04/08/2024 - 22:36

Để phát triển vườn cây ăn trái bền vững 

Những năm gần đây, diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn TP Cần Thơ và cả nước nói chung liên lục tăng, đóng góp ngày càng lớn vào giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đầu ra nhiều loại trái cây vẫn thường xuyên gặp cảnh "rộ mùa, rớt giá" hay "trúng mùa, mất giá". Để cây ăn trái phát triển bền vững, nông dân cần  liên kết với nhau, với các bên có liên quan  tạo gắn kết chặt giữa các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và nhất là hạn chế tình trạng trồng cây theo phong trào...

Còn đó nỗi lo đầu ra

Nhiều vườn cây ăn trái đã giúp nông dân có thu nhập cao gấp nhiều lần so với trước đây trồng lúa, từ đó nhiều hộ dân có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Song, việc trồng cây ăn trái của nhiều bà con nông dân hiện vẫn được đánh giá là chưa bền vững do giá cả đầu ra chưa ổn định, đảm bảo cho người trồng có lời. Điều đáng lo là nông dân còn trồng cây ăn trái chạy theo "thị trường" và theo "phong trào", thiếu hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp và chưa có sự liên kết, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Nhiều loại cây ăn trái đã được nông dân tại nhiều địa phương tăng diện tích trồng và dự kiến còn tăng thêm trong thời gian tới, từ đó tiếp tục tạo ra nhiều áp lực cho khâu tiêu thụ. Đặc biệt, cây sầu riêng đang được nông dân tại nhiều nơi mở rộng diện tích trồng rất nhanh, do sầu riêng đang bán được giá cao, lời nhiều. Ông Nguyễn Văn Ninh ở ấp Trường Trung B, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, cho biết: "Với hơn 10 công đất trồng sầu riêng, những vụ sầu riêng gần đây gia đình tôi có thu nhập rất tốt nhờ sầu riêng được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, giúp nhà vườn bán được sản phẩm với giá cao. Tuy nhiên, khi nông dân tại nhiều địa phương đang tập trung phát triển trồng sầu riêng, tôi cũng lo cho giá cả sầu riêng trong tương lai không biết ra sao, nhất là khi đa phần nông dân chỉ bán sầu riêng qua thương lái".

Đặc sản dâu Hạ Châu tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ được một vựa trái cây tại huyện thu mua, phân loại để chuẩn bị đưa đi các nơi tiêu thụ.

Thời gian qua nhiều trái cây như cam sành, xoài Đài Loan, mít... đã bộc lộ sự bấp bênh về giá cả đầu ra khi nông dân tại nhiều địa phương tăng diện tích trồng. Bên cạnh đó, khâu bảo quản, chế biến và phát triển thị trường xuất khẩu của nhiều loại trái cây cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện nhiều loại trái cây chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa ở dạng tươi thô, không thể bảo quản lâu nên rất dễ gặp cảnh "dội chợ" hay "rộ mùa, rớt giá".

Hướng đến sản xuất bền vững

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ vừa phối hợp với UBND huyện Cờ Đỏ cùng Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng Trọt thuộc Bộ NN&PTNT tổ chức tọa đàm "Phát triển chuỗi sản xuất - tiêu thụ cây ăn quả bền vững". Tại tọa đàm, nhiều diễn giả và đại biểu cho rằng, nông dân, doanh nghiệp cùng các bên có liên quan cần tăng cường liên kết, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ và ổn định đầu ra sản phẩm để phát triển trồng cây ăn trái bền vững. Quan tâm sản xuất đạt các tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và từng thị trường xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T (Vina T&T Group), để xuất khẩu trái cây vào các thị trường thế giới, nông dân cần liên kết, phối hợp cùng doanh nghiệp để sản xuất đáp ứng về tiêu chuẩn, chất lượng theo các yêu cầu của từng thị trường cụ thể. Bởi mỗi thị trường xuất khẩu đều có quy định, tiêu chuẩn rất riêng và khắt khe. Đơn cử, như thị trường Hoa Kỳ, họ không chỉ đòi hỏi trái cây phải có mã số vùng trồng, có mã số nhà máy đóng gói mà sản phẩm phải đảm bảo quy cách đóng gói và các yêu cầu về sơ chế, xử lý chiếu xạ...

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cũng như nhiều tỉnh ở vùng ĐBSCL, những năm gần đây diện tích trồng cây ăn trái tại Cần Thơ không ngừng mở rộng và đóng góp ngày càng lớn vào giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố. Đồng thời, góp phần hỗ trợ cho phát triển công nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, hình thành các sản phẩm OCOP. Đến nay, thành phố đã có tổng diện tích cây ăn trái đạt hơn 25.000ha, sản lượng trái cây hằng năm đạt hơn 220.000 tấn. Tới đây, diện trồng cây ăn trái tại thành phố dự kiến còn tăng, nhất là những loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, vú sữa, nhãn... Để giúp nông dân trồng cây ăn trái đạt hiệu quả tốt, ngành Nông nghiệp đã và đang tiếp tục quan tâm tăng cường cung cấp thông tin thị trường, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả. Thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, chuyên canh theo hướng thâm canh, tạo điều kiện xây dựng mã số vùng trồng và chuẩn hóa sản xuất đáp ứng các yêu cầu thị trường về chất lượng và an toàn. Qua đó, nông dân thuận lợi trong kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu và các nhà tiêu thụ để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững. Để hạn chế rủi ro do phát triển nóng diện tích trồng sầu riêng, ngành Nông nghiệp Cần Thơ cũng khuyến cáo bà con trồng theo hướng tập trung, hình thành vùng chuyên canh để có điều kiện cấp mã số vùng trồng và những vùng có điều kiện thuận lợi, thổ nhưỡng phù hợp mới trồng sầu riêng. Liên kết chặt với nhau và với doanh nghiệp để hạn chế rủi ro trong tiêu thụ sản phẩm...

Hiện diện tích trồng cây ăn trái cả nước đã đạt hơn 1,2 triệu héc-ta. Cây ăn trái được trồng tại hầu khắp các vùng miền trong cả nước, trong đó khu vực phía Nam có khoảng 600.000ha, riêng vùng ĐBSCL hiện có hơn 370.000ha cây ăn trái các loại. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, trong các xu thế phát triển cây ăn trái hiện nay, có xu thế gìn giữ và phát triển các loại cây bản địa, đặc thù, đặc sản tại địa phương. Đây là hướng đi mà các địa phương cần quan tâm bởi nó sẽ giúp các địa phương phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, đồng thời hạn chế tình trạng nhiều người tập trung trồng cùng một loại cây ăn trái dẫn đến giá cả đầu ra có thể bị ảnh hưởng xấu. Cũng theo ông Tùng, để trồng cây ăn trái bền vững, nông dân cần có đầu ra sản phẩm tốt và bán được mức giá đảm bảo có lời nhiều. Để đạt được điều này, người sản xuất cần quan tâm tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng và tạo sự đồng đều, đồng nhất về mẫu mã và chất lượng cho sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết