04/08/2020 - 10:37

Điện ảnh châu Á nhiều xáo trộn 

Dịch COVDID-19 đã khiến mọi thứ đảo lộn, ngành công nghiệp điện ảnh chịu ảnh hưởng lớn. Tại châu Á, các rạp gần như tê liệt, ngành điện ảnh thiệt hại nặng nề dù nền tảng trực tuyến có “vẻ ăn nên làm ra”.

“Lost in Russia”- một trong những phim tạo sức hút trên nền tảng trực tuyến của Trung Quốc. Ảnh: Hollywoodreporter

Trung Quốc - thị trường điện ảnh đứng đầu ở châu Á và có quy mô thứ hai toàn cầu (sau Bắc Mỹ), từng có tốc độ tăng trưởng phòng vé khoảng 250% kể từ 2012, nhưng đang hứng chịu cuộc suy giảm nặng nề với doanh thu giảm đến hơn 97,4%. Tương tự, Nhật và Hàn Quốc - 2 thị trường nằm trong top 5 toàn cầu, cũng chịu chung số phận. Trong khi phòng vé Nhật giảm đến 46,2% thì Hàn Quốc sụt giảm mạnh hơn với 65,3%. Ấn Ðộ - thị trường điện ảnh lớn thứ hai của châu Á, cũng bị mất khoảng 130 triệu USD doanh thu, khi thống kê cho thấy cổ phiếu của 2 đơn vị điều hành hệ thống rạp lớn nhất quốc gia này là PVR Cinemas và INOX Leisure Limited đã giảm đến 40%. Ðây là sự sụt giảm lớn nhất trong lịch sử ngành điện ảnh Ấn Ðộ.

Doanh thu phòng vé sụt giảm là do dịch COVID-19 bùng phát khiến chính quyền nhiều nơi phải cấm, hoặc hạn chế các rạp chiếu, gây hậu quả dây chuyền cho ngành công nghiệp điện ảnh. Tại Trung Quốc, khoảng 13.000 công ty điện ảnh, truyền hình hủy kinh doanh trong năm nay, hàng trăm tác phẩm sản xuất trong năm cũng bị dừng lại, hơn 70.000 màn hình trong 10.000 rạp chiếu của Trung Quốc cũng đã ngừng hoạt động.

Ở Ðông Nam Á, ngành điện ảnh của Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam - nhóm quốc gia có thị trường lớn ở khu vực, cũng chịu ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, khu vực này có sự ứng phó và thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp, khi chuyển hướng sang nền tảng trực tuyến. Theo báo cáo từ Media Partners Asia, chỉ trong tháng 1 đến 4-2020, tổng số phút phát trực tuyến trên nền tảng di động đã tăng hơn 60% ở các quốc gia: Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines. Báo cáo cho biết 4 quốc gia này có khoảng 8 triệu khách hàng trả tiền video trực tuyến (đến cuối tháng 3-2020). Dữ liệu tổng hợp từ Thái Lan, Indonesia, Singapore và Philippines cho thấy có sự gia tăng đột phá về phát trực tuyến, trong đó tập trung ở các hạ tầng Netflix, Viu, iflix, iQiyi. Các nhà cung cấp trực tuyến khác như YouTube, Amazon Prime Video cũng tăng hàng triệu thuê bao tại Ðông Nam Á. Tuy nhiên, vẫn có nhiều hạ tầng trực tuyến phải đối mặt khó khăn, như: HOOQ của Singapore đã phải nộp đơn phá sản, trong khi iflix của Malaysia sa thải rất nhiều nhân viên.

Một thực trạng khác đang diễn ra là sự chuyển đổi và gia tăng thị trường truyền hình. Theo thống kê từ Hội đồng nghiên cứu khán giả phát thanh truyền hình Ấn Ðộ và Nielsen, thời lượng người xem truyền hình đã tăng 6%, tại các thành phố lớn như New Delhi và Mumbai tăng bình quân từ 22-28%, kênh dành cho trẻ em tăng đến 33%. Ấn Ðộ cũng được xem là một trong những thị trường trực tuyến lớn nhất, có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Dự đoán, thị trường trực tuyến Ấn Ðộ sẽ đạt doanh số khoảng 2,4 tỉ USD vào năm 2030. Vì vậy, Netflix và Amazon Prime Video đang tích cực thâm nhập thị trường Ấn Ðộ và đang chiếm lĩnh khoảng 58%.

Tại Trung Quốc, nền tảng trực tuyến được xem là giải pháp cho điện ảnh trong giai đoạn dịch bệnh. Lượng người dùng trực tuyến đã tăng 100% mỗi ngày kể từ khi dịch bùng phát, khoảng 310 triệu người dùng đã truy cập các nền tảng trực tuyến, với tốc độ tăng trưởng hơn 17,4% so với năm trước. Tương tự, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có người dùng nền tảng trực tuyến tăng dần, tập trung ở các nền tảng Netflix, Amazon Prime Video, Hulu.

BẢO LAM (Theo Diplomat, Hollywoodreporter)

Chia sẻ bài viết