11/07/2012 - 21:06

Để tự phê bình và phê bình thật sự là vũ khí sắc bén, là giải pháp hiệu quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

* HÀ ĐĂNG
(Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng
- Văn hóa Trung ương)

Trong đợt xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI xác định: tiến hành tự phê bình và phê bình là giải pháp hàng đầu. Để thực hiện hiệu quả giải pháp quan trọng hàng đầu này, từng đảng viên,từng tổ chức cơ sở đảng nhất thiết phải làm đúng và làm tốt những gì Trung ương đã nêu trong nghị quyết, chỉ thị và kế hoạch của Bộ Chính trị.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, và các bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng với Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 24-2-2012, và Kế hoạch số 08-KH/TW, ngày 12-3-2012, của Bộ Chính trị về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết đã nêu vấn đề một cách tổng thể và toàn diện. Qua đó, chúng ta thấy rõ tầm vóc lớn lao của Nghị quyết đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, đồng thời cũng thấy được vai trò quan trọng của việc tổ chức thực hiện Nghị quyết. Bởi kinh nghiệm cho thấy: với bất cứ nghị quyết nào, dù tốt, đúng và trúng đến mấy, nhưng nếu tổ chức thực hiện không tốt, không chu đáo, không đến nơi đến chốn thì hiệu lực và hiệu quả sẽ giảm thiểu rất nhiều, thậm chí có thể bị triệt tiêu.

Nghị quyết đề ra bốn nhóm giải pháp. Trong đó vấn đề tự phê bình và phê bình được đặt vào nhóm giải pháp hàng đầu. Chúng ta cần hiểu thấu hơn vấn đề này.

Thứ nhất, về bản chất và chức năng của tự phê bình và phê bình.

Trước nay Đảng ta thường nói: tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng; là vũ khí sắc bén để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nay, trong Nghị quyết Trung ương 4, tự phê bình và phê bình được xếp vào hàng các giải pháp. Vậy có điều gì thay đổi hay mâu thuẫn chăng? Thật ra là không. Không có gì mâu thuẫn, cả về lý luận và về thực tiễn. Nói tự phê bình và phê bình là quy luật hay nguyên tắc là nói đến sự vận động nội tại của Đảng cách mạng, với tư cách là một cơ thể sống, một thực thể chính trị xã hội đặc thù. Một cơ thể sống mà hằng ngày, hằng giờ không tiếp thu và sản sinh những nhân tố mới của sự sống, lại không đào thải được những nhân tố độc hại, thoái hóa, biến chất thì làm sao tránh khỏi bị trì trệ, suy thoái và bại vong? Còn nói tự phê bình và phê bình là phương pháp (hay giải pháp) trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nói đến cách thức tổ chức hành động xuất phát từ quy luật, nguyên tắc và nhằm đáp ứng cho được đòi hỏi của thực tiễn. Không phải ngẫu nhiên mà trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Tự phê bình và phê bình là “khâu mấu chốt nhất” của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Kế hoạch của Bộ Chính trị cũng nêu rõ: “Phải quán triệt sâu sắc quan điểm tự phê bình và phê bình vừa là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng đồng thời là yêu cầu cấp bách của xây dựng Đảng hiện nay”.

Bác Hồ từng dạy: “Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí”. “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh mẽ, chắc chắn, chân chính”.

Vấn đề tự phê bình và phê bình đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 4 là như vậy. Và bởi thế nó được coi là giải pháp đầu tiên cũng là giải pháp xuyên suốt trong các giải pháp phải thực hiện.

Thứ hai, mục đích, yêu cầu và nội dung của tự phê bình và phê bình.

Mục đích và yêu cầu chung của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 là tạo được chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng ngay trong nhiệm kỳ khóa XI, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên, của nhân dân đối với Đảng.

Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình đương nhiên phải nhằm đáp ứng mục đích và yêu cầu chung ấy. Tuy nhiên không phải vì mục đích và yêu cầu chung ấy, mà việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình phải đề cập hết thảy, bất cứ cái gì có liên quan đến việc xây dựng sự vững mạnh của Đảng. Nội dung kiểm điểm không thể đặt ra quá rộng, quá nhiều mà tập trung vào ba điểm chính:(1) Về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và từng đảng viên, của người đứng đầu về tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái. (2) Những hạn chế yếu kém trong công tác cán bộ, nhất là trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, bố trí cán bộ, tình trạng một số trường hợp bố trí cán bộ không đúng, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, quản lý, sự phát triển của ngành, địa phương. (3) Những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; quyền hạn và trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong ba nội dung này, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.

Thứ ba, về mối quan hệ nội tại của tự phê bình và phê bình.

Tự phê bình và phê bình là hai mặt của cùng một vấn đề chứ không phải là hai vấn đề khác nhau. Phê bình là kiểm điểm người khác, còn tự phê bình là mình tự kiểm điểm mình. Nói mình và người là nói đến chủ thể và đối tượng. Một cán bộ, đảng viên, một cấp ủy hay một tổ chức đảng vừa là chủ thể, vừa là đối tượng; là chủ thể khi mình tự phê bình, là đối tượng khi mình chịu sự phê bình của người khác. Với bất cứ chủ thể nào, tự phê bình vẫn là mặt chính yếu nhất. Bởi chủ thể là người biết rõ công việc của mình hơn ai hết, biết rõ mình đã làm gì và làm như thế nào, sai đúng ra sao. Tự phê bình thể hiện tính tự giác và tinh thần trách nhiệm của chủ thể. Nhưng tự phê bình cũng có điểm hạn chế khi chủ thể có sự chủ quan: sai tưởng đúng, xấu tưởng tốt, trái tưởng phải. Vì vậy cần phải có phê bình. Phê bình là chỉ ra cả khuyết điểm và ưu điểm, nhưng trước hết là chỉ ra cho được khuyết điểm của đối tượng được kiểm điểm. Phê bình đúng sẽ giúp cho người mắc sai lầm sửa chữa khuyết điểm. Người phê bình thường có thái độ khách quan hơn người tự phê bình. Về mặt này, phê bình có ý nghĩa rất quan trọng, có khi quan trọng hơn tự phê bình. Tự phê bình và phê bình giống như hai cánh của một con chim. Chim không thể bay nếu hai cánh không cùng vỗ.

Đây là nói tự phê bình và phê bình lành mạnh, trên tinh thần xây dựng. Nếu làm trái lại, thì đó là phản tự phê bình và phản phê bình, là làm cho tự phê bình và phê bình bị biến dạng. Những biểu hiện thường thấy, cần kiên quyết khắc phục là: nể nang, xuê xoa, né tránh, không dám nói thẳng, nói thật, “nói tốt trước mặt, hục hặc sau lưng”. Lợi dụng tự phê bình và phê bình để đề cao cá nhân, bơm thổi những việc mình làm được, bào chữa những việc mình làm hỏng, che giấu khuyết điểm cho nhau, vuốt ve ca tụng lẫn nhau; hoặc ngược lại, bới móc và đả kích nhau, biến những cuộc họp kiểm điểm thành nơi đấu đá và hạ bệ nhau.

Thứ tư, về trình tự kiểm điểm tự phê bình và phê bình.

Trung ương quy định, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này phải được tiến hành ở tất cả các cấp và theo trình tự từ trên xuống, cấp trên trước, cấp dưới sau, tập thể trước, cá nhân sau; cấp trên, nhất là những người đứng đầu, phải làm gương cho cấp dưới và cho tập thể của mình.

Theo trình tự này, ở Trung ương, tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm tự phê bình, phê bình trước; cá nhân Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương kiểm điểm tự phê bình và phê bình sau.

Ở cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương, tập thể ban thường vụ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị kiểm điểm tự phê bình trước; các thành viên các tổ chức này kiểm điểm tự phê bình, phê bình sau.

Ở cấp cơ sở, ban thường vụ cấp ủy hoặc đảng ủy, tập thể chi ủy kiểm điểm tự phê bình trước; bí thư, chi ủy viên, đảng viên kiểm điểm tự phê bình, phê bình sau.

Với trình tự nêu trên, trách nhiệm và tinh thần gương mẫu của cấp trên và của người đứng đầu có tác động rất quyết định đến kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của cấp dưới và của các cá nhân cùng cấp. Cấp trên làm trước và sự gương mẫu của cấp trên phải thật sự song hành. Gương mẫu phải thể hiện từ cách đặt vấn đề cho đến nội dung, phương pháp và thái độ tự phê bình và phê bình. Cấp trên làm tốt, cấp dưới tất sẽ noi theo. Cấp trên làm không tốt, thì không có lý gì để đòi hỏi cấp dưới làm tốt.

Thứ năm, về mối quan hệ giữa kiểm điểm tự phê bình và phê bình với xử lý kỷ luật.

Yêu cầu chung đối với mỗi chủ thể trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, để từ đó đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi. Việc tổ chức kiểm điểm phải thật sự dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần xây dựng, đúng với yêu cầu và nội dung đề ra.

Vậy, nếu làm không đúng thì xử lý thế nào? Có ba loại trường hợp: (1) Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nào kiểm điểm không đạt yêu cầu thì phải kiểm điểm lại. (2) Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ đảng viên nào không tự giác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, không tự nhận sai lầm, khuyết điểm, không khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra thì phải kiên quyết xử lý kỷ luật. (3) Những trường hợp có vi phạm, tự giác kiểm điểm tự phê bình nghiêm túc, tích cực sửa chữa, khắc phục sẽ được xem xét giảm hoặc miễn xử lý kỷ luật.

Đó là nói xử lý trong phạm vi kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Còn xử lý như thế nào, theo kỷ luật của Đảng hay pháp luật của Nhà nước là tùy thuộc vào tính chất và mức độ của các sai phạm.

Kỷ luật của Đảng bao gồm nhiều hình thức. Đối với tổ chức đảng, đó là khiển trách, cảnh cáo, giải tán. Đối với cá nhân đảng viên, đó là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.

Tôi nghĩ rằng, việc thi hành kỷ luật trong Đảng hoàn toàn không thay thế cho việc xử lý theo pháp luật. Có những trường hợp chỉ cần thi hành kỷ luật trong Đảng là đủ. Nhưng có những trường hợp sai phạm nghiêm trọng, gây tổn hại cho Đảng, Nhà nước và nhân dân, vi phạm pháp luật rõ ràng thì phải truy tố trước pháp luật và chịu sự phán xử nghiêm minh của pháp luật.

Thứ sáu, về mối quan hệ giữa nhóm giải pháp tự phê bình và phê bình với các nhóm giải pháp khác.

Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, tự phê bình và phê bình được coi là nhóm giải pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhưng đó không phải là giải pháp duy nhất. Còn có ba nhóm giải pháp khác: Về tổ chức cán bộ và sinh hoạt đảng; về cơ chế chính sách và về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.

Mấy tháng nay, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đã và đang đi trước một bước. Thông qua nhiều kênh khác nhau, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng có nhiệm vụ quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Đảng, trên cơ sở đó tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, tạo được sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng và sự đồng thuận trong nhân dân để tích cực thực hiện Nghị quyết.

Để tự phê bình và phê bình thật sự là vũ khí sắc bén, là giải pháp hiệu quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chúng ta nhất thiết phải làm đúng và làm tốt những gì Trung ương đã nêu trong Chỉ thị số15-CT/TW, ngày 24-2-2012, và Kế hoạch số 08-KH/TW, ngày 12-3-2012, của Bộ Chính trị, hai văn bản rất bài bản. Và để gặt hái được thành công trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, chúng ta cũng nhất thiết phải kiên trì tiến hành một cách đầy đủ, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có bước đi và lộ trình nhất quán các nhóm giải pháp đã định.

Một bài học quý, được rút ra qua nhiều cuộc vận động chính trị khác nhau là: Nói đi đôi với làm. Đã nói là làm và phải làm nhiều, làm tốt hơn nói.

Theo Tạp chí Cộng sản

Chia sẻ bài viết