01/09/2012 - 09:15

Điểm sáng trong phong trào thi đua yêu nước

Trong khí thế thi đua sôi nổi cùng cả nước hướng tới các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2-9 và Ngày thành lập ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước trao tặng. Thành tích trên là kết quả của quá trình phấn đấu không ngừng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của ngành để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong nhiều năm liền...

Thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Được đánh giá là một trong những đơn vị có thành tích dẫn đầu, toàn diện trong các mặt công tác của ngành LĐ-TB&XH thành phố, nhiều năm qua, Phòng LĐ-TB&XH quận Bình Thủy luôn phấn đấu hoàn thành tốt các mặt công tác chuyên môn, nhất là công tác đền ơn đáp nghĩa, công tác giảm nghèo bền vững.

Cùng với 13 gia đình chính sách khác ở quận Bình Thủy, dịp 27-7 năm nay, gia đình chú Phạm Hoàng Dũng, thương binh 3/4 (ở khu vực 6, phường Trà Nóc) vô cùng xúc động khi nhận căn nhà tình nghĩa khang trang. Chú Dũng từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, giai đoạn 1981-1984. Nhiều năm nay, chú Dũng đi làm công nhân cắt cỏ ở Khu công nghiệp; vợ chú bán bánh mì ở chợ, cuộc sống khá chật vật, không có điều kiện sửa chữa nhà. Chú Dũng cho biết: “Năm 1995, tôi được cất nhà tình nghĩa. Qua nhiều năm, căn nhà xuống cấp, hư hỏng nhiều. Tôi làm đơn đề nghị được xem xét, sửa chữa nhưng không ngờ địa phương lại hỗ trợ cất mới. Với số tiền hỗ trợ 54,2 triệu đồng, gia đình tôi góp thêm vào để căn nhà được khang trang”.

Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy Cần Thơ trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ. Ảnh: QUỐC THÁI 

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Chiến, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Bình Thủy, hiện nay, Phòng LĐ-TB&XH quận đang quản lý 1.706 đối tượng chính sách. Trong đó, có 1.225 đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên và 481 đối tượng hưởng các chế độ ưu đãi về học tập, dạy nghề... Từ đầu năm đến nay, quận đã xây dựng mới 9 căn và sửa chữa 4 căn nhà tình nghĩa, với tổng số tiền 415 triệu đồng (trong đó ngân sách nhà nước 163 triệu đồng). Nhân dịp 27-7 vừa qua, quận cũng đã tổ chức họp mặt, tặng quà cho 130 gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn; thành lập đoàn đến thăm hỏi, tặng quà 50 gia đình chính sách tiêu biểu, 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng; chỉ đạo 8/8 phường tổ chức họp mặt kỷ niệm, tặng 1.034 phần quà; tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 1.050 đối tượng chính sách, với kinh phí 90 triệu đồng; phối hợp với Hội khuyến học trao 39 suất học bổng cho con em các gia đình chính sách... Quận đã lập hồ sơ đề nghị về thành phố xây mới 35 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, nếu thực hiện xong, quận cơ bản hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách trên địa bàn.

Đóng góp vào thành tích chung của ngành LĐ-TB&XH thành phố, tại hội nghị biểu dương người có công cách mạng tiêu biểu TP Cần Thơ giai đoạn 2007-2012, quận Bình Thủy vinh dự có 35 cá nhân có thành tích tiêu biểu được đề nghị về trên khen thưởng. Trong đó có 1 Bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH; 11 Bằng khen của UBND thành phố và 23 cá nhân nhận Giấy khen của Sở LĐ-TB&XH thành phố.

Riêng đối với công tác giảm nghèo, Phòng LĐ-TB&XH quận Bình Thủy cũng đã thực hiện các giải pháp hiệu quả, góp phần hoàn thành chỉ tiêu giảm 1,5% tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2012. Đồng chí Nguyễn Ngọc Chiến, cho biết thêm: “6 tháng đầu năm, Phòng phối hợp với UBND các phường tiến hành rà soát, phân loại hộ nghèo để có những biện pháp giúp đỡ thích hợp. Trong đó, nổi bật là việc triển khai dự án xây dựng mô hình hỗ trợ phụ nữ nghèo ở phường An Thới và mô hình chăn nuôi bò thịt ở phường Long Hòa”. Nhờ sự quyết tâm của chính quyền các địa phương và tiến hành các giải pháp căn cơ, đồng bộ, theo kết quả khảo sát, trong số 1.220 hộ nghèo của quận, có đến 479 hộ có khả năng thoát nghèo.

Không riêng quận Bình Thủy, các Phòng LĐ-TB&XH ở các quận, huyện khác, các Trung tâm, đơn vị trực thuộc Sở cũng đã và đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà thành phố giao phó, nhất là triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo được tổ chức đúng tiến độ, hiệu quả... thông qua các giải pháp đồng bộ, góp phần giảm nghèo và thoát nghèo bền vững. Theo thống kê, đầu năm 2006, toàn thành phố có 25.661 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 10,46%) thì đến năm 2010, tỷ lệ này giảm xuống còn 4,63% (theo tiêu chí hộ nghèo thời điểm tính). Bên cạnh đó, các mặt công tác khác cũng đạt nhiều kết quả. Như việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua việc đa dạng hóa các hình thức hoạt động, duy trì và xây dựng xã, phường, thị trấn điểm... góp phần giảm tỷ lệ tái nghiện, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, mại dâm; công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, thực hiện bình đẳng giới ngày càng tiến bộ...

Đổi mới để phát triển

Trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, Sở LĐ-TB&XH luôn chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống đơn vị sự nghiệp thuộc ngành quản lý. Riêng 8 đơn vị sự nghiệp thuộc ngành tiếp tục được quy hoạch, đầu tư, sắp xếp và phát triển. Các đơn vị hoạt động chủ động, phục vụ đối tượng theo đúng quy định...

