13/04/2013 - 09:12

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

DIA bất ngờ đưa ra báo cáo gây tranh cãi

Giữa lúc bán đảo Triều Tiên căng thẳng vì "có thể xảy ra" các vụ phóng tên lửa, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) lần đầu tiên đưa ra một báo cáo khẳng định Bình Nhưỡng đã sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tranh cãi từ một báo cáo

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 11-4, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Doug Lamborn đã đọc lớn báo cáo mật với nội dung cho rằng "DIA có niềm tin chừng mực chứng minh Bình Nhưỡng đã sản xuất được đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ và lắp vào tên lửa đạn đạo, song vũ khí trên không đáng tin cậy".

Mỹ và Hàn Quốc không tin Triều Tiên sở hữu tên lửa hạt nhân. Ảnh: Telegraph 

Theo AP, nhiều nhân vật cấp cao, gồm Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey, người cũng có mặt tại phiên điều trần, đã đón nhận báo cáo của DIA trong sự ngỡ ngàng. Ông Dempsey cho rằng do chưa từng xem qua báo cáo mật trên nên không thể đưa ra bình luận.

Trong khi đó, Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc George Little khẳng định: "Trong khi tôi không thể tiếp cận tất cả chi tiết của báo cáo được cho là tuyệt mật, thật sai lầm khi kết luận Triều Tiên đã hoàn toàn thử nghiệm, phát triển và phô diễn năng lực hạt nhân của họ như đã được đề cập trong phát biểu của ông Lamborn".

Báo cáo trên cũng đã "đến tai" các quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 12-4. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok tỏ ra ngờ vực tính xác thực về báo cáo của DIA khi khẳng định Seoul không tin Bắc Triều Tiên đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để đưa vào tên lửa đạn đạo.

Tiếng nói của Obama và nỗ lực từ John Kerry

Trong khi đó tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lần đầu tiên lên tiếng kể từ khi Bình Nhưỡng đe dọa tấn công hạt nhân Mỹ và các quốc gia đồng minh. "Đây là lúc Triều Tiên phải chấm dứt phương thức tham chiến mà họ đã đưa ra và nên cố gắng hạ nhiệt"- ông Obama nhấn mạnh hôm 11-4. Tổng thống Obama còn khẳng định không ai muốn thấy một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời tuyên bố Mỹ sẵn sàng thực hiện "những biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân".

Chính sách hiện nay của chính quyền Washington đối với Bình Nhưỡng được cho là "kiên nhẫn chiến thuật". Do vậy có thể thấy giải pháp ngoại giao được Washington xem là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt trong chuyến công du hiện nay của Ngoại trưởng John Kerry, trong đó có khu vực châu Á. Hôm qua, ông Kerry đã bắt đầu có các cuộc thảo luận với lãnh đạo Hàn Quốc, điểm dừng chân đầu tiên của ông tại châu Á trước khi có mặt tại Trung Quốc và Nhật Bản với vấn đề Triều Tiên sẽ là chủ đề chính.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-see, ông Kerry nhấn mạnh Mỹ không thể để Triều Tiên trở thành một cường quốc hạt nhân và nói thêm những hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng là "không thể chấp nhận". Ông cũng kêu gọi Trung Quốc cần áp dụng chính sách cứng rắn buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, đồng thời cho rằng "tất cả các bên liên quan phải đảm bảo tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên". Ông Kerry sẽ sang Bắc Kinh vào hôm nay. Về phần mình, ông Yun Byung-see gọi những đe dọa của Bắc Triều Tiên là một "sự khiêu khích nghiêm trọng" đối với toàn cộng đồng quốc tế.

Cũng liên quan đến vấn đề Triều Tiên, sau cuộc họp cấp Ngoại trưởng của nhóm 8 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G8) tại Thủ đô Luân Đôn (Anh) hôm 11-4, Ngoại trưởng nước chủ nhà William Hague cho biết có một sự ủng hộ thống nhất về "các biện pháp đáng kể hơn" đối với Triều Tiên. Theo ông Hague, các cường quốc hàng đầu thế giới sẽ đưa ra những "biện pháp cấm vận khắt khe hơn" đối với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiến hành phóng tên lửa hoặc thử các loại vũ khí hạt nhân khác.

THANH BÌNH (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết