier Marleix, lãnh đạo nhóm nghị sĩ LR tại Quốc hội Pháp, thì yêu cầu ông Ciotti rời ghế chủ tịch đảng ngay lập tức.

LR thậm chí có nguy cơ sụp đổ khi một số nhà lập pháp của đảng dọa sẽ rời bỏ tổ chức nếu liên minh với phe của bà Le Pen. 

Cuối tuần qua, Tổng thống Pháp Macron đã tuyên bố giải tán quốc hội và đề nghị tổ chức bầu cử lập pháp sớm sau khi liên minh ôn hòa của ông thất bại trước lực lượng cánh hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Ông Macron ấn định cuộc bầu cử quốc hội (Hạ viện) sẽ được tổ chức vào ngày 30-6 và vòng bỏ phiếu thứ hai vào ngày 7-7.

Các đảng cánh tả hợp lực

Trong bối cảnh trên, Tổng thống Macron đang phải đối mặt với các liên minh đối lập ở cả cánh tả và cánh hữu giữa lúc giới phân tích cho rằng “ván cược” của ông có thể đem lại kết quả không như mong đợi.

Các đảng cánh tả đối lập ở Pháp đang tìm cách hợp tác và đề cử các ứng cử viên chung trong cuộc bầu cử tới. Dù hiện còn quá sớm để đưa ra dự đoán kết quả của cuộc bỏ phiếu nhưng giới quan sát tin rằng liên minh cánh tả sẽ khó có khả năng giành được đa số phiếu. Dù vậy, liên minh này vẫn có thể tập hợp đủ số phiếu bầu để ngăn chặn một trong hai phe lớn hơn đề cử vị trí thủ tướng trái với mong muốn của phe cánh tả. Trong thông cáo chung vào tối 10-6, các đảng Xã hội, đảng xanh, đảng “Nước Pháp bất khuất”... đã kêu gọi tập hợp trên một nền tảng chung để tạo thế đối trọng với những phe chính trị còn lại.

Theo cuộc khảo sát được công bố hôm 10-6, đảng cực hữu RN có thể giành được 235-265 ghế trong quốc hội, tăng vọt so với 88 ghế hiện tại nhưng vẫn chưa đủ 289 ghế cần thiết để đạt được đa số tuyệt đối. Cuộc thăm dò tương tự cho thấy LR sẽ thu về 40-55 ghế, vì vậy cả hai đảng kết hợp có thể chiếm đa số tuyệt đối, nhưng không có gì chắc chắn.

Liên minh trung hữu, dẫn dắt bởi đảng Phục hưng của ông Macron, có thể giành 125-155 ghế, giảm gần một nửa so với năm 2022. Các đảng cánh tả sẽ giành được khoảng 115-145 ghế.

Tuy nhiên khi trả lời phỏng vấn ngày 11-6, ông Macron đã loại trừ khả năng từ chức bất kể kết quả bỏ phiếu ra sao.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết