25/12/2012 - 20:41

Để người dân nông thôn ngày càng tin dùng hàng Việt

Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (gọi tắt là Ban chỉ đạo) TP Cần Thơ, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn thành phố tập trung triển khai có hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (gọi tắt là Cuộc vận động) đến mọi tầng lớp nhân dân, góp phần làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, nhất là người dân nông thôn trong việc ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt. Tuy nhiên, Cuộc vận động tại một số địa phương vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ để người dân nông thôn ngày càng tin dùng hàng Việt.

Hàng Việt được ưa chuộng

Thời gian gần đây, nhiều phiên chợ “hàng Việt về nông thôn” được tổ chức trên địa bàn TP Cần Thơ thu hút nhiều người dân tham quan, mua sắm... Trong ảnh: Phiên chợ “hàng Việt về nông thôn” tại huyện Phong Điền. 

Theo Ban chỉ đạo, đến nay Cuộc vận động đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhân dân. Nhận thức của đại bộ phận người dân về hàng Việt được nâng lên rõ rệt, nhất là người dân nông thôn. Từ đó, thay đổi thói quen, tin dùng hàng Việt trong cuộc sống hằng ngày của người dân.

Theo Ban chỉ đạo huyện Vĩnh Thạnh, toàn huyện có 75-80% người tiêu dùng sử dụng hàng Việt, nhất là các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Bà Lê Thị Giàu, ấp Qui Lân 5, xã Thạnh Quới, cho biết: "Khi mua hàng, tôi thường xem nhãn mác, xuất xứ nguồn hàng và ưu tiên mua sắm hàng Việt. Hiện nhiều vật dụng trong nhà của tôi như: quạt gió, bếp gas, bàn ghế... đều là hàng Việt. Ngoài ra, khi chọn mua các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày như: xà bông, nước rửa chén, đường, bột ngọt, dầu ăn... tôi luôn lựa chọn sản phẩm của thương hiệu Việt". Năm 2012, huyện Phong Điền đã tổ chức thành công "Hội chợ thương mại và giống cây trồng chất lượng cao", phối hợp với Siêu thị Vinatex Cần Thơ tổ chức 6 phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn" tại thị trấn Phong Điền và xã Giai Xuân. Các hoạt động này góp phần làm thay đổi ý thức mua bán và thói quen tiêu dùng của người dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện Phong Điền, hàng Việt được bày bán tại các chợ chiếm khoảng 95% lượng hàng hóa. Anh Lương Hoài Vũ, tiểu thương bán hàng may mặc tại Trung tâm Thương mại Phong Điền, cho biết: "Tôi kinh doanh hàng may mặc tại chợ huyện Phong Điền nay là Trung tâm Thương mại Phong Điền được hơn 5 năm. Hơn năm nay, tôi chủ yếu bán hàng do các công ty TP Hồ Chí Minh sản xuất. Hàng may mặc của thương hiệu Việt ngày càng được cải tiến mẫu mã, chất lượng nâng cao, đặc biệt giá cả phải chăng khá phù hợp nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng nông thôn. Các mặt hàng có thể kể như: áo kiểu nữ, đồ bộ người lớn hay trẻ em... Chỉ với trên dưới 110.000 đồng, người tiêu dùng có thể mua được bộ quần, áo vừa ý! Tại nhiều chợ vùng nông thôn, tiểu thương cũng nhập và bán hàng Việt nhiều hơn. Chị Huỳnh Thanh Kiều, tiểu thương tại Trung tâm thương mại Vĩnh Thạnh, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Cửa hàng Thanh Kiều luôn chú trọng cách trưng bày và luôn hướng khách hàng sử dụng các sản phẩm Việt, nhất là các loại đồ chơi trẻ em. Phần lớn, các mặt hàng như: nón vải, bóp, ví, dây nịt, đồ chơi trẻ em... được bày bán ở cửa hàng có hơn 90% là hàng Việt. "Thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng nông thôn khá lưu ý xuất xứ nguồn hàng khi lựa chọn hàng hóa. Phần lớn họ chỉ tin dùng hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất nên bán các mặt hàng nhập khẩu, nhất là nhập khẩu từ Trung Quốc là thua" - chị Thanh Kiều chia sẻ.

Cần gỡ khó

Theo Ban chỉ đạo, dù góp phần đáng kể trong việc thay đổi nhận thức, tâm lý tiêu dùng của người dân vùng nông thôn nhưng trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động, các địa phương cũng gặp không ít những khó khăn, trở ngại. Tại Vĩnh Thạnh, theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động huyện, một số nơi, cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến cuộc vận động; việc tổ chức tuyên truyền tuy được phát động rộng khắp nhưng chưa đi vào chiều sâu. Hàng Việt có nhiều thế mạnh như: giá cả phù hợp với nhu cầu bình dân của người dân vùng nông thôn, mạng lưới bao phủ rộng nhưng còn hạn chế về tính ổn định của chất lượng, mẫu mã và kiểu dáng nghèo nàn… Ngoài ra, các địa phương chưa có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc đưa hàng Việt về nông thôn. Hoặc nếu có thì thời gian đưa hàng Việt về nông thôn quá ngắn, chỉ khoảng 2 ngày, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp có thương hiệu tham gia, chưa thu hút sức mua sắm mạnh mẽ trong dân. Thêm vào đó, phương tiện vận chuyển hàng hóa và đường giao thông chưa được đảm bảo, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa nên chưa tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia. Vấn đề gian lận thương mại, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn tồn tại... trong một bộ phận người bán, nhà sản xuất, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng khiến công tác tuyên truyền Cuộc vận động của nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn.

Để hàng Việt gần hơn với người tiêu dùng nông thôn, Ban chỉ đạo các địa phương kiến nghị: Ban chỉ đạo thành phố cần hỗ trợ các địa phương xây dựng cơ chế mặt bằng giá, đề xuất cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt mở rộng mạng lưới hàng hóa về vùng nông thôn. Thành phố nghiên cứu, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thuộc các nhóm hàng bình ổn giá, như: hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm, hàng may mặc... tích cực tham gia đưa hàng Việt về nông thôn để phục vụ nhân dân mua sắm hàng hóa chất lượng với giá cả phải chăng, nhất là dịp tết. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt, cần nâng cao chất lượng và cải tiến mẫu mã sản phẩm hơn nữa, bán với giá cả phải chăng để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm. Mặt khác, các địa phương cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng nhái, hàng kém chất lượng, góp phần bình ổn giá thị trường, giúp người tiêu dùng vùng nông thôn tin và sử dụng hàng Việt.

Bài, ảnh: M.HOA

Chia sẻ bài viết