18/06/2008 - 09:17

Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố:

Đề xuất nhiều giải pháp kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội và giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân

Hôm qua (17-6), kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố đã dành một buổi chiều để chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Mặc dù vẫn còn một số vấn đề chưa làm đại biểu HĐND và bà con cử tri hài lòng, nhưng nhìn chung nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đã đưa ra được các giải pháp khá cụ thể về việc thực hiện một số vấn đề cấp bách, bức xúc đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

* Ông Lê Hồng Phát, Giám đốc Sở Xây dựng: SẼ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỪ 1/500 XUỐNG 1/2000 ĐỐI VỚI NHỮNG DỰ ÁN THU HỒI NHƯNG CHƯA CÓ NHÀ ĐẦU TƯ MỚI

 

Chất vấn ông Lê Hồng Phát, Giám đốc Sở Xây dựng, đại biểu HĐND thành phố Mai Văn Nam đề nghị cho biết hiện nay thành phố có bao nhiêu hộ dân chưa được tái định cư (TĐC) và khi nào giải quyết dứt điểm để người dân bị giải tỏa đỡ vất vả, ổn định đời sống? Ông Lê Hồng Phát cho biết: Hiện nay, Sở Xây dựng không thể trả lời chính xác số hộ dân chưa được TĐC. Sở chỉ có thể cho cử tri biết là hiện có hơn 50% số hộ dân bị giải tỏa vẫn chưa được bố trí TĐC và đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND thành phố thực hiện trên 44 dự án TĐC, với hơn 17.300 căn hộ trong giai đoạn từ nay đến năm 2015. Nếu thực hiện được, sẽ đủ đáp ứng chỗ TĐC cho người dân.

Về việc lập, thực hiện và quản lý quy hoạch, ông Lê Hồng Phát, khẳng định: Thời gian qua, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND thành phố thực hiện đồng bộ các biện pháp trong lập, thực hiện và quản lý quy hoạch trên địa bàn, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và chính quyền trong thực hiện quy hoạch. Để tạo điều kiện cho người dân có nhà đất nằm trong vùng quy hoạch an tâm sinh sống, Sở Xây dựng sẽ tiến hành điều chỉnh quy hoạch từ 1/500 xuống 1/2000 đối với những dự án thu hồi nhưng chưa có nhà đầu tư mới. Đối với dự án có nhà đầu tư mới thì sẽ xem xét kỹ trước khi tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền giao chủ đầu tư mới tiếp tục thực hiện. Đối với vấn đề cấp phép xây dựng, ông Lê Hồng Phát cho rằng: Công tác quản lý xây dựng đã tương đối nề nếp; số lượng công trình xây dựng sai phép, không phép giảm gần 30% so với năm 2006. Riêng đối với hai công trình xây dựng “đồ sộ” sai phép (một tại phường Xuân Khánh và một tại phường Cái Khế): Sở Xây dựng đã chỉ đạo phòng Quản lý Đô thị quận Ninh Kiều tham mưu UBND quận Ninh Kiều biện pháp xử lý đối với công trình tại phường Xuân Khánh. Đối với công trình cao ốc văn phòng ở Nam Cần Thơ, thời gian tới sẽ họp các ngành liên quan tiếp tục xử lý.

* Ông Dương Bá Diện, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: “SIẾT CHẶT” VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI DỰ ÁN NGAY TỪ ĐẦU

 

Trả lời chất vấn tại kỳ họp, ông Dương Bá Diện, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Cần Thơ khẳng định: “Thời gian qua, do vấn đề thu hút đầu tư nên thành phố chưa quan tâm đúng mức tới việc yêu cầu các doanh nghiệp cam kết thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động. Giờ đây, mặc dù ngành chức năng có nhiều nỗ lực khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường từ các dự án này, nhưng thực tế gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Thời gian tới, Sở TN-MT sẽ tính toán, siết chặt vấn đề cam kết bảo vệ môi trường của dự án ngay từ trước khi dự án đi vào hoạt động. Việc này, thời gian gần đây Sở đã áp dụng và thực tế đã có chuyển biến tốt”. Ông Dương Bá Diện cũng thừa nhận, trước đây do quy hoạch chưa đúng nên hiện nay có một số dự án sản xuất gây ô nhiễm nhưng nằm giữa lòng khu dân cư. Hiện nay, Sở TN-MT đang tính toán việc di dời cơ sở đến nơi thích hợp sản xuất kinh doanh nhưng việc di dời rất khó khăn, phức tạp.

Về vấn đề cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thị trấn Cờ Đỏ, thị trấn Thới Lai (huyện Cờ Đỏ), ông Dương Bá Diện cho biết: Hiện nay, tỷ lệ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tại các địa bàn này đạt kết quả rất thấp. Nguyên nhân do đất đai có nhiều biến động, hiện trạng đất có thay đổi, giấy chứng nhận người dân đã thế chấp ngân hàng... Sở kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện phải quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tích cực hưởng ứng việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai. Riêng đối với vấn đề lập quy hoạch sử dụng đất tại 8 quận, huyện, ông Dương Bá Diện khẳng định: Từ nay đến cuối năm, việc lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết các quận, huyện sẽ cơ bản hoàn thành, tạo điều kiện để thực hiện quy hoạch xây dựng, đưa công tác khai thác, sử dụng quỹ đất đi vào nền nếp.

