09/04/2020 - 09:27

Đeo khẩu trang đang trở thành “xu hướng tất yếu” 

Tranh cãi quyết liệt về việc đeo khẩu trang có giúp kiềm chế sự lây lan của đại dịch COVID-19 hay không đang thay đổi rất nhanh, khi ngày càng nhiều quốc gia yêu cầu người dân che mặt ở những nơi công cộng.

Hành khách đeo khẩu trang tại một nhà ga ở thủ đô Jakarta, Indonesia hôm 7-4. Ảnh: AFP

Người đứng đầu Cơ quan y tế công cộng Canada Theresa Tam vừa lên tiếng đề nghị người dân đeo khẩu trang, đánh dấu một bước thay đổi trong đánh giá của giới chức y tế nước này về vai trò của khẩu trang trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Đầu tuần này, Chính phủ Indonesia cũng đã chính thức bắt buộc công dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, sau khi giới chức dự báo trong tháng 5 sẽ có tới 95.000 ca nhiễm tại quốc gia vạn đảo. Tổng thống Joko Widodo ra lệnh cho chính quyền phải đảm bảo từng hộ gia đình đều có khẩu trang, đồng thời yêu cầu các phương tiện giao thông công cộng miễn vận chuyển hành khách nếu không đeo khẩu trang.

Trong khi Việt Nam phạt tiền những người không đeo khẩu trang, thì Philippines cũng yêu cầu hơn 50 triệu dân trên đảo Luzon đeo vật dụng này hoặc các thiết bị bảo vệ mặt khi ra khỏi nhà. Hồi tuần rồi, Singapore đã điều chỉnh khuyến cáo về việc đeo khẩu trang. Theo đó, chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long ngừng ngăn cản người dân đeo khẩu trang nơi công cộng. Trong nhiều tháng trước đó, giới lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á này khuyến cáo người dân chỉ đeo khẩu trang khi không khỏe.

Những quan điểm nói trên đánh dấu sự đổi thay so với những ngày đầu bùng phát dịch bệnh, thời điểm chỉ có vài nơi chứng kiến khẩu trang được sử dụng rộng rãi, trong đó có Hong Kong và Đài Loan. Khoảng 1/3 dân số thế giới đang sống trong tình trạng phong tỏa, giữa lúc chính phủ nhiều nước nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus vốn đã gây bệnh cho hơn 1,4 triệu người trên toàn cầu. Do virus gây bệnh COVID-19 lây truyền chủ yếu trực tiếp qua giọt bắn khi người bị nhiễm ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, nên khẩu trang vừa có thể giúp tóm các giọt bắn nước bọt/dịch mũi vừa ngăn chặn người khỏe mạnh chạm tay vào mặt của mình.

 Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều chỉnh về chính sách khẩu trang là vấn đề nguồn cung. Ban đầu các nước lo ngại sử dụng rộng rãi khẩu trang có thể sẽ gây thiếu hụt vật dụng này cho các nhân viên y tế. Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đạt được thỏa thuận với công ty 3M về việc cung cấp 55,5 triệu khẩu trang chất lượng cao mỗi tháng cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống COVID-19 tại nước này.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy số lượng lớn người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng và có thể lây truyền bệnh. Vấn đề này không rõ ràng khi dịch bắt đầu bùng phát.

Ben Cowling, Giáo sư tại Đại học Hong Kong, cho rằng có bằng chứng cho thấy khẩu trang y tế có thể ngăn ngừa sự lây nhiễm virus. Đối với khẩu trang vải, theo ông, chắc chắn nó cũng có một số tác dụng bảo vệ.

HẠNH NGUYÊN (Theo Bloomberg)

Chia sẻ bài viết