Là đơn vị trực thuộc Sở, chịu trách nhiệm chính trong lĩnh vực tư vấn, giới thiệu việc làm, thực hiện các chính sách bảo hiểm thất nghiệp đào tạo nghề và kỹ năng phụ trợ... Thời gian qua, Trung tâm Giới thiệu việc làm đã không ngừng sáng tạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; từng bước đưa Trung tâm hoạt động đi vào chiều sâu, hiệu quả với các mô hình sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của đông đảo người lao động. Bên cạnh nỗ lực tìm kiếm, tranh thủ các nguồn tài trợ..., Trung tâm luôn chú trọng cải tiến, nâng chất hoạt động thông qua các loại hình, mô hình hiệu quả.

Đến thăm Trung tâm vào cuối tháng 8, chúng tôi không chỉ ngỡ ngàng đứng trước trụ sở được sửa chữa mới khang trang, mà còn khá thú vị khi bước vào nơi tiếp khách, được bày trí theo hướng thân thiện và phục vụ tối đa nhu cầu của “khách hàng”. Ngay ở tầng trệt, bên cạnh những tấm bảng dán thông tin tuyển dụng quen thuộc, không gian làm việc được trang trí theo hình thức một quán cà phê. Đây được gọi là mô hình Job- cafe và là một trong những điểm nhấn của Trung tâm. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm, chia sẻ: “Kể từ khi dự án Hỗ trợ thành lập Trung tâm nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ (do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc triển khai tại Cần Thơ) kết thúc giai đoạn 1, Trung tâm vẫn tiếp tục duy trì 3 hoạt động chính, gồm: mô hình Job-cafe, Call-center (Tư vấn qua tổng đài) và 2 phòng giữ trẻ. Riêng mô hình Job-cafe được ví như một quán cà phê “4 trong 1” vì khách hàng (nếu là nữ) đến đây được tư vấn về việc làm, đào tạo nghề, bình đẳng giới; có thể truy cập các thông tin việc làm cần thiết thông qua hệ thống máy tính được nối mạng Internet, đọc miễn phí các loại sách báo có chủ đề hướng về nghề nghiệp, việc làm dành cho phụ nữ và được phục vụ một số loại thức uống miễn phí...”.

Một trong những điểm được đánh giá là bước đột phá của Trung tâm chính là việc thực hiện mô hình One- stop (một điểm dừng). Cũng giống như tên gọi của nó, khách hàng đến đây sẽ được tư vấn, giải quyết mọi nhu cầu về chuyên môn, như: chính sách bảo hiểm, đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, quan hệ lao động và cả vấn đề bình đẳng giới... Hướng dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình, bà Nguyễn Thị Bích Vân chia sẻ: “Mô hình ra đời là một bước tiến mới của trung tâm, chỉ cần đến đây - một địa điểm duy nhất sẽ giải quyết hầu hết yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh việc tiết kiệm thời gian, thuận tiện cho khách hàng, mô hình được thiết kế với không gian mở, trang bị máy tính 2 màn hình, tạo cảm giác thân thiện, gần gũi với khách và mang lại nhiều tiện ích hơn cho khách hàng...”.

Riêng trong tháng 8 này, cán bộ, công nhân viên của Trung tâm giới thiệu việc làm càng tất bật khi Dự án Hỗ trợ thành lập Trung tâm nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ, giai đoạn 2 được khởi động, với nhiều hoạt động thiết thực hướng đến phụ nữ nông thôn, như: chương trình hỗ trợ quản lý dành cho những phụ nữ có nhu cầu hành nghề buôn bán nhỏ ở các huyện Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh, mở lớp dạy nghề kỹ thuật chăm sóc móng; chương trình hỗ trợ phụ nữ nông thôn tham gia lãnh đạo và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ nông thôn thông qua mô hình trồng dâu Hạ Châu, trồng rau sạch và làm cơm rượu.

Song song với triển khai thực hiện các mô hình, dự án mới, Trung tâm tập trung củng cố, mở rộng và nâng chất các hoạt động sẵn có. Đặc biệt thông qua việc nâng tần suất của sàn giao dịch việc làm từ 1 lần lên 2 lần rồi 4 lần/tháng như hiện nay. Chia sẻ về vấn đề này, bà Bích Vân phấn khởi cho biết: “Nếu như trước đây, trong các sàn giao dịch, trung âm chỉ đóng vai trò “cầu nối”, tạo điều kiện để người lao động và nhà tuyển dụng gặp nhau; thì giờ đây vai trò đã rõ hơn nhiều thông qua các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp, như: sàn lọc thông tin ứng viên, tư vấn, hướng dẫn làm hồ sơ xin việc, kỹ năng trả lời phỏng vấn, cách tạo dựng hình ảnh, thậm chí chụp hình thẻ miễn phí... Chúng tôi hy vọng qua cách làm này sẽ là bước quan trọng để trang bị cho các ứng viên những kỹ năng cần thiết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà tuyển dụng”.

Các đơn vị phòng, ban chuyên môn khác trực thuộc Sở, tùy theo đặc điểm, chức năng đã từng bước khắc phục khó khăn, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Xuân, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố, để phát huy những thành tích đạt được, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH thành phố đã đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu cơ bản theo từng năm của ngành để phấn đấu thực hiện như: tập trung giải quyết việc làm, kiểm tra thực hiện pháp luật lao động, đào tạo nghề, chăm sóc các đối tượng chính sách, người có công, đối tượng yếu thế, góp phần ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, giảm nghèo, bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, đảm bảo an sinh xã hội.

QUỲNH LAM

Chia sẻ bài viết