26/03/2016 - 17:37

Nhịp cầu dân cử

Đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật

Trước kỳ họp thứ 18 HĐND thành phố, cử tri quận Ô Môn đề nghị quan tâm tăng cường công tác tuyên truyền về pháp luật, nhất là về Bộ Luật hình sự, dân sự cho người dân biết. Nội dung trả lời của Sở Tư pháp thành phố như sau:

Thời gian qua, Sở Tư pháp thường xuyên tham mưu UBND thành phố ban hành các kế hoạch phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn. Nội dung pháp luật được tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân tập trung vào các luật mới được Quốc hội thông qua, các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, tuyên truyền thường xuyên về Hiến pháp, pháp luật dân sự, pháp luật hình sự... Đây là những đạo luật quan trọng, điều chỉnh trực tiếp các quan hệ, giao dịch dân sự của người dân.

Năm 2015, qua hình thức tuyên truyền miệng và lồng ghép các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác, tổ chức được 40.837 cuộc với 3.251.143 lượt người dự, tập trung cao điểm việc phổ biến dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đặc biệt, trong năm, thực hiện lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự và Bộ luật hình sự, qua hoạt động này đã tuyên truyền, phổ biến những quy định cần sửa đổi, bổ sung của các Bộ luật. Sở Tư pháp đã tham mưu phát hành 200.000 phiếu lấy ý kiến nhân dân về 2 dự thảo Bộ luật này; tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền về dự thảo Bộ luật.

Thời gian qua, Sở Tư pháp tham mưu nhiều giải pháp, mô hình về phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm đảm bảo mang tính hiệu quả, đưa pháp luật đến với người dân như: tuyên truyền miệng, trợ giúp pháp lý lưu động, hòa giải cơ sở, khai thác tủ sách pháp luật, quán cà phê pháp luật, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành các tài liệu tuyên truyền, tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật phát động đến mọi tầng lớp nhân dân, lồng ghép hội diễn văn nghệ và tuyên truyền pháp luật trong cộng đồng dân cư…

Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới, nhất là các quy định điều chỉnh trực tiếp đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân, Sở Tư pháp đề ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ, như sau:

- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, các văn bản luật bằng nhiều hình thức phù hợp với địa bàn, đối tượng; tập trung triển khai các văn bản luật vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua; tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật gắn với đời sống, sinh hoạt của người dân; việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; tuyên truyền các quy định pháp luật phục vụ công tác tuyển quân, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới;...

- Chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho từng nhóm đối tượng theo yêu cầu của các chương trình, Đề án như: phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân nông thôn, địa bàn có nhiều vi phạm pháp luật…; chú ý tuyên truyền pháp luật cho nhóm đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật...

- Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; chú trọng các phương tiện thông tin đại chúng, các loại tài liệu tuyên truyền ra dân ngắn gọn, dễ hiểu; phát động các hội thi tìm hiểu pháp luật để tạo điều kiện giúp người dân nâng cao ý thức tự học tập, tìm hiểu pháp luật; lồng ghép công tác tuyên truyền pháp luật với hoạt động trợ giúp, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp cho người dân.

- Nhân rộng các mô hình điểm trong cộng đồng dân cư, các sáng kiến, giải pháp hướng về cơ sở như: mô hình "Quán cà phê pháp luật"; sinh hoạt Câu lạc bộ pháp luật; sinh hoạt Ngày pháp luật, phục vụ và tạo điều kiện cho người dân tìm hiểu pháp luật.

- Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực, đảm bảo các điều kiện hoạt động đối với Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, Báo cáo viên, đội ngũ Tuyên truyền viên cấp huyện và cấp xã.

Chia sẻ bài viết