* Ông Lê Tấn Học, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải: GIA HẠN THỜI GIAN LƯU HÀNH BA GÁC ĐẠP, XE ĐẨY, XE KÉO... ĐẾN 31-6-2009

 

Một trong vấn đề nhiều cử tri quan tâm là việc thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, miễn giảm học phí cho xã viên, hoặc con xã viên hành nghề xe lôi, xe ba gác máy. Ông Nguyễn Tấn Học, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố, cho biết: Thời gian qua, các ngành chức năng đã thực hiện hỗ trợ cho 514 trường hợp, với số tiền hơn 770 triệu đồng. Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đang thực hiện thu nhận, đào tạo nghề. Ngành Giáo dục đã thực hiện miễn giảm tiền học phí cho con em đối tượng này đến năm 2010... Sắp tới, UBND thành phố sẽ xem xét, hỗ trợ lãi suất ngân hàng cho để họ chuyển đổi nghề nghiệp.

Theo ông Lê Tấn Học, UBND thành phố chấp thuận chủ trương cho phép lùi thời hạn cấm các loại xe ba gác đạp, xe đẩy, xe kéo... đến hết ngày 30-6-2009, thay vì đến ngày 30-6-2008. Sở dĩ phải lùi thời gian gia hạn là để có thêm thời gian để các ngành chức năng tìm phương tiện thay thế; đồng thời, người dân có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống. Đại biểu Mai Văn Nam chất vấn: “Các đối tượng hành nghề xe lôi, xe ba gác là xã viên thì được hỗ trợ còn các đối tượng không phải là xã viên thì có chính sách hỗ trợ gì không?”. Ông Lê Tấn Học cho biết: “Đối với các đối tượng này thành phố cũng rất quan tâm và sẽ giao cho các địa phương áp dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người nghèo, nhằm giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt”.

Về dự án Tỉnh lộ 921, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết đang hoàn tất các thủ tục khởi công trở lại các gói thầu trong quý III-2008 và hứa công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009.

* Ông Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc Điện lực TP Cần Thơ: SẼ ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHUYỂN GIAO LƯỚI ĐIỆN

 

Trả lời chất vấn của HĐND thành phố về tiến độ thực hiện đề án chuyển giao lưới điện của các Tổ điện và hợp tác xã điện không đủ năng lực hoạt động cho Điện lực TP Cần Thơ quản lý bán điện trực tiếp đến hộ dân, ông Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc Điện lực TP Cần Thơ, cho biết: Điện lực TP Cần Thơ đã làm việc và tiếp nhận được 428 điện kế tổng/311 trạm từ các Tổ tự quản điện, hợp tác xã. Số còn lại (154 điện kế tổng/112 trạm ) ở các huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh do các Tổ tự quản điện, hợp tác xã chưa bàn giao. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ thực hiện đề án nói trên chậm do còn một số vướng mắc, Điện lực TP Cần Thơ sẽ đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới. Đối với vấn đề thành lập Chi nhánh điện Cờ Đỏ theo đề nghị của cử tri nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Quảng cho biết, hiện nay dự án xây dựng nhà làm việc của Chi nhánh đang chuẩn bị đấu thầu, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2008, sau đó Chi nhánh điện Cờ Đỏ sẽ hoạt động, phục vụ người dân.

Tiếp theo phần chất vấn của đại biểu, đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, UVTƯ Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Chủ tọa kỳ họp, nêu vấn đề: Tại xã Giai Xuân, huyện Phong Điền dù có tỷ lệ hộ dân sử dụng điện khá cao (98%), nhưng chỉ có 28% số họ sử dụng điện an toàn từ lưới điện quốc gia. Đồng chí yêu cầu ngành điện cần quan tâm đến nơi đây, cũng như các nơi tương tự để đẩy nhanh tiến độ gắn điện kế, bán điện trực tiếp cho người dân.

* Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công thương: TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, KIỂM SOÁT THỊ TRƯỜNG ĐỂ ỔN ĐỊNH GIÁ MẶT HÀNG THIẾT YẾU

 

Trả lời chất vấn về vấn đề bảo đảm nguồn hàng, kiềm giữ giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công thương thành phố, cho biết: “Hàng hóa lưu thông trên địa bàn thành phố thời gian qua khá đầy đủ, không khan hiếm, thiếu nguồn cục bộ”. Tuy nhiên, trong tháng 4 vừa qua, giá gạo có biến động do tin đồn thất thiệt, tạo sự khan hiếm giả tạo để tăng giá. UBND thành phố đã tiến hành vận động 5 doanh nghiệp kinh doanh gạo, khẩn trương đưa ra thị trường hơn 110 tấn gạo để ổn định thị trường. Riêng xi măng, phân bón tại nhà máy sản xuất không tăng giá, nhưng đến các đại lý, cửa hàng giá lại tăng cao, có hiện tượng găm hàng, nâng giá và có tình trạng hàng kém chất lượng bày bán trên thị trường.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành, UBND thành phố, Sở Công thương đã xây dựng và triển khai các giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng cường quản lý thị trường, chống đầu cơ buôn lậu, kiểm soát giá cả một số mặt hàng chủ yếu theo chỉ đạo của Chính phủ, Sở đã phối hợp với các ngành Công an, Thuế, Y tế tiến hành kiểm tra, xử ký và ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ tăng giá, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả; không bán đúng giá niêm yết...

Sở Công thương tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục kiểm tra, kiểm soát buôn lậu, kinh doanh hàng giả, đầu cơ tăng giá để trục lợi, giám sát chặt chẽ giá cả các mặt hàng thiết yếu, như: xăng dầu, sắt thép, xi măng, phân bón, lương thực... Thường xuyên theo dõi, kiểm tra lượng hàng hóa ở các cơ sở sản xuất, cung ứng tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu để có điều chỉnh kịp thời. Đề nghị doanh nghiệp, người dân tính toán chi tiêu, góp phần giảm áp lực giá cả hàng hóa đang có chiều hướng tăng cao, tạo tâm lý ổn định trước tin đồn thất thiệt...

* Ông Võ Văn Đời, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: PHỐI HỢP KIỂM SOÁT THỊ TRƯỜNG VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP, KHÔNG ĐỂ XẢY RA TÌNH TRẠNG ĐẦU CƠ

 

Trả lời ý kiến của cử tri về tình hình giá cả vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất của người nông dân; một số loại vật tư nông nghiệp lưu thông trên thị trường chưa đảm bảo chất lượng, thậm chí có hàng giả, ông Võ Văn Đời, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm soát thị trường mua bán các loại vật tư nông nghiệp trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng đầu cơ. Đồng thời, tiến hành thanh tra 53 cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng và đã xử phạt 31 cơ sở vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa, số tiền 76,7 triệu đồng; thanh tra 121 cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực thú y, thủy sản và đã xử phạt 34 cơ sở vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa... số tiền 137,4 triệu đồng.

Trả lời câu hỏi về tình hình phát triển nghề nuôi và chế biến cá tra trên địa bàn thành phố của chủ tọa kỳ họp, ông Võ Văn Đời cho biết: Theo quy hoạch đến năm 2010 diện tích nuôi cá tra trên địa bàn thành phố là 1.000 ha; có 21 cơ sở chế biến, công suất 140 ngàn tấn/ năm. Thời gian qua, do lợi nhuận từ cá tra cao, nên đến nay, diện tích nuôi đã phát triển lên đến 1.167 ha; có 30 cơ sở chế biến, công suất 130 ngàn tấn/ năm. Gần đây, giá cá tra sụt giảm, bà con nuôi cá tra rơi vào tình trạng thiếu vốn. Trước tình hình đó, ngành ngân hàng đã có chủ trương cho các hộ nuôi và cơ sở kinh doanh cá tra vay vốn không hạn chế, nhưng lãi suất không ưu đãi. Chính vì thế, hiện nay các hộ nuôi và cơ sở kinh doanh cá tra đang gặp khó khăn.

* Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ: TRIỂN KHAI 10 GIẢI PHÁP GÓP PHẦN KIỀM CHẾ LẠM PHÁT

 

Trả lời câu hỏi về giải pháp góp phần kiềm chế lạm phát trên địa bàn thành phố của ngành ngân hàng, ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, đưa ra 10 giải pháp. Trong đó, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh việc huy động vốn trong dân cư, trong các thành phần kinh tế để đầu tư cho các thành phần kinh tế; áp dụng thống nhất cơ chế lãi suất cơ bản do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành đối với các tổ chức tín dụng, nhằm tránh để rủi ro lãi suất hoặc mất ổn định của các tổ chức tín dụng do khách hàng rút tiền gửi nơi có lãi suất thấp sang nơi gửi có lãi suất cao. Tăng cường giám sát thị trường tiền tệ, thiết lập hệ thống thông tin nhanh, có độ tin cậy cao để kịp thời đánh giá đúng diễn biến thị trường và có biện pháp can thiệp phù hợp; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản, cho vay tiêu dùng; tăng cường công tác thanh tra, giám sát của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trên tất cả các mặt hoạt động đối với các mặt hoạt động của các tổ chức tín dụng...

Ông Hà Hồng Ngọc, cho biết: Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Cần Thơ đã triển khai công tác quản lý chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước quy định đến các ngân hàng và các tổ chức tín dụng; đồng thời tăng cường giám sát từ xa và thanh tra trực tiếp tại chỗ. Qua giám sát, thanh tra cho thấy các ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả, chấp hành đúng các quy định của ngành.

Đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, Chủ tọa kỳ họp đánh giá cao hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ trong thời gian qua. Đồng thời, mong muốn 6 tháng cuối năm 2008, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các ngân hàng thương mại trên địa bàn; lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và bà con cử tri để kịp thời tính toán lãi suất phù hợp, đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu huy động vốn cho đầu tư phát triển của thành phố.

NHÓM PV CHÍNH TRỊ

Chia sẻ bài viết